Đó là thông tin được bà Trần Thị Thu Huyền, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính cho biết trong buổi họp báo chuyên đề “cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do” diễn ra chiều ngày 12.12, tại trụ sở Bộ Tài chính.
Theo bà Huyền, Việt Nam hiện tham gia và đàm phán 20 hiệp định, trong đó 12 hiệp định đang thực thi, 2 hiệp định có hiệu lực năm 2019, 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực.
Để thực hiện hiệp định, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong giai đoạn 2019-2023. Trong đó, Hiệp định thương mại hàng hóa Asean đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Nhiều hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế như: Asean – Trung Quốc năm 2020; Asean – Hàn Quốc năm 2021.
Trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Theo đó, chúng ta cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, theo lộ trình 5-15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Riêng một số mặt hàng quan trọng như than đá, dầu thô, vàng… vẫn tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Đối với thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Ngoài ra, chúng ta cũng cam kết miễn thuế đối với các trường hợp như hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm….
Trong năm 2019, Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu âu EU (hiệp định EVFTA); Hiệp định thương mại hàng hóa giữa Asean và Hồng Kông (AHKFTA); Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba và Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
Trong đó, hiệp định EVFTA ký ngày 30.6.2019, lộ trình thực hiện tối đa là 15 năm, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cuối lộ trình là 99%. Hiệp định AHKFTA đã có hiệu lực ngày 11.6.2019, hoàn thành năm 2032, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan năm 2019 là 29%, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cuối lộ trình là 72%.
Hiệp định Việt Nam – Cuba ký ngày 9.11.2018, dự kiến có hiệu lực năm 2019, năm hoàn thành là 2022, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cuối lộ trình là 91,3% và Hiệp định Việt Nam – campuchia có hiệu lực ngày 26.2.2019, năm hoàn thành 2020, 32 mã hàng sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Hải Quan, cho biết khi cắt giảm thuế quan theo hiệp định, chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu, còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quy định hiện hành, nên chỉ ảnh hưởng đến phần thu thuế nhập khẩu, còn lại không ảnh hưởng. Chính vì thế, tổng thu thuế ngành Hải Quan vẫn tăng hàng năm.