Đối âm - viết cho Bach và viết cho mẹ

Huy Huỳnh |

Làm thế nào để đi qua nỗi đau mất một người mẹ? Làm thế nào để gọi là biết được một khúc nhạc? Đây là hai câu hỏi trọng tâm mà Philip Kennicott - nhà phê bình nghệ thuật và kiến trúc đoạt giải Pulitzer muốn tìm hiểu khi viết hồi kí Đối âm (tên gốc: Counterpoint, W. W. Norton & Company xuất bản), quyển sách đầu tay của ông.

Khi người ta nhắc đến mẹ, một nhân vật dịu hiền thường là hình ảnh hiện ra đầu tiên. Trong trường hợp này, mẹ của Kennicott không hẳn là một con người như thế, sự hằn học của bà bao trùm lên cả gia đình. Dù được đào tạo với chuyên ngành văn chương, bà thường tỏ ra bực bội khi thấy con bà đọc sách riêng trong phòng. Bà ghét các thể loại sách phổ thông trinh thám nên chồng bà thường phải giấu những quyển đấy đâu đó lén đọc. Một kỉ niệm của Kennicott lúc bé là khi ông đang đọc "Hỏa ngục" của Dante, bà đã tới đứng trước phòng, giọng đầy bực dọc vì ông đã phạm luật - một luật ông không hề biết - dám để giày ở cửa trước thay vì cửa sau:

“Chúng ta không phải súc vật! Chúng ta không sống trong chuồng bò!”.

Bà tát con vào mặt và ngực, kéo ra sau nhà đến nơi để giày. Khi cậu bé Kennicott cúi xuống đặt giày mình cạnh giày mẹ, bà đập mạnh vào gáy khiến cậu chúi xuống sàn, phải ôm đầu khóc vì đau rồi lăn ra sàn nằm trong khi bà quay về phòng riêng.

Đối âm một mặt là câu chuyện về người mẹ như thế; mặt khác là câu chuyện xoay quanh nhà soạn nhạc lừng danh Johann Sebastian Bach. Kennicott muốn dùng chính âm nhạc, một người bạn đồng hành xuyên suốt cuộc đời, để tưởng niệm Bach và người phụ nữ sinh ra mình - người đã từng muốn trở thành nghệ sĩ violin, thành bác sĩ, rồi phải bỏ sạch tất cả và bước vào vị trí bà không hề muốn: Một người mẹ.

***

Bản thân Philip Kennicott từng là một tay chơi piano trẻ tài năng dù về sau ông ít chơi hơn và chuyển sang viết nhiều về âm nhạc (ông vẫn thường góp bài phê bình cho tạp chí Gramophone). Ông lớn lên trong những năm 1980, khi hầu hết gia đình trung lưu Mỹ đều ám ảnh chuyện nâng cao vị trí xã hội thông qua việc học một nhạc cụ, nhất là đàn piano, Kennicot và cả hai người chị của ông đều được mẹ cho đi học nhạc. Bước qua Schubert, đi qua Liszt và hàng loạt những cái tên nổi bật khác của thế giới cổ điển, không ai có ảnh hưởng mạnh mẽ lên Kennicott như Bach. Và trong tất cả những gì Bach để lại, không gì ám ảnh ông hơn các bản Biến tấu Goldberg cự phách. Ông đặt cho mình một mục tiêu là phải chinh phục được những khúc nhạc này, không chỉ là nghe mà còn phải biết chơi. Ông nghe Bach trong những ngày thăm mẹ ở bệnh viện và tập đánh Biến tấu Goldberg trường kì sau khi bà qua đời.

Khi xem xét con người của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach, sinh ra ở thời kỳ Trung Cổ và mất ở thời kỳ Khai Sáng, có quá nhiều rào cản về tư liệu khiến một hình ảnh trọn vẹn về Bach gần như là bất khả. Kennicott hoàn toàn không có ý định viết lại bất cứ điều gì về Bach mà ông muốn đặt Bach vào giữa những cách hiểu về âm nhạc của riêng ông, thông qua một số chi tiết tiểu sử và quá trình tập luyện miệt mài các bản biến tấu. Một trong những quyển sách được nhắc đi nhắc lại chính là quyển tiểu sử Bach của nhà âm nhạc học người Đức Johann Nikolaus Forkel (1749 - 1818), dù có rất nhiều thiếu sót nhưng nay đã trở thành một nguồn tham khảo không thể thiếu đối với bất kì học giả Bach nào.

