Chúng ta học được gì từ “Bài học Phần Lan 3.0”?

Trần Thế Vinh (tổng hợp) |

Lịch sử cho thấy giáo dục luôn để lại những ảnh hưởng sâu sắc, dài lâu trong xã hội và góp phần vào sự phát triển cùng tiến bộ chung. Cuốn sách “Bài học Phần Lan 3.0” của tác giả Pasi Sahlberg sẽ là tư liệu hữu ích cho những người làm công tác giáo dục, khoa học; nhất là trong lúc chúng ta đang “tìm đường” cải cách nền giáo dục hiện có nhiều điều bất cập trước yêu cầu của thời đại mới.

Cuốn sách là phiên bản cập nhật so với phiên bản 2.0 mà Omega+ đã xuất bản vào cuối năm 2016. Hai ấn bản trước của “Bài học Phần Lan” đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng; mô tả cách một quốc gia Bắc Âu nhỏ bé xây dựng nên hệ thống trường học cung cấp khả năng tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho tất cả thanh thiếu niên trong nước như thế nào.

Ở “Bài học Phần Lan 3.0”, Pasi Sahlberg tiếp nối và cập nhật câu chuyện về cách Phần Lan duy trì thành tích giáo dục mẫu mực của mình, bao gồm cả cách nước này phản ứng với những thay đổi hỗn loạn trong nước và trên toàn thế giới như đại dịch COVID-19.

“Bài học Phần Lan 3.0” cung cấp các tài liệu mới, quan trọng về một số chủ đề như:

• Giáo viên và giáo dục giáo viên;

• Giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt;

• Vai trò của trò chơi trong giáo dục chất lượng cao;

• Các phản ứng của Phần Lan trước tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, điểm số trong các cuộc thi quốc tế không như kỳ vọng và đại dịch toàn cầu.

Trong lúc các quốc gia đang tiến hành cải cách giáo dục, tình trạng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và bất ổn kinh tế thúc đẩy những thay đổi toàn cầu, “Bài học Phần Lan 3.0” khuyến khích giáo viên, học sinh và các nhà hoạch định chính sách có những suy nghĩ lớn rộng hơn, táo bạo hơn khi tìm kiếm các giải pháp mới để cải thiện trường học và toàn bộ hệ thống giáo dục. Ấn bản này cũng cung cấp thông tin sâu hơn về thế giới giáo dục hiện tại ở Phần Lan dựa trên các số liệu thống kê giáo dục và dữ liệu quốc tế gần đây nhất, bao gồm PISA 2018, TIMSS 2016 và TALIS 2018.

“Bài học Phần Lan” từng dành được giải thưởng Grawemeyer (Hoa Kỳ) cho một ý tưởng có tiềm năng thay đổi thế giới (năm 2013). Phiên bản 3.0 của cuốn sách hi vọng sẽ mang lại những hiểu biết về quá trình phát triển của hệ thống giáo dục Phần Lan và là nguồn khích lệ cho cuộc thảo luận giáo dục tại Việt Nam.

Tác giả Pasi Sahlberg (sinh năm 1959, người Phần Lan) là nhà giáo dục, từng là chuyên gia giáo dục cấp cao tại Ngân hàng Thế giới, chuyên gia giáo dục hàng đầu tại Tổ chức Đào tạo Châu Âu (Torino, Ý), Giáo sư về Chính sách Giáo dục tại Đại học New South Wales (Sydney, Úc), Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Sau đại học về Giáo dục của Harvard và nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác Quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan.

Những nhận xét về cuốn sách:

