Khắc phục ảnh hưởng của COVID-19:

Cân đối và dưỡng sức để đảm bảo hỗ trợ lâu dài

văn nguyễn |

Dù đang ở tuyến đầu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngân hàng cũng chính là nhóm doanh nghiệp đặc thù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Thực tế này đòi hỏi việc triển khai các giải pháp hỗ trợ về vốn cần được tính toán và cân đối hợp lý nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn của hệ thống cũng như khả năng hỗ trợ lâu dài cho nền kinh tế trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài.

Lan tỏa sự sẻ chia với cộng đồng doanh nghiệp

Chưa đầy 3 tuần sau khi Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 được ban hành, tốc độ hỗ trợ và giải ngân vốn vay ưu đãi chứng kiến mức tăng nhanh chưa từng thấy. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 3.2020, các ngân hàng thương mại được dẫn đầu bởi 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV nhanh chóng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỉ đồng, miễn giảm lãi vay cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỉ đồng. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có đủ nguồn vốn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đến nay cũng cho vay mới nguồn vốn lãi suất thấp đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỉ đồng.

Với tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi mà các ngân hàng cam kết lên tới 285.000 tỉ đồng, dự kiến số vốn giải ngân thực tế tới các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ còn tăng mạnh trong tháng 4 này khi các ngân hàng đã có đủ các hướng dẫn từ NHNN cũng như các quy định, quy trình hướng dẫn cụ thể được ban hành nội bộ.

Để tăng nhanh, tăng mạnh hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng vay vốn từ phía ngân hàng theo sau lời kêu gọi của ngân hàng trung ương, các tổ chức tín dụng trong các ngày đầu tháng 4 tiếp tục tung ra hàng loạt chương trình và chính sách hỗ trợ mới trên cơ sở cân đối thực tế nguồn vốn tại mỗi ngân hàng. Trong số này, giải pháp giảm mạnh lãi suất cho vay mới tới 2-4,5% cho các gói cho vay quy mô từ vài nghìn tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng được các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, SHB hay HDBank lần lượt tung ra được đông đảo doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn mới phục vụ sản xuất kinh doanh đón nhận. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường chưa thể giảm mạnh ngay do vẫn phải đảm bảo thực dương nhằm kích thích và hấp dẫn nhu cầu gửi tiền của người dân, động thái giảm mạnh lãi suất cho vay mới có thể trực tiếp khiến nguồn thu và lợi nhuận tại mỗi ngân hàng sụt giảm đáng kể so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

Ngân hàng chấp nhận sụt giảm doanh thu

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay, việc kéo dài chương trình giảm lãi suất cho vay 1-1,5% thêm 5 tháng đến 30.9 với trên 100.000 tỉ đồng dư nợ cho vay hiện hữu của khách hàng đang chịu tác động của dịch bệnh sẽ khiến ngân hàng giảm khoảng 300 tỉ đồng lợi nhuận. Chưa hết, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với mức lãi suất thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động, tức chỉ còn 4,5-5%/năm, cũng sẽ tác động không nhỏ tới nguồn thu của ngân hàng. Việc triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như hiện nay theo đó có thể khiến Vietcombank khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 15% lợi nhuận đặt ra đầu năm nay.

Tương tự tại BIDV, động thái tích cực hỗ trợ khách hàng thông qua việc cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho vay với dư nợ trên 155.000 tỉ đồng và tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên tới 120.000 tỉ đồng cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận trong năm. Ước tính với quy mô dư nợ lớn, đợt giảm lãi suất cho vay của BIDV có thể khiến ngân hàng giảm thu nhập khoảng 2.400 - 3.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, dù là chương trình được triển khai trên diện rộng với số đông ngân hàng tham gia và các giải pháp được thực hiện theo hướng dẫn chung của NHNN tại Thông tư 01/2020, quyết định cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất cho vay cụ thể như thế nào và bao nhiêu lại tùy thuộc vào quyết định và tình hình tài chính tại mỗi ngân hàng. Các gói tín dụng ưu đãi cũng hoàn toàn sử dụng nguồn vốn ngân hàng giải thích vì sao mức giảm lãi suất là rất khác nhau tại mỗi ngân hàng và cho đến nay cũng mới có một vài ngân hàng quyết định giảm sâu lãi suất cho vay tới 2%/năm.

