1950 - 1955: Biên niên sự kiện

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, xin lược trích Biên niên sự kiện, in trong cuốn “Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất; Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 - Tuyển chọn văn kiện và tài liệu” do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước công bố. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 1950

Ngày 11.1: Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi chính phủ các nước về thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 18.1: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 30.1: Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô. Đại sứ Liên Xô X.X Nhem-chin ở Băng Cốc và cũng là đồng Đại sứ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trình Ủy nhiệm thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 31.1: Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Ngày 03.2-17.2: Hồ Chí Minh có chuyến thăm không chính thức bí mật đầu tiên đến Liên Xô với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lần đầu tiên có cuộc gặp riêng với I.V Xta-lin.

Ngày 2.2 – 13.3: Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri, Ba Lan, Bun-ga-ri và An-ba-ni.

Ngày 7.2: Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Quốc gia Việt Nam và Mỹ, Anh.

Ngày 13-15.2: Hội nghị các nhà ngoại giao Mỹ ở các nước Đông Nam Á, được tổ chức theo đề nghị của F. Giep-sớp ra kiến nghị yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho Chính phủ Bảo Đại.

Ngày 27.2: Nữ đảng viên cộng sản Pháp Ray-mông Điêng phản đối chiến tranh bằng cách ngăn cản không cho đoàn tầu chở xe tăng gửi sang Đông Dương; bắt đầu các cuộc bãi công và biểu tình quần chúng ở Pháp để phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương.

Ngày 8.5: Cuộc gặp của Ngoại trưởng Pháp S. Su-man và Ngoại trưởng Mỹ Đ. Đa-lét đánh dấu sự khởi đầu việc giúp đỡ quy mô lớn của Mỹ đối với Pháp để tiến hành chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 9.5: R.Su-man thuyết trình tại Quốc hội Pháp đề nghị hợp nhất hai nền công nghiệp luyện thép, khai thác than và đường sắt của Pháp và Tây Đức thành Cộng đồng Than và thép Châu Âu; việc hiện thực hóa “Kế hoạch Su-man” là tiền thân của Liên minh Châu Âu và hình mẫu khởi đầu tái cấu trúc Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu ngay sau đó.

Ngày 19.5: Hồ Chí Minh lần đầu tiên phát biểu trên báo chí Liên Xô (với bí danh Đinh – Bí thư Khu ủy của Tổ chức Liên Việt (Mặt trận Dân tộc Thống nhất) đăng ở Báo “Vì nền hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân!” số 20 (80), với bài báo “Việt Nam đấu tranh vì độc lập”.

Ngày 24.5: Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về Chương trình viện trợ kinh tế cho các nước thuộc Liên hiệp Pháp là Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam.

Ngày 25.6: Bắt đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 27.6: Tổng thống Mỹ G. Tơ-ru-man ra tuyên bố về việc bổ sung viện trợ quân sự cho Pháp và gửi phái đoàn quân sự đặc biệt sang Đông Dương.

Ngày 10.8: Trưởng phái đoàn Mỹ đến Sài Gòn. Các chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí của Mỹ tới Sài Gòn.

Ngày 8.10: Trưởng phái đoàn Mỹ đến Sài Gòn.

Tháng 10: Dự án thành lập các khối liên minh quân sự và kinh tế các nước Tây Âu trong đó có Pháp do Thủ tướng R. Pleven đưa ra; sau này Dự án được phát triển thành ý tưởng thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu.

Ngày 10.11: Bài báo thứ hai của Hồ Chí Minh (cũng với bí danh Đinh – Bí thư Khu ủy của Tổ chức Liên Việt) với nhan đề “Phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam” đăng trên Báo “Vì nền hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân!” số 45 (105).

Ngày 7.12: L. Pi-nhông thôi giữ chức Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Đờ-lát đơ Tát-xi-nhi thay thế, đồng thời kiêm luôn chức Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Ngày 31.12: Ký kết Hiệp ước đa phương giữa Mỹ, Pháp và các nước Liên hiệp Pháp về việc “Mỹ tham gia vào phòng thủ Đông Dương”.