“Với “Bài học Phần Lan 3.0”, Pasi Sahlberg lại có một đóng góp vô giá khác trong việc hoạch định chính sách giáo dục dựa trên chuyên môn của giáo viên, lòng tin, sự tôn trọng, bình đẳng và sự tham gia của học sinh. Các hệ thống trách nhiệm giáo dục trừng phạt ở nhiều nơi trên thế giới có thể tham khảo Phần Lan như một lựa chọn thay thế đáng giá. Mọi nhà hoạch định chính sách, các bậc làm cha mẹ và giáo viên nên đọc cuốn sách này” (Tony Wagner, thành viên nghiên cứu cấp cao, Học viện Chính sách Học tập, California). “Cuốn sách đáng chú ý ở chỗ nó tán thành một hệ thống giáo dục khác với nhiều hệ thống khác ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới và cung cấp nền tảng vững chắc về bối cảnh lịch sử khiến hệ thống giáo dục của Phần Lan trở nên mạnh mẽ và đầy cảm hứng” (Education Review). “Bài học Phần Lan” của Sahlberg mang tính cổ vũ, khích lệ lớn lao khi tác giả nhắc đi nhắc lại lưu ý rằng, luôn luôn có hy vọng và khả năng cải cách một hệ thống quốc gia dù nó có vẻ ảm đạm đến mức nào” (Philippine Daily Inquirer).

CHIA SẺ CỦA NGÀI KEIJO NORVANTO 

(Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam)

Phần Lan là một quốc gia giáo dục hàng đầu trên thế giới, với đặc trưng là đào tạo giáo viên chất lượng cao, sự dung hợp và không nặng về phân thứ bậc. Học sinh Phần Lan đã đứng ở vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng PISA kể từ năm 2000. Việc đào tạo giáo viên có chất lượng cao không chỉ mang lại cho nghề giảng dạy một vị trí được trọng vọng mà còn giúp thu hút nhiều những người trẻ tuổi giàu động lực và tận tụy. Tôi đã thấy được mô hình giáo dục Phần Lan nhận được nhiều sự chú ý từ các phân khúc khác nhau trong xã hội Việt Nam.

Cuốn sách “Bài học Phần Lan 3.0” của Pasi Sahlberg là một đóng góp vô cùng giá trị giúp tìm hiểu về tiến trình phát triển của hệ thống giáo dục Phần Lan cũng như thảo luận về giáo dục tại Việt Nam, với các cập nhật của tác giả về việc làm thế nào Phần Lan duy trì được thành tích giáo dục nổi trội của mình, cùng với đó là cách mà quốc gia này đối diện với những biến động đầy xáo trộn trong nước và trên toàn thế giới.

Vào năm 2023, Phần Lan và Việt Nam sẽ cùng kỷ niệm 50 năm hợp tác ngoại giao giữa hai nước. Việt Nam và Phần Lan đã cùng vun đắp mối quan hệ song phương tốt đẹp và lâu dài kể từ năm 1973, được mở ra đầu tiên thông qua hợp tác phát triển trong nhiều thập kỷ và đang dần tiến triển thành mối quan hệ đối tác sâu sắc và hợp tác kinh tế trên đa lĩnh vực, bao gồm công nghệ sạch và giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông thông minh.

Giáo dục vẫn luôn là một trong những trọng tâm hàng đầu của Phần Lan trong việc hợp tác giữa hai quốc gia với một số lượng ấn tượng các hoạt động, các quan hệ đối tác và sự quan tâm đến từ cả Phần Lan và Việt Nam. Tôi mong rằng mô hình giáo dục Phần Lan sẽ truyền cảm hứng đặc biệt cho các thế hệ trẻ, những nhà lãnh đạo tương lai của một thế giới toàn cầu hóa.

CHIA SẺ CỦA GIÁO SƯ HOWARD GARDNER 

(Giáo sư Nhận thức và Giáo dục Hobbs, Trường sau đại học về Giáo dục thuộc Đại học Harvard)

