Xuất siêu 1,3 tỉ USD, xuất khẩu tăng trưởng lạc quan
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1.2021 đã qua với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng khả quan: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 21,9%; tổng kim ngạch xuất NK hàng hóa ước đạt 54,1 tỉ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch XK hàng hóa đạt 27,7 tỉ USD, tăng 50,5%; NK hàng hóa đạt 26,4 tỉ USD, tăng 41%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1.2021 đạt con số xuất siêu 1,3 tỉ USD.
Như vậy, cả hai chiều xuất NK đều tăng, nhưng XK tăng nhanh hơn nên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế con số tăng trưởng dương, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, đứng về phương diện thương mại, xuất siêu đang tạo bước đệm rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp.
"XK tăng, lượng ngoại tệ vào Việt Nam lớn hơn khiến sức ép giảm giá đồng Việt Nam cũng giảm đi" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Nhìn lại bức tranh thị trường XK hàng hóa tháng 1.2021, Bộ Công Thương đánh giá: Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỉ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỉ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỉ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỉ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỉ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỉ USD, tăng 24,2%...
Mặc dù được cho là một trong những nhóm bị tổn thương nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng ngành dệt may của Việt Nam cũng đã tăng trưởng khá tốt trong tháng 1.2021: Kim ngạch XK hàng dệt và may mặc tháng 1.2021 ước đạt 2,6 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm trong ngành có tăng 35,6% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu mét vuông, tăng 20,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu chiếc, tăng 9,3%.
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Ở góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) lưu ý: Bên cạnh mặt tích cực như đã nêu trên, con số xuất siêu còn cho thấy: Xuất siêu cao bởi kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn (nên NK thấp - PV). Tuy vậy, XK chính là “điểm cộng” để duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Trong tháng 1.2021, các AFTA lớn, thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA đã được các DN tận dụng khá tốt. Ngay trong tháng 1.2021, nhiều lô hàng XK nông sản đã được xuất đi các nước như: 160 tấn tôm của Công ty Minh Phú XK đi Mỹ, EU, Nhật Bản; lô gạo 1.600 tấn của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) XK đi Singapore và Malaysia… Sắp tới, DN này sẽ tiếp tục xuất 2.000 tấn gạo đi Đức trong số 3.000 nghìn tấn gạo mà Trung An đã ký đầu tháng 8.2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân đều tin tưởng, cùng với CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết giữa tháng 11.2020 kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường lớn (như EU) hiện đang bị dịch COVID-19 ảnh hưởng chưa kiểm soát được, làm ảnh hưởng đến kim ngạch XK của Việt Nam tại khu vực này.
Đánh giá về tác động của các AFTA với XK, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, từ khi thực thi, đã có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP cũng được các DN tận dụng tương đối hiệu quả, đây là điểm tích cực và các FTA mang lại.
“Thời gian tới XK của Việt Nam vẫn giữ vững đà này vì Việt Nam là quốc gia có khả năng cung cấp nhiều mặt hàng cho các nước với lợi thế cạnh tranh cao do Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương và đa phương trong thời gian vừa qua và các hiệp định này đã mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam mà các quốc gia khác chưa có” - ông Phạm Thái Bình nói.
Đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi số “chạy đua” với COVID-19
Từ 28.1, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo năm 2021 Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để giữ đà tăng trưởng bởi tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế năm 2021 cũng được dự báo phục hồi chậm do phải chịu chi phối bởi nhiều yếu tố rủi ro từ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Đã có kinh nghiệm từ 2 "làn sóng" dịch COVID-19, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng nhiều bản để tận dụng linh hoạt và phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng đề cao vấn đề kiến tạo môi trường kinh tế số thân thiện và công bằng. Đồng thời, xúc tiến mở cửa các tuyến du lịch dịch vụ an toàn và quy mô lớn trong bối cảnh mới để kích cầu khi dịch bệnh kiểm soát. “Chính phủ cũng cần có thông điệp mới trong năm mới nhằm hiệu triệu DN và doanh nhân có chiến lược thông minh và khôn khéo trong đại dịch, ứng dụng các kinh nghiệm đã tích lũy được từ năm trước” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Bá Phú - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, hỗ trợ DN chuyển đổi số là những giải pháp cần dược thực thi rốt ráo để vượt lên đại dịch.
Theo doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Cty CP Bagico, để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một DN ứng dụng công nghệ số” để phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
*Các mặt hàng XK chủ yếu
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1.2021, tổng trị giá xuất NK hàng hoá của Việt Nam ước đạt 54,1 tỉ USD, giảm 2,6% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá XK (XK) ước đạt 27,7 tỉ USD, tăng 0,2% và tổng trị giá NK ước đạt 26,4 tỉ USD, giảm 5,4%, đạt giá trị xuất siêu là 1,3 tỉ USD.
Trong số các mặt hàng XK trong tháng 1, XK dầu thô ước tính 356 nghìn tấn, giảm 11,5% về lượng và trị giá ước tính giảm 33,9% so với cùng kỳ năm trước.
XK quặng các loại trong tháng 1.2021 ước tính là 270 nghìn tấn, tăng 23,5% về lượng và trị giá ước tính giảm 23% so với tháng 1.2020.
*Các mặt hàng NK chủ yếu
- Xăng dầu các loại: Ước tính đạt 780 nghìn tấn, tăng 3,5% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với tháng 1.2020.
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện: Ước đạt 5,8 tỉ USD, tăng 37% so với tháng 1.2020.
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: 4,1 tỉ USD, tăng 46,3% so với tháng 1.2020.
- Sắt thép các loại: 1,15 triệu tấn, tăng 14% và trị giá là 806 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và giảm 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
- Ôtô nguyên chiếc các loại: 6 nghìn chiếc, tăng 32,8% về lượng và tăng 58,4% về trị giá với tháng 1.2020. Vũ Long