Chiều 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân  Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ  đã toàn thắng. Nguồn: TTXVN
Chiều 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Nguồn: TTXVN

Năm 1951

Tháng 2: Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên thành các Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Khơ-me và Đảng Nhân dân Lào.

Ngày 11.3: Theo quyết định của Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Hội nghị Mặt trận Dân tộc Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Pa-thét Lào (Neo Lào Hắc xạt), Mặt trận Dân tộc thống nhất Cam-pu-chia ra tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Liên Việt.

Ngày 1.9: Mỹ, Ô-xtơ-rây-lia và Niu Di-lân ký “Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương”, thành lập khối liên minh chính trị, quân sự giữa các nước này (ANZUS).

Ngày 7.9: Tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi đến Oa-sinh-tơn để thuyết phục Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 25.11: Thống đốc bang Niu Óoc R.E Điu đến Sài Gòn để tìm hiểu cụ thể các nhu cầu đối với viện trợ của Mỹ.

Tháng 12: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc gia Việt Nam gửi đơn lên Liên hợp quốc đề nghị gia nhập tổ chức này. Quân đội Pháp chiếm thị xã Hòa Bình, kiểm soát đường giao thông liên lạc từ Hà Nội đi phía Nam và phía Tây đất nước; thắng lợi quân sự cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi.

Ngày 28, 30.12: Bộ trưởng các quốc gia Liên hiệp Gi. Lơ-tuốc-nơ và một số nghị sĩ phát biểu tại Quốc hội Pháp về tình hình Đông Dương.

Ngày 29.12: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện cho Liên hợp quốc đề nghị chấp nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành viên của Liên hợp quốc.

Năm 1952

Ngày 11.1: Tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi mất, R. Lu-I Xa-lăng thay làm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Tháng 2: Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng thị xã Hòa Bình.

Ngày 3-12.4: Hội nghị Kinh tế quốc tế được tổ chức ở Mát-xcơ-va. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị.

Ngày 29.4: Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương (khối ANZUS) có hiệu lực đã hạn chế nhiều đến chủ quyền của một loạt nước Châu Á, trong đó có các nước trên bán đảo Đông Dương.

Ngày 25.5: Nhà văn cộng sản Pháp A. Xtin, người đã phát biểu phản đối chiến tranh Việt Nam, bị bắt.

Ngày 27.5: Ngoại trưởng các nước Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Luých-xăm-bua ký kết “Hiệp ước Pa-ri” đề ra việc thành lập “Cộng đồng phòng thủ Châu Âu”.

Ngày 28.5: Nghị sĩ Quốc hội Pháp, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Pháp Gi. Đuych-cơ-lô bị bắt; vụ bắt giữ đã gây ra một loạt các phát biểu phản đối chiến tranh mới.

Ngày 17-18.6: Tổng thống Tơ-ru-man gặp Bộ trưởng Cộng hòa Pháp về vấn đề các quốc gia liên hiệp Gi. Lơ-tuốc-nơ trong khuôn khổ cuộc đàm phán Pháp-Mỹ về vấn đề Đông Dương và việc Mỹ tăng viện trợ giúp cho đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam.

Ngày 19.9: Đại diện Liên Xô G.A Ma-lích phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành thành viên Liên hợp quốc.

Ngày 5-19.10: Hồ Chí Minh có chuyến thăm không chính thức bí mật lần thứ hai đến Liên Xô với tư cách là Chủ tịch nước; Người có mặt tại Đại hội lần thứ XIX Đảng cộng sản toàn Nga (Bôn-sê-vích) – Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1953

Ngày 8.1: Nội các Rơ-nê May-ơ nhậm chức (cho đến ngày 21.5); Chính phủ tiền nhiệm, kể cả Ngoại trưởng Pháp Sô-be Su-man từ chức.

Ngày 5-6.3: V.I Xta-lin từ trần. Lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện chia buồn tới Chính phủ Liên Xô.

Ngày 19-23.3: Tướng Mắc U. Clác, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên, đến Sài Gòn để trao đổi ý kiến và hội đàm với Bảo Đại.