Trong mọi xã hội, các nhà sư phạm đều tìm kiếm những cách tốt nhất để giáo dục con trẻ. Điều này vẫn đúng kể từ thời cuốn sách “Emile” (Emile hay là về giáo dục) của Rousseau ra đời; thực tế là cả từ thời “Cộng hòa” của Plato hay “Luận ngữ” của Khổng Tử. Luôn có những quan điểm xung đột với nhau, song chúng thường chỉ bao hàm được một phần của bức tranh tổng thể - Plato với Aristotle, Rousseau với Mill, Khổng Tử với Mạnh Tử. Và những quy định lý tưởng này thường xuyên tới từ những cá nhân có thể suy ngẫm sâu sắc về chủ đề giáo dục, dù bản thân họ lại không cố gắng đưa ý tưởng của mình vào thực hành.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cuộc ganh đua giữa các quốc gia diễn ra vô cùng khốc liệt, và mỗi quốc gia đều tìm kiếm thứ “thần dược” sẽ đẩy nó bật lên hàng đầu trên các bảng xếp hạng toàn cầu (như PISA hay TIMSS) và nuôi dưỡng những đứa trẻ rồi sẽ trở thành “chủ nhân của vũ trụ”. Đặc biệt là ở những quốc gia được cho là đã phát triển - chẳng hạn như các thành viên của OECD - có một sự đồng thuận ảo: Có tiêu chuẩn thống nhất rõ ràng; ai cũng cần mẫn tuân theo chúng; thường xuyên kiểm tra học sinh; trao thưởng cho học sinh, giáo viên và những nơi có điểm số cao; còn những nơi có kết quả trung bình hoặc thấp hơn sẽ bị trừng phạt hay khiển trách (hay thậm chí cố gắng che giấu). Tất nhiên là có nhiều sắc thái biểu hiện khác nhau, nhưng đây là quan điểm mặc định - cho dù ở Singapore, Hàn Quốc hay Mỹ.

Trong “Bài học Phần Lan”, Pasi Sahlberg đã thách thức sự đồng thuận này. Ông là người kế tục gia đình có truyền thống sư phạm tại Phần Lan và bản thân ông là giáo viên giảng dạy, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách ở cả trong nước lẫn quốc tế. Dựa trên kinh nghiệm của Phần Lan, ông đã đưa ra một mô hình thay thế. Ông mô tả sự đồng thuận toàn cầu bằng một cụm từ vẫn khiến tôi mỉm cười là GERM (Viết tắt của “The Global Educational Reform Movement”, Phong trào Cải cách Giáo dục Toàn cầy. Bản thân từ “germ” trong tiếng Anh có nghĩa là “vi trùng”, “mầm bệnh”). Và, ông phê bình và đối chiếu quan điểm “một giải pháp hữu hiệu cho tất cả” với những bài học mà các nhà sư phạm ở quê hương ông đã học được trong những thập niên gần đây. Trong cuốn sách này, bạn sẽ đọc về cách làm sao một quốc gia vươn lên hàng đầu, trong khi 50 năm trước nó hầu như không được đặt lên bàn cân trong các cuộc so sánh trên trường quốc tế. Và quan trọng hơn là, Pasi Sahlberg đã tỉ mỉ giải thích rất hay và đáng nhớ về cách Phần Lan đi theo lối riêng - nếu tôi có thể dùng lời lẽ trong bản ballad nổi tiếng của Mỹ để ứng khẩu - về cách các nhà sư phạm Phần Lan làm theo “cách của họ”.

Xin kể ra một số điểm tương phản nổi bật với lối tiếp cận GERM:

Ở Phần Lan, những điều sau đây là đúng:

• Giảng dạy là một nghề nghiệp được đánh giá cao - các cá nhân đua nhau trở thành giáo viên và được trả công như các nghề nghiệp khác.

• Giáo viên yên vị trong lớp học - họ không ngay lập tức tranh giành các vị trí hành chính cấp cao cùng mức lương cao hơn.

• Giáo viên không sợ nghiên cứu, họ không coi thường nó và họ không cho rằng mình không thể hiểu nó; thay vào đó, họ được đào tạo về nghiên cứu, cập nhật những phát kiến trong tài liệu, họ nghĩ mình là nhà nghiên cứu và thực sự tiến hành nghiên cứu “hữu ích”.

• Vui chơi được tích cực khuyến khích - việc này không hề bị ngăn cản hay thậm chí cấm đoán; giờ học cũng như bài tập về nhà đều được giới hạn.

• Các quy tắc đạo đức hoặc luân lý không hề bị bỏ qua hay hoàn toàn giao cho các cơ quan tôn giáo; những tiêu chuẩn ứng xử cá nhân của một người rất quan trọng và chúng được hình thành với niềm tin.

• Sức khỏe và sự yên vui của học sinh là mối quan tâm chính đáng của các nhà giáo dục.