Dựa vào quyển sách của Forkel, Kennicott nhìn nhận lại một giai thoại về việc tại sao các biến tấu Goldberg lại có tên là Goldberg. Câu chuyện bắt đầu với bá tước Keyserling, nhà ngoại giao người Nga. Môi khi ông có chuyến thăm đến thành phố Leipzig, ông hay dắt theo chàng nhạc công Johann Gottlieb Goldberg để chạy việc và còn để đánh nhạc cho ông trong những đêm mệt mỏi và mất ngủ. Ông đề nghị Bach viết một vài khúc nhạc dành cho nhạc cụ phím dây, uyển chuyển mà lại có chút tươi tắn để giúp ông dễ ngủ hơn. Khi hoàn thành, trong nhiều đêm, bá tước thường bảo nhạc công của ông: “Này Goldberg, hãy đánh một trong các bản biến tấu của ta”.

Dù không có cơ sở nào cho thấy đây là một câu chuyện có thực, Kennicott vẫn muốn nghĩ đây là thực, vì với ông hình ảnh một nhạc công trẻ đánh nhạc của Bach cho một bá tước mất ngủ có gì đó thật đẹp khi đã cuốn cả người sáng tác, người biểu diễn và người nghe trong một vòng tròn hoàn hảo: Sự xuất sắc của người nghệ sĩ bậc thầy, sinh khí của nhạc công trẻ tuổi và sự tinh tế của người thưởng thức lý tưởng.

***

Âm nhạc của Bach không chỉ giúp vị bá tước giải khuây mà còn là một lối giải thoát cho Kennicott, có khả năng đưa ông đến một cái gì đó cao hơn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Mặc dù Kennicott khá nghi ngại về định nghĩa “vĩ đại” trong cách tiếp cận các sản phẩm nghệ thuật mà văn hóa đại chúng sử dụng, hay đúng hơn là lạm dụng khắp nơi, ông cũng thú nhận đâu đó trong từ này những giá trị mà ông có thể kết nối được. Với ông, nếu Biến tấu Goldberg không vĩ đại, thì chẳng có gì vĩ đại. Rất nhiều chương trong quyển sách xen kẽ giữa quá trình ông luyện tập, diễn giải các tác phẩm của Bach và các phân mảnh quá khứ về người mẹ, một trong những khoảnh khắc ấm áp nhất xuất hiện là khi ông chơi một đoạn piano hay mà bà hài lòng khen ngợi.

Một người mẹ mang lại nhiều nỗi sợ hơn là ngưỡng mộ, Kennicott đã từng mong ông sẽ có thể gạt bà ra khỏi cuộc đời. Điều duy nhất họ có thể chia sẻ được với nhau là âm nhạc, dù càng về sau thị hiếu của cả hai ngày càng khác. Ông thích những tác phẩm dài, thiên về kĩ thuật hơn so với những giai điệu dễ nghe của bà. Cho đến khi mẹ qua đời, ông nhiều lần tự hỏi vì sao ngày xưa, bà ngày càng ít chơi, rồi bỏ hẳn violin. Ông đưa ra rất nhiều giả thuyết nhưng không có gì là thỏa mãn. Bà đã trở thành một hình tượng quá xa cách. Các biến tấu Goldberg của Bach trở đi trở lại trong hồi kí này như cách người ta phải luyện tập miệt mài một khúc nhạc trên phím đàn.

Có lẽ Kennicott biết việc hòa mình vào những khúc nhạc lớn lao là một cách để có thể hiểu về hiện tại, về cái chết và hơn hết là bước vào một hành trình khó nhọc học cách yêu thương và cảm thông thực sự cho mẹ ông. Như chính ông thừa nhận, người ta có thể giả vờ nhiều thứ, nhưng không thể giả vờ chơi nhạc của Bach.

Huy Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

''Thư Hà Nội’’ - góc nhìn âm nhạc từ cảm hứng các bức thư xưa

LÊ QUANG VINH |

Trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Châu Âu 2019, đêm nhạc đa phương tiện ''Thư Hà Nội’’ sẽ được Viện Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) vào tối 30.11. Trước đó, buổi hòa nhạc độc đáo này diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ở tối 28.11.

Ra mắt tiểu khu L’Opéra - “trái tim âm nhạc” của Shophouse Europe

Hoàng Thảo |

Tọa lạc bên cạnh quảng trường Sun Carnival Plaza tại Hạ Long, tiểu khu L’Opéra  nằm trong phân khu Shophouse Europe thuộc dự án Sun Plaza Grand World đã chính thức ra mắt thị trường từ tháng 8.2019.

Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho Violin và hào tấu thính phòng Việt Nam

Thu Hương |

Tối 11.8.2019, lễ bế mạc cuộc thi âm nhạc quốc tế Violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 đã diễn ra với nhiều giải thưởng lớn được trao cho các thí sinh tài năng nhất. Trong đó, ABBANK đã trao tặng 02 giải Nhì thuộc hai hệ thống giải của cuộc thi và dành tặng thêm 04 giải thưởng cho các tài năng trẻ Việt Nam tham gia hai hạng mục thi đấu, với tổng giá trị 10.000 USD.

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.