Ngày 24-28.3: Thủ tướng Pháp R. May-ơ có cam kết mới với Mỹ là sẽ mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Dương để đổi lấy việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự.

Ngày 2-7.4: Tư lệnh lực lượng bộ binh Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Ô. Đa-ni-en đến Sài Gòn và hội đàm với Bảo Đại.

Ngày 16.4: Tổng thống Mỹ Đ. Ai-xen-hao đọc diễn văn “Cơ hội hòa bình”, nói về sự cần thiết phải làm giảm căng thẳng quốc tế.

Ngày 29.4: Đại diện thường trực Pháp tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô tại Oa-sinh-tơn về vấn đề trung gian của Liên Xô trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương (đặc biệt là vấn đề Lào).

Tháng 4: Tướng A. Na-va được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch chiếm Điện Biên Phủ. Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Bảo Đại không thông qua Pháp; Bảo Đại ra lệnh bắt đầu tiến hành “tổng động viên” nhằm thành lập quân đội riêng.

Ngày 11.5: Thủ tướng Anh U. Chớc-chin đọc diễn văn tại Hạ Nghị viện Anh về sự cần thiết phải làm dịu căng thẳng quốc tế và có cuộc gặp không chính thức với các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Khoảng ngày 10-14.5: Thủ tướng Pháp R. May-ơ ý định có những cuộc tiếp xúc không chính thức với Đảng Cộng sản Pháp để tìm hiểu những điều kiện có thể mà theo đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý để đình chỉ chiến sự ở Đông Dương.

Ngày 15.5: Đại diện thường trực Pháp tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô tại Oa-sinh-tơn về khả năng Pháp ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành thành viên Liên hợp quốc, đổi lấy việc Liên Xô tác động Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để nước này ngừng giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 21.5: Nội các Chính phủ R. May-ơ bị đổ ở Pháp, ông Giô-dép La-ni-en lên thay (cho đến ngày 12.6.1954).

Ngày 2.6: Phía Liên Xô nhận được “thông điệp mật cá nhân” của U. Chớc-chin nói về khả năng tổ chức một cuộc họp cấp cao. Bản thông điệp được chuyển cho G. Ma-len-cốp, N.X Khơ-ru-sốp, L.B Bê-ri-a.

Ngày 15.6: Công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gặp gỡ đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh để trao đổi về hành động của Pháp đối với việc giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 7.7: G.M Ma-len-cốp phát biểu tại Hội nghị toàn thể tháng Bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trong đó lần đầu tiên nhắc đến khả năng có cuộc gặp cấp cao của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh để giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 14.7: Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng các cường quốc phương Tây tại Oa-sinh-tơn, trong đó nêu cuộc chiến tranh ở Đông Dương là “vấn đề cốt yếu đối với thế giới tự do”.

Ngày 27.7: Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc ký kết Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên.

Ngày 8.8: G.M Ma-len-cốp phát biểu tại Phiên họp thứ 5 của Xô viết Tối cao Liên Xô nêu ra luận điểm cần “cùng tồn tại hòa bình giữa hai phe” và tuyên bố Mỹ mất thế độc quyền vũ khí hạt nhân.

Tháng 9: Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mông-tơ-rơi nhằm vượt qua những biểu hiện khủng hoảng trong Đảng, tiếp tục tổ chức đấu tranh kiên quyết vì quyền lợi của nhân dân lao động, phản đối chiến tranh thực dân, trong đó có cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 18.10: Quốc hội Pháp biểu quyết với đa số gồm 65 phiếu thuận chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương “thông qua đàm phán”.

Ngày 31.10: Phó Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn phát biểu yêu cầu gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định của quân đội Mỹ ở Đông Dương.

Ngày 2.11: Đô đốc R. Rát-phớt phát biểu về việc cần có cuộc tấn công lớn ở Đông Dương với sự yểm trợ tối đa của Mỹ trong việc tổ chức.

Ngày 9.11: Vương quốc Cam-pu-chia giành được độc lập.

Ngày 20.11: Quân đội viễn chinh Pháp tấn công Điện Biên Phủ.