• Bàn luận chuyên môn không chỉ đề cập tới những điều to tát, giáo viên không chỉ nói về “trí tuệ cảm xúc” hoặc “học tập từ bạn bè” hay “hướng dẫn cá nhân hóa” - họ còn nghiên cứu, áp dụng chúng vào thực tiễn, tiến hành điều chỉnh khi quy định không hiệu quả như dự định.

Sahlberg nhiệt thành tin tưởng vào những tiêu chuẩn kể trên của một hệ thống giáo dục hiệu quả. Tuy nhiên, ở “Bài học Phần Lan 3.0”, ông giải thích rằng ta không được giả định hay coi chúng là hiển nhiên.

Mọi thứ luôn thay đổi trong các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là giáo dục. Chỉ trong vòng một thập niên sau lần xuất bản đầu tiên của cuốn “Bài học Phần Lan”, thành tích của hệ thống giáo dục Phần Lan dừng ở mức trì trệ và, theo một vài chỉ số, nó đã sụt giảm đáng kể. Tình trạng đáng thất vọng này xảy ra có thể là do danh tiếng hay sự tự phụ, hoặc nói theo cách khác, là bởi vì các bài học kinh nghiệm từ Phần Lan giờ đã được các xã hội đua tranh khác tiếp thu và khéo léo vận dụng.

Sahlberg đưa ra lời giải thích khác. Thay vì học hỏi từ chính kinh nghiệm của mình trong các thập niên qua, Phần Lan đã không xem xét lại hay khôi phục sự giao thoa đặc biệt - chu trình thử nghiệm và phản ánh - thứ đã biến nó từ chốn ao tù thành một quốc gia dẫn đầu trong thế giới giáo dục K-12 chỉ trong vài chục năm. Chúng ta có thể nói rằng nó không còn vận hành như một “hệ thống học tập”.

Pasi Sahlberg đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các công trình tổng hợp về giáo dục trong tương lai. Chúng ta hiện đang sống trong một thời kỳ cho phép ta sẵn sàng thu thập và phân tích các tệp dữ liệu lớn. Hàng chục “tổ chức tư vấn” giáo dục trên khắp thế giới đo lường mọi biến số mà người ta có thể hình dung ra - từ điểm kiểm tra cho tới quy mô lớp học, rồi đến sự khác biệt về thành tích giữa các lớp học, trường học, thành phố, tỉnh, quốc gia và các nhóm nhân khẩu học. Theo đó, khi một công trình học thuật được sửa đổi hay một văn bản mới được ban hành, ta không chỉ có thể phỏng đoán về cách thức (và lý do) mọi thứ lại khác nhau - mà còn vạch ra được những điều thực sự xảy ra thông qua biểu đồ, đồ thị, kiểm tra thống kê, và “những dữ liệu cứng” khác, rồi nghiền ngẫm những yếu tố có thể đã dẫn đến những thay đổi được báo cáo.

Là một nhà nghiên cứu và phân tích dữ liệu dày dạn kinh nghiệm, Pasi Sahlberg đã xử lý những dạng thông tin này khá khéo léo. Và những độc giả sâu sắc có thể cùng tác giả cố gắng hiểu những điều xảy ra từ năm này sang năm khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ biến số này sang biến số khác.

“Bài học Phần Lan” là tác phẩm của một con người đa tài đa nghệ - giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà phân tích dữ liệu, diễn giả, blogger, nhà văn, người yêu thương gia đình, một người bạn được yêu quý - danh sách các danh hiệu có thể kéo dài. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là Pasi Sahlberg khởi xướng và đại diện cho những giá trị sâu sắc về bình đẳng, công bằng, phát triển cá nhân, gắn kết cộng đồng, sự hưng thịnh của xã hội, và hài hòa toàn cầu, cũng như tầm quan trọng của việc giúp những người trẻ tuổi tìm thấy lĩnh vực mà họ đam mê và tạo điều kiện cho họ vun đắp nó. Những giá trị này được thể hiện qua từng trang giấy trong cuốn sách, và có lẽ chúng là lý do chính khiến cuốn sách này được định trước là sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển.