Ngay tại Agribank, Chủ tịch HĐTV Agribank - ông Phạm Hoàng Đức - nói rằng, do ngân hàng có mạng lưới chi nhánh rất lớn lại độc lập nên ngân hàng đang tập trung làm thế nào để các chi nhánh có thể hỗ trợ lãi suất cho khách hàng không vì lý do tài chính của chi nhánh. “Ví dụ, chúng tôi yêu cầu chi nhánh giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng vay nội tệ, 0,5%/năm đối với khách hàng vay ngoại tệ nhưng trụ sở chính sẽ bù đắp khoản đó” - ông Đức cho biết.

Cần được hỗ trợ và dưỡng sức

Ở chiều ngược lại, Chủ tịch HĐQT Vietinbank - ông Lê Đức Thọ nhìn nhận, dịch bệnh đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế với mức độ ảnh hưởng có thể nói còn rất khó để có thể lường đoán. Trong số này, do là ngành kinh tế tổng hợp nên chính các ngân hàng thương mại cũng đang là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng và tác động rất lớn của dịch bệnh.

“Chính vì vậy bên cạnh những giải pháp chủ động của các ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn, giảm lãi vay và hỗ trợ tiếp tục cho vay mới, chúng tôi cũng rất cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước. Ví dụ như chính sách xem xét giảm hoặc miễn thuế đối với các ngân hàng thương mại hay chúng tôi cũng rất cần và đề nghị NHNN có thể có chính sách tái cấp vốn với mức lãi suất thấp để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm mạnh hơn, giảm nhanh hơn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế” - ông Thọ đưa ý kiến.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho rằng, trong thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp và các ngân hàng đang gặp khó khăn kép do vừa gánh tác động của dịch bệnh, vừa phải chia sẻ khó khăn cho cộng động doanh nghiệp. “Do đó, ngân hàng rất mong có các chính sách miễn giảm thuế, phí từ phía Chính phủ và các bộ ngành. Các cơ quan quản lý hãy coi ngân hàng là doanh nghiệp, ngân hàng có khỏe mới chia sẻ khó khăn được với các doanh nghiệp khác” - ông Thành nhấn mạnh.

Nhìn nhận việc chống dịch, phục hồi và bật dậy sau dịch sẽ là chặng đua đường dài và vì vậy sự hỗ trợ của ngành ngân hàng sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, trong chặng đua đường dài này, sự an toàn của ngành ngân hàng cũng như độ bền của nó có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi và bật dậy của nền kinh tế sau khi dịch bệnh qua đi. Chính vì vậy, các biện pháp hỗ trợ chống dịch cũng cần chú ý tới sự an toàn và sức bền của hệ thống, tránh các rủi ro pháp lý cho các ngân hàng thương mại và sự gia tăng nợ xấu cũng như rủi ro của hệ thống trong trung hạn.

TS Lê Duy Bình cũng lưu ý các nguyên tắc của thị trường trong hoạt động ngân hàng, hạn chế sự can thiệp trong các quyết định thương mại của các ngân hàng, tách bạch giữa các hoạt động thương mại và cho vay chính sách, quản lý chặt chẽ rủi ro vẫn cần phải được duy trì, nhằm bảo vệ những kết quả của quá trình tái cấu trúc mà ngành ngân hàng đã đạt được trong suốt hơn ba thập kỷ vừa qua.

văn nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Chi tiết các mức hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Vương Trần |

Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

"ATM gạo" miễn phí đã xuất hiện tại Hà Nội hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Tô Thế |

Sáng 11.4, cây ''ATM gạo'' đầu tiên ở Hà Nội đã hoạt động, kịp thời hỗ trợ, trao gửi những hạt gạo quý giá tới người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã tập trung tại đây để nhận gạo miễn phí.

Đối tượng lao động tự do nào được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng?

ANH THƯ |

Dự kiến lao động tự do tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô... được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ.

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.