Chiến tích của quân Tây Sơn: Bắt trọn đoàn thuyền địch 50 chiếc

lê tiên long |

Trong trận chiến tại Thanh Quyết, quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đã sử dụng chiến thuật độc đáo thu trọn 50 chiến thuyền khiến quân nhà Lê của Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy tan rã. Thua trận này, vua Lê Chiêu Thống đã phải chạy khỏi kinh thành.

Sử sách chép, sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất năm 1786 đã quét sạch thế lực tồn tại hơn 240 năm của chúa Trịnh. Nguyễn Nhạc sợ em xưng vương ở Thăng Long, vội vàng ra Bắc kéo em về. Khi quân Tây Sơn rút về Nam, không ai báo mà để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại, Chỉnh sợ bị người Bắc Hà giết, liền vội vàng chạy theo, được Nguyễn Huệ cho làm trấn thủ Nghệ An. Các văn thần nhà Lê liền khuyên vua Chiêu Thống mời Nguyễn Hữu Chỉnh vào triều để diệt dư đảng họ Trịnh. Nhờ công này, Chỉnh được phong là Bình chương quân quốc trọng sự, tước Bằng Trung công.

Lúc này quyền lực ở Bắc Hà nằm hết trong tay Nguyễn Hữu Chỉnh, ông ta bắt đầu có ý đồ chống đối lại Tây Sơn, như sai Nguyễn Duệ chiếm đất Nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn. Do đó, tháng 11 năm 1787, Nguyễn Huệ đã cử Vũ Văn Nhậm ra Bắc để trị tội Chỉnh.

Theo sách Lê quý kỷ sự của tác giả Nguyễn Bảo (tức Nguyễn Thu), Nguyễn Hữu Chỉnh cầm quân thân chinh kéo về Nam để đương đầu với quân Tây Sơn. Quân Chỉnh có hơn ba vạn, đóng ở bến đò Thanh Quyết, là đoạn sông Đáy chảy từ Đoan Vĩ đến Gián Khẩu. Chỉnh sai quân đóng hơn mười trại, rồi cho con mình là Bái Đình hầu Nguyễn Hữu Du đem thuyền quân hơn 50 chiếc, chở hết đại bác, hỏa khí, tiền, lương, chiến cụ khác, đưa hết thảy thuận dòng xuống đóng ở cửa sông Thanh Quyết (giáp lưu với sông Gián Khẩu). (1)

Bắt thuyền địch bằng lối du kích

“Lê quý kỷ sự”, ghi lại diễn biến của trận đánh: Bái Đình hầu cầm thủy quân tiến đến bờ Bắc sông Thanh Quyết, không nghiêm trận, lại cho ghé thuyền tự vào bờ đậu, hoàn toàn không phòng bị gì. Tướng Quỳnh Ngọc rình thấy thế, đêm sai người bơi qua sông, lấy thừng dài ngầm buộc vào bánh lái thuyền mà kéo qua bờ Nam. Quân trong thuyền tỉnh dậy, kinh hãi, không hiểu vì lý do ra sao, bèn tan rã, tranh nhau bỏ thuyền, nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Trong đêm, Chỉnh truyền lệnh giong trống thu quân. Bấy giờ toàn quân đều kinh sợ, ai nấy tự tan, tranh xéo nhau chạy trốn, bỏ hết vũ khí, áo giáp đầy khắp đường sá. Chỉnh và con là Bái Đình hầu thân đem mấy trăm người chạy về Thăng Long.

Sự kiện độc đáo kéo thuyền địch quân qua sông cũng được tác giả Bùi Dương Lịch chép trong cuốn Nghệ An ký. Sách này còn cho biết cụ thể ngày xảy ra trận đánh: “Ngày 30 tháng 11, nhân đêm tối, quân Tây Sơn lặn qua sông, ngầm lấy dây buộc vào thuyền quan quân kéo sang bờ Nam. Quan quân kinh loạn, bèn tan”.

Chịu trận tập kích bằng súng

Cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng, khi Hữu Du chia quân đóng giữ ở Thanh Quyết, khí trời rét giá. Quân sĩ nhà Lê đêm đóng ở ngoài trời, tụ ba tụ năm, đốt lửa ngồi sưởi. Lính tuần Tây Sơn nhờ ánh lửa, từ xa trông thấy, trở về báo. Vũ Văn Nhậm liền sai chia quân cưỡi bè thẳng qua đò đổ bộ ở bến, ngầm xuyên rào chĩa súng bắn, nhằm chỗ có lửa làm đích. Do nhìn rõ mục tiêu, quân Tây Sơn bắn không phát nào không trúng. Quân trong lũy kinh loạn. Hữu Du liền thu quân về giữ Chân Cầu (Phủ Lý ngày nay), quân mười phần còn hai, ba, không dám nghênh chiến, cũng không dám chạy về, chỉ khi lui khi dừng để chờ quân cứu viện.