CHIA SẺ CỦA TÁC GIẢ PASI SAHLBERG

Trên các phương tiện truyền thông toàn cầu, Phần Lan được ca ngợi là đất nước hạnh phúc và lành mạnh, nhưng đồng thời là con sói đơn độc trong văn hóa, nó luôn đi tìm lối riêng hơn là theo đuôi kẻ khác. Vào tháng 8 năm 2010, trang bìa của tạp chí Newsweek ghi dòng chữ, “Quốc gia tốt nhất trên thế giới là...” và câu chuyện chính trong số báo đó tiết lộ phần còn lại của dòng chữ: “Phần Lan”.

Nhiều sự kiện đã xảy ra ở Phần Lan kể từ khi ấn bản đầu tiên xuất hiện vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng tài chính tác động xấu lên toàn cầu vài năm trước đã khiến chi tiêu của khu vực công phải cắt giảm mạnh trong thập niên 2010. Thành tích của Phần Lan trên các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế - và một số so sánh toàn cầu khác - đã giảm sút. Làn sóng di cư lớn năm 2015 vào và qua Châu Âu, do tình trạng bất ổn và xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi thúc đẩy, đã khiến hàng vạn người nhập cư và người xin tị nạn đến Phần Lan và vào học các trường của Phần Lan. Đến năm 2020, đại dịch COVID-19 toàn cầu đã đóng cửa các trường học và khiến trẻ em phải học ở nhà trong vài tuần. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến các trường học Phần Lan theo những cách mà không ai có thể lường trước vào năm 2011, khi ấn bản đầu tiên được phát hành. Cách hệ thống giáo dục Phần Lan đối phó với những thay đổi ấy sẽ được thảo luận trong ấn bản mới này.

Phần Lan đã động viên rất nhiều nhà giáo dục tại các nước khác suy nghĩ sâu sắc hơn về trường học và văn hóa của họ. Trong cuốn sách này có những bài học mà mọi người có thể học hỏi được, cũng như Phần Lan đã được các nhà giáo dục và hệ thống trường học trên khắp thế giới truyền cảm hứng và rồi học hỏi từ họ. Đây chính là hy vọng thực sự cho một ngày mai tốt đẹp hơn.

Tôi hy vọng “Bài học Phần Lan 3.0” sẽ truyền cho bạn cảm hứng và chứng minh cho bạn thấy rằng có một cách để xây dựng hệ thống trường công lập tốt và nó sẽ rất có lợi cho tất cả con em chúng ta. Công thức của Phần Lan để có một nền giáo dục tốt rất đơn giản: Luôn tự hỏi liệu cuộc cải cách mà bạn định khởi xướng có giúp ích gì cho trẻ em và giáo viên hay không. Nếu bạn do dự với câu trả lời, vậy thì đừng làm”.

Trần Thế Vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Nguyên nhân gốc rễ của “đại dịch béo phì”

trần thế vinh (tổng hợp) |

Jason Fung, bác sĩ chuyên khoa thận ở Toronto, là một trong những người tiên phong đi theo con đường chữa trị bệnh dựa vào nguyên nhân chứ không phải triệu chứng. Hiện nay, việc toàn bộ nhân loại phải đối mặt với đại dịch béo phì mà hoàn toàn không hề có cái nhìn sâu sắc về căn bệnh đã thôi thúc ông viết nên “Giải mã bí mật giảm cân” - cuốn sách luôn nằm trong top những tác phẩm bán chạy nhất của dòng sách về bệnh béo phì.

Những giai thoại bất hủ từ Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

trần thế vinh (tổng hợp) |

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là thành tựu khoa học đỉnh cao, đồng thời cũng là kho tàng của sự phiêu lưu, đam mê, phản bội và ám ảnh. Cuốn sách “Chiếc thìa biến mất” nói về những nguyên tố trong bảng tuần hoàn, vai trò lịch sử của chúng, các xung đột, giai thoại cùng câu chuyện về cuộc đời của những nhà khoa học điên cuồng đã phát hiện ra chúng.

“Ký ức lịch sử không bao giờ quên”: Một cuốn sách quý giá!