Ngày 26.11: Chính phủ Liên Xô gửi công hàm cho các Chính phủ Pháp, Anh và Mỹ bày tỏ sẵn sàng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp ở Béc-lin, có mời Trung Quốc.

Tháng 11: Đảng Lao động Việt Nam thông qua Chương trình cải cách ruộng đất mới.

Ngày 4-7.12: Cuộc gặp ba bên giữa Mỹ, Anh và Pháp ở Béc-mu-đa. Tại đây Tổng thống Đ. Ai-xen-hao đã bác bỏ “sáng kiến riêng” của Chớc-chin về việc làm dịu quan hệ với Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Tháng 11-12: Thắng lợi có tính chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam ở thị xã Lai Châu – một vị trí quan trọng gần biên giới với Lào.

Ngày 19.12: Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dịp Kỷ niệm 7 năm toàn quốc kháng chiến, trong đó tuyên bố Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thương lượng hòa bình với Pháp để giải quyết xung đội.

Ngày 25.12: Khởi đầu cuộc tấn công thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam về hướng biên giới với Lào và Thái Lan.

Năm 1954

Ngày 18.1-18.2: Tháng hữu nghị Xô-Việt-Trung được tổ chức tại nhiều nước cộng hòa của Liên Xô.

Ngày 25.1-18-2: Hội nghị Ngoại trưởng bốn bên ở Béc-lin (gồm Liên Xô, Pháp, Mỹ, Anh) xác định thời gian triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 6.2: Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M Mô-lô-tốp trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Gi. Đa-lét, trong đó có việc giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 11.2: Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Gi. Bi-đô về việc giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 26.2: Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á – Bộ Ngoại giao Liên Xô trao đổi với Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thống nhất đường lối chung của các đoàn đại biểu tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 2.3: Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô có báo cáo tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về kết quả hội nghị Béc-lin và những biện pháp có thể giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 5.3: Đại sứ Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trao đổi với Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề thống nhất đường lối chung trong lập trường của Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới và vấn đề xác định giới tuyến có thể có ở Việt Nam.

Ngày 6.3: Tại Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô trao đổi với Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô về khả năng giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương.

Ngày 18.3: Tại Mát-xcơ-va, Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô trao đổi với Đại sứ Pháp ở Liên Xô về giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 25.3: Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra nghị quyết phê chuẩn dự thảo chỉ thị cho Đoàn Đại biểu Liên Xô tại Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 29.3: Phê chuẩn thành phần đoàn đại biểu Liên Xô tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ tại phiên họp của Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày 30.3: Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 31.3: Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô trao đổi với Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Mát-xcơ-va về việc thống nhất đường lối hoạt động chung tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.

Trước ngày 4.4: Chuyến thăm không chính thức của Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tới Mát-xcơ-va nhằm thống nhất lập trường tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 7.4: Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về việc thông qua chỉ thị cho Đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 11-14.4: Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét đến Luân Đôn và Pa-ri để bảo đảm sự ủng hộ đối với những kế hoạch ở Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới, cũng như những hành động hiệp đồng quân sự của Mỹ, Pháp và Anh ở Đông Dương.

Ngày 15.4: Tổng thống Mỹ Đ. Ai-xen-hao gửi thông điệp đặc biệt cho Thủ tướng các nước thành viên Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu về việc cần có sự “hợp tác chặt chẽ và lâu dài” giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và quân đội của Cộng đồng.

Ngày 16.4: Phó Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn đọc diễn văn tại Quốc hội Mỹ trong đó đe dọa Mỹ sẽ gửi quân sang tham chiến ở Đông Dương nếu Pháp quyết định đầu hàng.

Ngày 26.6 đến ngày 21.7: Tại Giơ-ne-vơ, khai mạc Hội nghị các Ngoại trưởng Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Mỹ, Anh và có mời đại biểu các bên có liên quan khác tham dự để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Ngày 27.4: Bắt đầu thảo luận vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 7.5: Quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, làm tình thế của đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam thêm cùng quẫn.