Trong khi đó, cuốn Tây Sơn lược thuật (chưa rõ tác giả) cũng tổng hợp cả hai nguồn trên, cho biết: Tướng Tây Sơn là Đặng Giản (Quỳnh Ngọc) thấy quân nhà Lê đóng ở bờ Bắc sông Đáy, giả vờ không dám tiến lên, chỉ ven theo bờ sông ngày đêm giương cờ gióng trống. Quân triều đình thấy thế khinh dễ. Đặng Giản mới ra lệnh cho chặt cây ở rừng ven sông, ném xuống sông để ngăn dòng nước. Lại lén sai những người lội giỏi, nhân đêm bơi theo những bè gỗ ấy mà qua sông, rình cho quân triều đình ngủ say mới kéo hết các thuyền về phía Nam. Trong đồn quân Tây Sơn lại nổ súng bắn vào quân triều đình. Quân triều đình tan vỡ mà chạy trốn.

Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi Nguyễn Hữu Chỉnh đưa quân rời kinh thành, thấy toàn những điềm gở, lại bói được quẻ xấu nên do dự. Đúng lúc ấy, quân của Hữu Du thua chạy về đó, bảo: “Quân ta thua rồi, quân giặc đuổi sắp đến nơi”. Chỉnh thần sắc rã rời, tiến lùi đều khó. Tướng sĩ ở dưới cũng đều hết vía tranh nhau bảo: “Giặc Thổ rất mạnh, chưa thể đánh được. Kinh thành quân ít, khó lòng giữ nổi. Chi bằng rút quân về giữ Kinh Bắc, lấy Nhĩ Hà làm ranh giới mà cố giữ. Rồi sau sẽ tính cách đánh lấy, như thế là tiện”. Chỉnh nghe theo lời. Một lúc sau, Du chạy về đến nơi, Chỉnh liền ra lệnh rút quân về kinh.

Trận thua làm bay cả cơ đồ nhà Lê

Tối 30 tháng 11, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh đã chạy về đến kinh thành. Vừa vào đến thành, Chỉnh đã gọi viên Tham tri chính sự là Nguyễn Khuê, bảo y vào tâu với vua Chiêu Thống ngày mai đi Kinh Bắc. Bản thân Chỉnh thì về nhà mình là Lãng phủ (cửa Nam thành Thăng Long), gói ghém hành lý, cho người đưa hết vợ con gia thuộc qua bờ Bắc sông Hồng.

Sự tất bật ở dinh Nguyễn Hữu Chỉnh khiến các vệ sĩ thuộc cơ Kim Ngô, là cơ lính bảo vệ trị an kinh thành biết được. Lính Kim Ngô liền cấp tốc chạy vào điện tâu với vua rằng: “Gia quyến Bằng công đi rồi”.

Nghe tin ấy, vua Chiêu Thống cũng rối loạn thần trí. Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng, vua đích thân chạy bộ đến nhà Chỉnh, cầm tay Chỉnh mà hỏi “Sự thể này rồi sẽ làm sao?”. Lời đáp của Chỉnh hết sức chua chát: “Bệ hạ đã giao nước cho tôi. Tôi không xứng với chức đã làm hỏng việc nước. Tôi chẳng dám từ, nhưng hai phía Tây và Nam Kinh đô thì không thể còn mong tựa. Mà thành chưa đắp, hào chưa đào, chỉ có trơ cửa ô mà thôi. Giặc thừa thắng, đuổi dài, không có phên dậu gì ngăn lại. Đánh thì không thắng, giữ thì không chắc, sẽ nhờ gì mà dự toàn. Nay bệ hạ dời lên phía Bắc để tính chuyện dấy binh sau này”.

Cuốn truyện của Ngô gia văn phái còn đưa vào chi tiết rằng sau khi được Chỉnh khuyên đưa Thái hậu và hoàng gia chạy qua sông, vua Chiêu Thống trên đường về cung còn bị bọn vô lại chặn lại, sờ nắn thắt lưng để cướp của, không lấy được gì mới thả cho đi.

Còn trong Lê quý kỷ sự, Nguyễn Bảo viết chuyện này, nhưng không đến mức vẽ ra hình ảnh vua Lê nhếch nhác đi bộ một mình đến dinh của Chỉnh đến nỗi bị cướp đường. Sách này viết rằng rằng vua Chiêu Thống cưỡi voi đến nhà Chỉnh, Chỉnh ra đón, cầm tay vua mà khóc, vua cũng khóc, quần thần đi cùng không ai cầm nổi nước mắt. Rồi sau đó vua cùng Chỉnh đều đi. Đến khi qua sông Nhị, triều thần tùng giá nhiều kẻ đi không kịp, đều chạy tan tác, chỉ còn vài chục viên nội thị, thân thần, tướng hiệu thuộc đạo Vũ Thành và vài nghìn người tùng binh theo lên Bắc.