Khánh Phương |

Trước đây, tôi từng có dịp tới thăm Nhà máy Xi măng VICEM Hải Phòng. Ở đó, tôi phần nào nắm được tình hình phát triển của nhà máy qua các thời kỳ, thông qua tham quan Phòng truyền thống, thông qua sách báo như “Ca dao công nhân Xi măng”, “Lịch sử Phong trào công nhân Xi măng Hải Phòng”, “Lịch sử Đảng bộ Nhà máy Xi măng”, “100 năm Xi măng Hải Phòng (1899 - 1999)”... Và gần đây nhất là hiểu thêm về nhà máy qua cuốn sách này.

Detox, low-carb, thực phẩm hữu cơ... tin đồn và sự thật

TRần thế vinh (tổng hợp) |

Đây không đơn thuần là một cuốn sách dinh dưỡng - nó là thứ vũ khí để bạn tiêu diệt thông tin nước đôi và quảng cáo bịa đặt, bảo vệ sự thật và tất nhiên là cả sức khỏe của bản thân.

Đề xuất nghỉ học thứ Bảy: Liệu có giảm áp lực?

ANH ĐỨC |

Nhiều địa phương đã triển khai hoặc lấy ý kiến việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy, tức chỉ học 5 ngày/tuần.

Phụ huynh bức xúc vì cô giáo xin hỗ trợ laptop

Chân Phúc |

TPHCM - Một giáo viên chủ nhiệm xin lớp hỗ trợ laptop, không được 100% phụ huynh đồng ý, nên cô có ứng xử không phù hợp khiến phụ huynh bức xúc.

Công an vào cuộc xác minh vụ phụ huynh bức xúc các khoản thu

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Thị xã Nghi Sơn đã giao cơ quan công an và phòng giáo dục xác minh, làm rõ vụ việc phụ huynh bức xúc, “sợ hãi” về các khoản thu đầu năm học.

Thời gian xuất hiện không khí lạnh, xua tan nắng nóng

NHÓM PV |

Đại diện cơ quan khí tượng cho biết, dự báo không khí lạnh sẽ khiến nền nhiệt trong những ngày đầu tháng 10 giảm nhanh.

Nguyên nhân gốc rễ của “đại dịch béo phì”

trần thế vinh (tổng hợp) |

Jason Fung, bác sĩ chuyên khoa thận ở Toronto, là một trong những người tiên phong đi theo con đường chữa trị bệnh dựa vào nguyên nhân chứ không phải triệu chứng. Hiện nay, việc toàn bộ nhân loại phải đối mặt với đại dịch béo phì mà hoàn toàn không hề có cái nhìn sâu sắc về căn bệnh đã thôi thúc ông viết nên “Giải mã bí mật giảm cân” - cuốn sách luôn nằm trong top những tác phẩm bán chạy nhất của dòng sách về bệnh béo phì.

Những giai thoại bất hủ từ Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

trần thế vinh (tổng hợp) |

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là thành tựu khoa học đỉnh cao, đồng thời cũng là kho tàng của sự phiêu lưu, đam mê, phản bội và ám ảnh. Cuốn sách “Chiếc thìa biến mất” nói về những nguyên tố trong bảng tuần hoàn, vai trò lịch sử của chúng, các xung đột, giai thoại cùng câu chuyện về cuộc đời của những nhà khoa học điên cuồng đã phát hiện ra chúng.

“Ký ức lịch sử không bao giờ quên”: Một cuốn sách quý giá!

Khánh Phương |

Trước đây, tôi từng có dịp tới thăm Nhà máy Xi măng VICEM Hải Phòng. Ở đó, tôi phần nào nắm được tình hình phát triển của nhà máy qua các thời kỳ, thông qua tham quan Phòng truyền thống, thông qua sách báo như “Ca dao công nhân Xi măng”, “Lịch sử Phong trào công nhân Xi măng Hải Phòng”, “Lịch sử Đảng bộ Nhà máy Xi măng”, “100 năm Xi măng Hải Phòng (1899 - 1999)”... Và gần đây nhất là hiểu thêm về nhà máy qua cuốn sách này.

Detox, low-carb, thực phẩm hữu cơ... tin đồn và sự thật

TRần thế vinh (tổng hợp) |

Đây không đơn thuần là một cuốn sách dinh dưỡng - nó là thứ vũ khí để bạn tiêu diệt thông tin nước đôi và quảng cáo bịa đặt, bảo vệ sự thật và tất nhiên là cả sức khỏe của bản thân.