Ngày 8.5: Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Giơ-ne-vơ. Bắt đầu thảo luận vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 19.5: Cuộc gặp lần thứ nhất giữa các Cố vấn quân sự Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình diễn ra Hội nghị Giơ-ne-vơ, khởi đầu cho những cuộc tiếp xúc thường xuyên sau đó. Đầu tháng 6: Bắt đầu các cuộc gặp giữa các chuyên viên quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tại Giơ-ne-vơ, sau đó tiếp tục có những cuộc gặp ở Việt Nam.

Ngày 12.6: Chính phủ của Thủ tướng Gi La-ni-en đổ; Chính phủ của Men-đét Phơ-răng được thành lập. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao mới của Pháp hứa trong vòng một tháng sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình về vấn đề Đông Dương, nếu không sẽ từ chức.

Ngày 20.6 – 12.7: Một số Trưởng đoàn đại biểu tạm rời Hội nghị Giơ-ne-vơ để tham khảo ý kiến ở trong nước. Ngày 7.7: Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô V.M Mô-lô-tốp trở lại Giơ-ne-vơ.

Ngày 21.7: Ký kết Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương với sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Pháp, Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Anh.

Ngày 30.8: Quốc hội Pháp từ chối phê chuẩn Hiệp ước Pa-ri về thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu.

Ngày 2.10: Tờ Thời báo Niu Óoc chính thức công bố tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho Pháp năm 1954 để tiến hành cuộc chiến tranh ở Đông Dương là 700 triệu đô-la.

Ngày 4.11: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô A.A Láp-ri-sép trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1955

Ngày 16.7: Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố từ chối thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ngày 18.7: Trong chuyến thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô K.E Vô-rô-si-lốp đã diễn ra Lễ ký Tuyên bố chung về sự thống nhất lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27.8: Ký kết Hiệp định giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô về vấn đề công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa học tập tại các trường trung học và đại học ở Liên Xô.

Tháng 9: Ông Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 23.10: Quốc gia Việt Nam tiến hành cuộc trưng cầu dân ý; tuyên bố thành lập Cộng hòa Việt Nam với Tổng thống là Ngô Đình Diệm và chính thức từ chối Tổng tuyển cử thống nhất với miền Bắc Việt Nam.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

"Trận chiến Điện Biên Phủ" - kiệt tác tranh tường lớn bậc nhất thế giới

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

"Trận chiến Điện Biên Phủ" - bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ - được vẽ ngay trên tường của bảo tàng. Đây một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh.

Khởi công Đền thờ Liệt sĩ hơn 100 tỉ đồng tại Chiến trường Điện Biên Phủ

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Sáng nay (13.3), tỉnh Điện Biên đã trọng thể tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng, trong đó 90 tỉ đồng là tiền tài trợ.

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2020): Hồi ức không phai của người lính Điện Biên

Phạm Đông - Lan Nhi |

Chiến thắng Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX mà còn là chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dù đã trải qua 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7.5.1954-7.5.2020) nhưng những ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên năm xưa - ông Đỗ Ca Sơn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia vào trận đánh giữ từng tấc đất trên đồi A1.

Những kỷ vật vô giá về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Phạm Đông - Vương Trần |

Suốt từ năm 1956 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm, sưu tầm để lưu giữ những hiện vật đặc biệt gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chứng khoán đón dòng tiền mới

Gia Miêu |

Chứng khoán chưa thể thành công chinh phục ngưỡng 1.300 điểm, nhưng sự điều chỉnh sẽ tạo cơ hội đón đầu mùa công bố kết quả kinh doanh quý III.

Cháy lớn tại nhà máy chè ở Yên Bái

Bảo Nguyên |

Vụ cháy kéo dài 5 giờ đồng hồ tại nhà máy chè ở Yên Bái gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thanh Thúy và hình mẫu cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp

HOÀI VIỆT |

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu chuyên môn và tính cách cá nhân.

Dự báo vùng ảnh hưởng của áp thấp gần Biển Đông

Khánh Minh |

Ngày 7.10, áp thấp gần Biển Đông được dự báo di chuyển theo hướng tây, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.