“Hoàng Lê nhất thống chí” cũng vẽ lên hình ảnh hết sức rệu rã của triều đình vua Lê: Vua chạy về cung, Hoàng thái hậu và các phi tần đang tìm vua mà không thấy, luôn luôn kêu hỏi “Nhà vua ở đâu?”. Vua trả lời gấp “Ở đây, ở đây!”. Vua lập tức triệu quân thị hộ, chỉ còn được 17 - 18 người. Quân ấy lấy đòn tre khiêng Hoàng thái hậu và Nguyên tử (con trưởng vua nhưng chưa được phong thái tử) mà đi. Tôn thất, phi tần và vua đều đi bộ. Đồ ngự dụng chỉ khiêng đi được bốn hòm, còn lại bỏ trong điện. Đến sông, tranh nhau lên thuyền, không kể quý tiện, ai khỏe thì qua đò trước. Giày xéo nhau trên bãi cái, có kẻ ngã bị giẫm chết. Thuyền lớn không kịp tới, có thuyền nặng quá bị chìm, tiếng kêu khóc dậy cả trời đất...

Tổng hợp các nguồn sử liệu đều cho biết, đến sáng ngày 1 tháng Chạp, vua Lê Chiêu Thống cùng Hoàng hậu, Hoàng tần, Hoàng nguyên tử đều chạy sang Kinh Bắc, hộ vệ có cha con Hữu Chỉnh, Hữu Du. Sau đó, quân của Vũ Văn Nhậm truy kích sang Kinh Bắc, Du chết trận, Chỉnh bị bắt giải về Thăng Long rồi bị Văn Nhậm xử tử, vua Chiêu Thống bước vào thời kỳ chạy trốn khắp các vùng phía Bắc.

Túng thế, bề tôi vua Lê là Lê Quýnh đưa Thái hậu và Nguyên tử sang cầu cứu vua Càn Long nhà Thanh đem quân sang giúp. Cuối năm 1788, quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị kéo sang, đưa Chiêu Thống về Thăng Long, nhưng đoàn quân này nhanh chóng bị vua Quang Trung quét sạch trong chiến dịch thần tốc những ngày Tết Kỷ Dậu (1789). Vua Chiêu Thống cùng đoàn bại binh nhà Thanh chạy sang Trung Quốc rồi chết ở đó, cơ đồ 256 năm của nhà Lê trung hưng lúc này chính thức chấm dứt.

(1). Các nguồn sử liệu này được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sưu tầm, dịch và công bố trên Tập san Sử Địa (Sài Gòn) năm 1966. 11 bài viết của ông vừa được in lại trong cuốn Những bài khảo cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, do NXB Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay xuất bản.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Mai Đức Chung

LƯƠNG HẠNH |

Bộ Nội vụ tiến hành lấy ý kiến nhân dân đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với ông Mai Đức Chung.

Dự báo vùng ảnh hưởng của cơn bão mới mạnh ngang Helene

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Kirk mạnh lên thành bão cấp 4 ngày 3.10, trở thành bão mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024 sau siêu bão Beryl và Helene.

Bất ngờ lý do không đội mũ bảo hiểm của nam sinh lớp 9

Tô Thế |

Khi bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe kiểm tra vì không đội mũ bảo hiểm, nam sinh lớp 9 tỏ ra bất ngờ.

Nhập khẩu gạo kỷ lục, chuyện “không có gì ầm ĩ”

Lục Tùng |

Việc Việt Nam nhập khẩu gạo tăng vọt 9 tháng đầu năm không phải là chuyện đáng lo mà còn mang lại lợi ích kép.

Hiện trạng xuống cấp của hai công viên lớn ở quận Cầu Giấy

THÙY DƯƠNG |

Thời gian tới, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa một số công trình, bao gồm hai công viên lớn trên địa bàn là Cầu Giấy và Nghĩa Đô.

Ngắm 4 bộ hiện vật đang đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia

NGUYỄN LUÂN - HỒNG NHUNG |

HUẾ - Thừa Thiên Huế vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 4 bộ hiện vật có từ thời nhà Nguyễn.

Khởi tố 2 viên chức Văn phòng đăng ký đất đai ở Bến Tre

Thành Nhân |

Bến Tre - Công an huyện Ba Tri đã khởi tố bị can là 2 viên chức của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ba Tri.

4 đặc tính cần có của lãnh đạo thời chuyển đổi số

Hà Anh |

Sáng 4.10, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số”.