Chuyện làng văn nghệ: Dựng lại một giao hưởng cũ

NGUYỄN THỤY KHA |

Trong những ngày xuân đẹp của Hà Nội năm nay, một chiều, tôi nhận được điện thoại của nhạc sĩ La Thăng mời đến chia cùng ông một niềm vui mới, về việc vừa dàn dựng lại một giao hưởng cũ của anh. Cũng phải sắp xếp mãi, tôi mới có một buổi sáng thư thả nhà ông ở làng hoa Ngọc Hà.

Nhắc đến Ngọc Hà là bao nhiêu kỷ niệm thanh xuân của tôi ập về. Ngày ấy, tôi thường ở nhà anh cả ở ngõ 2 dốc Ngọc Hà mỗi kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè những năm tháng đại học. Hồi tháng 12.1972, máy bay rơi xuống hồ Ngọc Hà đã làm cháy căn nhà của anh cả, cháy theo bao cuốn sổ nhật ký của tôi gửi lại trước khi vào Quảng Trị mùa hè 1972. Trên đường đi vào làng, tôi còn thấy tấm biển chứng tích đứng trên mặt hồ khắc những dòng chữ về sự kiện này. Nhà nhạc sĩ La Thăng ở một ngách nhỏ gần hồ. Ông vừa bị ngã gãy tay phải bó bột, nhưng nụ cười như nói về niềm vui tràn ngập mà ông đang muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp ở tuổi 88.

Vợ chồng nhạc sĩ La Thăng.

Ảnh: Tác giả cung cấp. 

La Thăng tên khai sinh là Nguyễn Văn Ngọ, đồng niên Canh Ngọ 1930 cùng Hoàng Vân (tên khai sinh là Lê Văn Ngọ). Là thiếu niên đi theo cuộc trường kỳ kháng chiến, La Thăng là một trong những thành viên của Đoàn Thiếu niên Nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lãnh đạo. Vừa huấn luyện, vừa biểu diễn, La Thăng bắt đầu sáng tác. Có lẽ bút danh La Thăng có từ đó. Đám trẻ con một thời, tất nhiên trong đó có tôi, không ai là không thuộc “Bé đeo ba lô” của La Thăng: “Em còn nhớ năm nào/ Khi còn chưa chiến chinh/ Lòng em ước mong sao/ Người em có sức đeo/ Và vai vác theo/ Chiếc ba lô tý nhéo/ Mà em thích đeo...”. Tôi thuộc tới mức khi làm tuyển tập các bài hát thiếu nhi, tôi đã tự ghi ra “Bé đeo ba lô” để đưa vào tuyển tập. Có lẽ cũng vì việc làm đó, La Thăng rất quý tôi. Bên cạnh “Bé đeo ba lô” là “Chiều Việt Bắc” và “Quanh lửa hồng”. Ông đã góp vào dòng ca khúc kháng chiến một giai điệu ngợi ca du kích, đó là “Du kích làng Nguyễn đánh giặc”.

Ngay từ ngày đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc mà Hải Phòng là thành phố cuối cùng được giải phóng ngày 13.5.1955, trên loa phóng thanh đã vang lên “Ca mừng đời ta tươi đẹp” của La Thăng: “Ánh sáng Hồ Chí Minh bừng chiếu reo niềm vui mừng/ Ánh sáng người chiếu về khắp non ngàn vui bừng lên...”. Vài năm sau, trong không khí cả miền Bắc hát hợp xướng, La Thăng lại đưa ra hợp xướng “Phi nước đại” với giai điệu chắc khỏe và nhịp điệu dồn dập. Trong Mậu Thân 1968, La Thăng lại đưa ra hợp xướng “Hàm Luông - Dòng sông chiến thắng”. Hành khúc “Lên đường đánh Mỹ” của ông cũng cùng nhịp bước đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” rất hào hùng: “Nghe chăng tiếng Hà Nội yêu dấu/ Đêm canh trường sáng soi đường/ Đi chiến đấu ra đi là chiến thắng...”. Và hồn nhiên dìu dặt là “Bài ca núi Thúy” với ca từ của Hoàng Hà: “Ai về qua quê tôi/ Núi Thúy sáng mây trời/ Soi mình bên dòng nước nhẹ trôi...”. Ca khúc hay đến nỗi một nhạc sĩ trẻ ở Hưng Yên đã lấy luôn làm sáng tác của mình và đổi lời: “Ai về qua Hưng Yên/ Nắng ấm sáng mây trời...”, việc làm này đã khiến La Thăng phải lên tiếng và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả đã vào cuộc. Anh bạn nhạc sĩ trẻ đó đã phải chịu kỷ luật và nhận án phạt.

Bên cạnh những ca khúc và hợp xướng nổi tiếng, La Thăng còn viết những tác phẩm nhạc không lời như “Niềm hy vọng” cho piano, “Quê hương” cho violin, violoncelle và piano. Trong bao nhiêu sáng tạo đó, có Giao hưởng thơ “Đất nước anh hùng” được La Thăng viết vào mùa thu 1964 khi tiếp tục theo học Đại học Âm nhạc Khoa Sáng tác, lúc ấy sơ tán ở Xuân Phú, Bắc Giang. Viết xong giao hưởng thơ, La Thăng có đưa cho Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Vũ kịch để dàn dựng, nhưng vì nhiều lý do, giao hưởng thơ “Đất nước anh hùng” đã không được vang lên ngày ấy. Tác giả của nó đành cất tổng phổ vào tủ suốt bao nhiêu năm qua. Khi ông đưa cho tôi xem, tổng phổ giao hưởng thơ đã ố mờ bởi chất giấy đen hồi đó. Thật may mắn và rất công phu, nghệ sĩ piano La Thương - con trai ông - vì trân trọng sáng tác của cha nên đã “phục hồi” nguyên bản đưa cho bộ phận vi tính kẻ lại. Giao hưởng thơ vừa được “tân trang” xong thì đúng lúc có một nhạc trưởng người Israel tên là Shalev Ad-El đến làm việc với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và rất muốn dàn dựng những tác phẩm giao hưởng Việt Nam. La Thương chuyển cho nhạc trưởng này. Sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, nhạc trưởng Shalev Ad-El quyết định dựng giao hưởng thơ “Đất nước anh hùng” cho Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Như một nhân duyên, một tác phẩm âm nhạc, nhờ không khí biến đổi hôm nay đã lần đầu tiên được vang lên tại Phòng hòa nhạc Học viện. Một chờ đợi đã qua cả nửa thế kỷ, ngỡ sẽ chìm trong lãng quên mãi mãi, thì lại được bừng lên sức sống mới vào năm tác giả của nó đã 88 tuổi.

Chủ đề chính của thơ giao hưởng “Đất nước anh hùng” là chủ đề nhân dân với những trăn trở trước họa xâm lăng và những hành động để chống trả kẻ thù. Giai điệu mang âm hưởng Đồng bằng Nam Bộ vút lên chủ đề chính qua tiếng sáo flute trên nền dàn dây mà ở đó dàn dây violin I cùng tấu theo giai điệu. Sau flute đến sự vào cuộc của kèn Oboe và kèn Clarionet với sự luồn vào của kèn Bassoon. Dàn dây violin I được violin II nối tiếp đã mở ra mênh mang châu thổ Nam Bộ, nơi bắt đầu diễn ra những trận chiến rồi sẽ càng ngày càng ác liệt. Chủ đề tương phản là chủ đề của các thế lực hắc ám đang muốn chiến thắng trong sự bạo tàn. Chủ đề này xuất hiện với những nốt nhạc ở nhịp ngắt đơn và sau đó là những chùm ba liên tiếp. Đảm nhiệm chính để thể hiện chủ đề này là dàn kèn đồng Horn cùng sự hòa quyện của dàn kèn gỗ. Hai chủ đề giành giật nhau qua sự biến chuyển của âm nhạc trong cảm xúc dâng trào và chân thành của tác giả. Nó mang tới nét nhạc của ngày chiến thắng bay bổng, rộn rã. Trong nụ cười có cả nước mắt. “Đất nước anh hùng” được viết theo phong cách cổ điển của thời ấy, nhưng có lẽ do cảm hứng sáng tạo của tác giả bắt nguồn từ niềm căm giận thực sự hành động xâm lược và niềm kiêu hãnh về đất nước anh hùng, nên âm nhạc mang tới cho người nghe những thông điệp đầy tính nhân văn. Đến bây giờ nghe, thấy nó không bị cũ. Nhất là trong tình hình biển đảo hôm nay.

Tuy tuổi đã cao, La Thăng vẫn rất hồn nhiên trong sáng tạo. Rung động trước hành động nghĩa cử “Bát cháo tình thương” của công ty Hòa Hương dành tặng cho những bệnh nhân nghèo, ông đã viết ca khúc “Bát cháo tình thương” như một chia sẻ với hành động nghĩa cử đó. Với “Đất nước anh hùng”, ông hy vọng nó sẽ được dàn dựng công phu hơn nữa với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và được công diễn sau nhiều năm quên lãng.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Thi hành kỷ luật Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Tìm thấy nạn nhân mất tích cuối cùng vụ sạt lở trên QL2

Việt Bắc |

Hà Giang - Thi thể anh N.V.T (xã Việt Vinh, Bắc Quang), nạn nhân mất tích cuối cùng được tìm thấy dưới lớp đất sạt lở hơn 3 mét.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự khởi công cầu Ba Lai 8

Thành Nhân |

Bến Tre - Ngày 2.10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công dự án cầu Ba Lai 8 nằm trên tuyến đường bộ ven biển ở Miền Tây.

Quảng Nam hoàn thành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên

Hoàng Bin |

Thực hiện Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quảng Nam đã kỷ luật các tổ chức đảng, nhiều cán bộ bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Tướng Iran dọa bồi thêm đòn tấn công nặng nề hơn với Israel

Thanh Hà |

Tướng Iran cảnh báo sẽ tấn công toàn bộ cơ sở hạ tầng của Israel nếu nước này có bất kỳ hành động đáp trả nào nhằm vào lãnh thổ Iran.