Doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng tranh chấp Biển Đông để gặt hái

KHÁNH MINH (Theo SCMP) |

Bên cạnh ngành công nghiệp quốc phòng, còn những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khác ít biết đến, nhưng lại gặt hái được nhiều lợi ích từ tranh chấp Biển Đông.

 

Các nhà phân tích đang cố gắng giải thích vì sao Trung Quốc bác bỏ phán quyết Tòa trọng tài vụ kiện của Philippines, xét từ những quan điểm về chính sách an ninh chiến lược và khu vực của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều thiếu vắng trong những phân tích này là vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc, một số trong đó thậm chí còn làm phức tạp hơn lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.

Rất dễ nhận thấy ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được hưởng lợi đáng kể từ tranh chấp Biển Đông. Thị trường chứng khoán là minh chứng rõ nhất. Vài tuần trước ngày Tòa trọng tài ra phán quyết (12.7.2016), một số mã chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh cả về giá lẫn khối lượng giao dịch. Chẳng hạn cổ phiếu của Công ty Công nghiệp Beifang Daohang, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp China North, tăng 8,8%; cổ phiếu của China RACO - chuyên về viễn thông vệ tinh, tăng 6,6%; còn cổ phiếu của Tập đoàn vận tải State China Shipping Corporation tăng đến 19,6% trong khoảng thời gian từ ngày 24.6 đến 12.7.

Mặc dù ngành công nghiệp du lịch dường như không phải là ứng viên thích hợp nhất có được sự tăng trưởng vượt bậc trong thời kỳ xung đột và bất ổn trong khu vực, song với các công ty Trung Quốc cung cấp tour du lịch trái phép ở Biển Đông lại khác.

Trong ngày Tòa trọng tài ra phán quyết, hai máy bay của China Southern Airlines và Hainan Airlines, đều là hai hãng hàng không nhà nước, đã khởi hành từ Hải Khẩu và hạ cánh xuống đá Vành Khăn và đá Subi. Các chuyên gia ở Trung Quốc đề nghị chính phủ có kế hoạch trong tương lai nhằm tận dụng tài nguyên du lịch trên các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Các công ty du lịch Trung Quốc cũng đã bắt đầu kinh doanh phi pháp ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hainan Strait Shipping - một DNNN Trung Quốc - từ năm 2012 đã vận hành tàu du lịch Coconut Fragrance Princess Cruise, để quảng bá du lịch trái phép ở Hoàng Sa, đặc biệt là ở đảo Ốc Hoa và Ba Ba. Ban đầu, Princess Cruise bị lỗ và được chính phủ trợ cấp. Tuy nhiên, nó dần có lãi sau khi Tam Á trở thành cảng khởi hành vào tháng 9.2014 và Bãi Xà Cừ được bổ sung làm điểm đến.

Những hoạt động du lịch như trên chắc chắn có liên hệ với chủ nghĩa dân tộc. Các hoạt động của tour bao gồm lễ kéo cờ và tuyên thệ. Trung Quốc tin rằng, việc thúc đẩy du lịch ở vùng biển tranh chấp sẽ giúp nước này củng cố yêu sách ở Biển Đông. Hơn 10.000 du khách Trung Quốc, được giới thiệu là những người yêu nước, đã đến thăm Hoàng Sa.

Những tour du lịch trái phép như vậy sẽ tiếp tục được công chúng Trung Quốc ủng hộ, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài.Chính vì vậy, các công ty lữ hành Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến tiềm năng du lịch ở Biển Đông.

Tháng 4.2016, China Cosco Shipping Corporation bắt đầu mở công ty du lịch với hai đối tác DNNN khác là Công ty dịch vụ du lịch - China Travel Service Group, và Công ty xây dựng và viễn thông - China Communications and Constructions Corp (CCCC). Cosco đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, như một phần trong tour du lịch văn hóa của sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển.

Trong một buổi triển lãm của China Nanhai Cruise, CEO của Cosco, ông Xu Lirong nhắc lại rằng, các tour đến Biển Đông là một phần trong kế hoạch phát triển của công ty. Ông này cũng nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh dọc hành lang "Một vành đai, một con đường" là trách nhiệm của các DNNN Trung Quốc.

Ngoài việc phát triển một bến tàu du lịch ở đảo Phượng Hoàng, Tam Á, cách đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) khoảng 330km, CCCC cùng China Travel Service Group còn thành lập Công ty phát triển lữ hành quốc tế Tam Á, với sự trợ giúp của chính quyền thành phố Tam Á vào tháng 9.2015.

Các DNNN Trung Quốc có nhiệm vụ kép, vừa kiếm tiền vừa giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu chính trị xã hội. Điều này thể hiện rõ trong các DNNN có liên quan đến hoạt động ở Biển Đông. Bằng cách bổ sung du lịch Biển Đông là một trong những chiến lược của Trung Quốc, thì việc thúc đẩy các hoạt động dân sự ở vùng lãnh thổ tranh chấp cũng trở thành một nhiệm vụ của các DNNN.

Sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục khuyến khích DNNN đầu tư vào Biển Đông, vì những người ra quyết định của Trung Quốc tin rằng sự hiện diện của DNNN giúp Bắc Kinh củng cố chủ quyền và yêu sách trên biển.

KHÁNH MINH (Theo SCMP)
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.