Tăng trưởng ấn tượng
Ngành xuất khẩu gỗ sau thời gian giảm tốc trong tháng 8 đã có sự phục hồi trở lại. Ông Hà Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư chợ gỗ Tài Anh - cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu gỗ, nhất là trong tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 tới nay, công ty đã bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng từ thị trường Châu Âu và Mỹ. Với những đơn hàng này, từ nay đến cuối năm công ty phải mở rộng sản xuất mới kịp tiến độ.
Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8.2022 đạt 1,35 tỉ USD, tăng 65% so với tháng 8.2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số ấn tượng so với 2 tháng trước đó. Bởi, giá trị xuất khẩu tháng 6 và tháng 7 của ngành gỗ đều ở mức giảm tốc.
Một điểm sáng của ngành gỗ hiện nay là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ (8 tháng đầu năm tăng gần 200% so với cùng kỳ). Lý do là hiện tại, EU, Nhật Bản và một số nước Châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những tháng còn lại nếu các doanh nghiệp duy trì phong độ thì kim ngạch xuất khẩu từ gỗ có thể đạt mục tiêu 16,4 tỉ USD trong năm 2022.
Không riêng ngành gỗ, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua có nhiều khởi sắc. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8.2022 của Việt Nam đạt 33,38 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8.2022 ước đạt 30,96 tỉ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cần duy trì phong độ
Nhận định về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới, Tiến sĩ Tạ Đình Hòa - giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỉ USD như hiện nay, chúng ta có căn cứ tin tưởng xuất nhập khẩu năm 2022 cán mức kỷ lục là 800 tỉ USD. Điều quan trọng là các doanh nghiệp không được ngủ quên trên chiến thắng, không chủ quan với những rủi ro đã xảy ra và những rủi ro có thể “đột biến” thời gian tới.
Tiến sĩ Tạ Đình Hòa cũng cho biết thêm, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần thêm các trợ lực cho doanh nghiệp phát triển. Đó là cơ quan chức năng cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại ở các thị trường mới, xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, mặc dù có nhiều cơ hội, song các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối diện nhiều thách thức trong 4 tháng còn lại năm 2022.
Hiện nay, lạm phát ở các nước phát triển là thị trường lớn của Việt Nam vẫn ở mức cao, lạm phát Mỹ lên tới 7,9%, Đức 7,6%... làm giá hàng hóa tăng cao và sức mua giảm sút. Do đó xuất khẩu sang các nước này càng thêm khó khăn. Trong khi đó, trong hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính, nợ lòng vòng trong khi lãi suất cho vay tăng cao (15-16%/năm).
Mặt khác, các thủ tục hành chính còn phiền hà, chồng chéo, chi phí về thời gian và tiền bạc khiến cho doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh; giải ngân gói cứu trợ chậm đến công nhân nhiều tỉnh…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến cáo, để đạt được mức xuất nhập khẩu như kỳ vọng, thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc và chắt chiu cơ hội hơn. Theo đó các doanh nghiệp bám sát diễn biến giá trị của đồng đôla, bởi hầu hết hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đều được ký kết bán bằng đồng đôla Mỹ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn tới hiệu quả tiềm năng của các hiệp định mới như FTA. Theo đó, các doanh nghiệp cần khai thác sâu hơn thị trường EU.
Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị các cơ quan địa phương, hiệp hội cần hợp tác với nhau để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển.