Giải mã những cái chết bình thản trong lòng chiếc tàu ngầm

Tường Linh (theo Smithsonian Magazine) |

Trong thời Nội chiến Mỹ, một chiếc tàu ngầm đã trở nên nổi tiếng khi nó đánh đắm một con tàu khác. Tuy nhiên sau đó, con tàu đã biến mất và số phận của nó nằm trong vòng bí ẩn cho tới tận bây giờ.

Vụ tấn công đặc biệt trong đêm

Phần thân tối tăm của con tàu ngầm chỉ nổi lên cách mặt nước khoảng 10cm. Ánh trăng mờ chỉ khiến mặt biển sáng lên một chút, khi sóng vỗ nhè nhẹ vào thân tàu. Con tàu dài khoảng 12m, với phần lớn chiều dài thân có hình tròn. Tuy nhiên, phần mũi và đuôi vẫn được đóng vát, phần nào cho thấy khả năng rẽ nước để di chuyển với tốc độ nhanh của nó.

Đó là đêm 17.2.1864 và con tàu ngầm mang tên HL Hunley là vũ khí của phe Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ. Nó đang nằm chờ mồi tại phía Đông Cảng Charleston, ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Con tàu đã liên tục có mặt tại đó suốt nhiều tháng qua.

Tàu mang theo một thứ vũ khí với sức tàn phá khủng khiếp. Ở mũi nó là một cây sào rất dài làm từ gỗ và thép. Một đầu sào được gắn vào con tàu và ở đầu còn lại là một khối nổ to cỡ một bom bia, chứa hơn 60kg thuốc nổ đen. Đó chính là quả ngư lôi của con tàu.

Ngư lôi khi ấy không phải là các vũ khí hiện đại như ngày nay, khi người ta chỉ việc khóa mục tiêu, khai hỏa và chúng sẽ tự làm nhiệm vụ tìm diệt. Thay vì thế, ngư lôi đơn giản là các khối thuốc nổ khổng lồ, có gắn kíp nổ.

Để kích hoạt vũ khí, HL Huntley phải tới thật gần con mồi. Sau đó, thủy thủ đoàn sẽ lái tàu để cây sào cùng khối bom đâm vào thân tàu mục tiêu và phát nổ - một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm.

Trên sàn tàu USS Housatonic đêm ấy, các thủy thủ căng mắt nhìn ra mặt biển để tìm kiếm mối đe dọa. Housatonic, một chiến hạm với tải trọng hơn 1.200 tấn, chỉ là một trong nhiều tàu thuộc phe Liên bang miền Bắc đã hoạt động tại vùng biển ngoài khơi Charleston trong nhiều tháng. Phải mất 4 giờ để con tàu ngầm tiếp cận được với tàu mục tiêu. Một thủy thủ tinh mắt trên Housatonic đã nhìn thấy hình dáng lờ mờ của Hunley trên mặt biển và báo động cho những người khác biết.

Nhưng tàu ngầm là công nghệ hoàn toàn mới khi ấy và các thủy thủ không hình dung ra được họ đối mặt với mối đe dọa nào. Các khẩu đại bác trên tàu Housatonic không được thiết kế để bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách quá gần như vậy. Hơn nữa, chúng cũng không thể chúc xuống quá thấp.

Vì thế, thủy thủ đã dùng súng trường tấn công tàu HL Hunley, nhưng vô tác dụng. Nó cứ lừ lừ tiến tới, nhấn quả bom vào thành tàu Housatonic, tạo ra áp lực khổng lồ xé toạc phần vỏ tàu làm từ gỗ rất dày. Một lỗ thủng cực lớn đã xuất hiện tại khu vực bụng tàu. Khi thủy thủ đoàn Housatonic tìm cách sơ tán, tàu HL Hunley cũng lặng lẽ biến mất. Con tàu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và những người ở phe Liên minh miền Nam rất mong ngóng nó trở về để ăn mừng. Tuy nhiên, con tàu đã không bao giờ trở lại bờ.

Cuộc truy tìm “sát thủ bí ẩn”

166 năm sau trận chiến ấy, vào năm 2000, người ta mới tìm được xác tàu Huntley. Hóa ra, do ở quá gần mục tiêu, con tàu cũng đã bị hư hại và cùng chìm xuống đáy biển sau vụ nổ.

Ở các trường hợp chìm tàu ngầm hiện đại, thi thể của các nạn nhân luôn được phát hiện nằm tập trung gần những lối thoát ra ngoài - kết quả từ các nỗ lực khủng khiếp cuối cùng nhằm thoát khỏi chiếc quan tài sắt đang cố lôi họ xuống biển.

Song, thủy thủ đoàn của tàu Hunley lại rất khác. Các bức ảnh chụp di cốt trong xác Hunley cho thấy, khi con tàu chìm xuống, tất cả thủy thủ vẫn ngồi yên tại chỗ, giống như họ đã bình thản chấp nhận số phận bi thảm đang chờ đón mình.

Giới nghiên cứu từ lâu đã thấy rằng, ai sinh ra cũng có bản năng chống lại cái chết rất mạnh mẽ. Họ sẽ đấu tranh tới cùng để giành giật sự sống, ngay cả khi biết sắp đối mặt với cái kết không thể tránh. Và điều này là lý do khiến cho vụ Hunley trở nên lý thú.

Con tàu ngầm hiện đang được trưng bày ở Trung tâm bảo tồn Warren Lasch, Nam Carolina, nơi du khách được thách thức giải đáp bí ẩn về con tàu. Trung tâm đưa ra 4 giả thuyết về số phận của con tàu: Quả ngư lôi phát nổ đã làm hư hỏng vỏ tàu và khiến nó chìm; thủy thủ đoàn bị mắc kẹt tại chỗ khi tàu gặp nạn; tàu ngầm va chạm với một vật thể khác và chìm; một thủy thủ trên tàu Housatonic bắn trúng thuyền trưởng tàu ngầm, khiến con tàu như rắn mất đầu và gặp nạn.

Nhưng bất kỳ giả thuyết nào ở trên cũng sẽ đặt ra tình huống thủy thủ đoàn, dù biết cái chết mười mươi sắp tới với mình, vẫn bình thản ngồi tại chỗ chờ đợi. Đây là điều đi ngược với bản năng sinh tồn tự nhiên. Vì thế phải có thứ gì đó khác đã đoạt mạng các thủy thủ. Thứ gì đó không để lại dấu vết trên con tàu hay trong di cốt của họ.

Rachel Lance - một nhà nghiên cứu tại Đại học Duke - là chuyên gia về các vụ nổ. Bà nghiên cứu về các vụ nổ, đặc biệt là những vụ dưới nước và được trao nhiệm vụ tạo dựng mô hình vụ nổ liên quan tới tàu Hunley, để xác định câu chuyện thực sự đã xảy ra với nó.

Trước khi làm rõ xem thủy thủ đoàn có thiệt mạng vì quả ngư lôi hay không, Lance đã kiểm tra khả năng họ chết ngạt trong khoang kín của con tàu ngầm bị hư hỏng.

Trong tình huống bị mắc kẹt lại tàu ngầm Hunley, khi nó chìm xuống sau cuộc tấn công, thủy thủ đoàn sẽ dần cạn oxy và chết ngạt. Tuy nhiên trước khi qua đời, cơ thể sẽ phát ra các hiện tượng đầy đau đớn, cảnh báo họ phải hành động, phải trốn thoát. Sau khi tính toán, Lance thấy rằng, thủy thủ đoàn của tàu Hunley có thể hoạt động khoảng 30 phút tới một tiếng trước khi lượng khí oxy họ hít vào cơ thể còn lại khoảng 6,3%. Ở mức này, họ sẽ ngất xỉu.

Nhưng trước đó, những cơn đau khủng khiếp do tình trạng nhiễm độc khí CO2 gây ra sẽ khiến họ không thể bình thản ngồi yên tại chỗ, như những gì người ta đã thấy sau này. Như thế, khả năng chết ngạt bị loại bỏ.

Lance chợt nhớ tới nhà văn Đức Kurt Vonnegut và những phát biểu của ông về quãng thời gian còn là một người lính quân đội Đức thời Thế chiến thứ hai. Vonnegut kể rằng, ông đã sống qua thời kỳ quân Đồng minh ném bom hủy diệt vùng Dresden. Công việc của ông là tìm kiếm xác người trong hầm tránh bom để các thi thể ấy không bị thối rữa và gây bệnh. Điều đáng chú ý là nhiều người được ông tìm thấy đã chết trong hầm, với cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn. Họ không bị sức ép của bom hất văng đi các góc phòng. Họ không lăn lộn trên sàn, người họ không bết máu. Giống như các nạn nhân trên tàu Hunley, họ chết trong những tư thế dường như rất bình thản, một số vẫn ngồi nguyên trên giường, trên ghế.

Con tàu nạn nhân Housatonic.
Con tàu nạn nhân Housatonic.

Vén bức màn bí mật

Với một chuyên gia về các vụ nổ như Lance, sự giống nhau này khiến bà dần nghi ngờ, rằng các nạn nhân đã tử vong do "thương tích hình thành từ giai đoạn đầu của một vụ nổ".

Lance cho biết, về mặt y học, thương tích do một vụ nổ gây ra thường được chia thành 4 loại. Nạn nhân của một vụ nổ có thể chỉ phải nhận một trong 4 loại thương tích, hoặc sẽ chịu cả bốn loại.

Loại thương tích được chia theo giai đoạn cho dễ đề cập: Giai đoạn đầu tiên, thứ hai, thứ ba và thứ tư. Ba giai đoạn gây thương tích về sau có cơ sở logic, nghĩa là bất kỳ ai cũng hiểu chúng có thể xảy ra trong một vụ nổ và không hề thấy sự vô lý nào.

Trong khi đó, giai đoạn gây thương tích đầu tiên của vụ nổ - giống như chuyện đã xảy ra trong các hầm tránh bom ở Dresden - là một kết quả kỳ lạ, ít ai ngờ tới. Thương tích trong giai đoạn đầu tiên này do sóng xung kích gây ra.

Một sóng xung kích về cơ bản là một dạng sóng chấn động hình thành do áp lực cao và trong những điều kiện nhất định, nó có thể gây tác động khá tồi tệ lên mô người. Sóng xung kích thường hình thành trong một vụ nổ, khi các phân tử khí nằm quanh nguồn nổ bị nén và đẩy đi với tốc độ cực lớn.

Ở hình thức nguyên thủy nhất, sóng xung kích sẽ lập tức đi từ 0 lên tốc độ tối đa mà không mất chút thời gian tăng tốc nào. Giống như một chiếc xe tăng từ 0 lên cả ngàn km/h sau 0 giây vậy.

Con người thường chịu đựng sóng chấn động khá tốt. Nguyên nhân do sóng chấn động truyền đi dễ dàng trong môi trường nước và dịch lỏng lại chiếm một phần khá lớn cơ thể của chúng ta.

Chính các túi khí nằm trong những nội tạng nhất định của cơ thể mới là thứ gây vấn đề. Ví dụ, thành ngực của con người có cấu tạo nhiều dịch lỏng nên sóng xung kích có thể đi qua dễ dàng với tốc độ khoảng 1.540 m/giây. Tuy nhiên khi tới phổi, sóng sẽ vấp phải các túi khí và giảm tốc xuống chỉ còn 30 mét/giây.

Nói một cách khác, một sóng xung kích di chuyển qua cơ thể với tốc độ cực cao, khi tới phổi bỗng phải giảm tới 98% tốc độ. Chuyện giống như một chiếc xe tải phóng hết tốc bỗng đâm phải rào chắn. Chiếc xe tải sẽ lập tức dừng lại, nhưng động năng khổng lồ của nó sẽ phải truyền đi đâu đó, giống như hàng hóa bắn tóe đi khi trong các va chạm giao thông.

Bởi sóng xung kích gặp cản trở trong phổi người, động năng của nó sẽ chọc thủng thành phổi. Máu sẽ phun vào các túi khí nằm trong phổi - thứ giúp chúng ta thở. Người ta sẽ chết ngạt trong máu của mình.

Cơ chế tác động đặc biệt khiến sóng xung kích cũng có khả năng gây tổn thương nặng mô não mà không cần phải làm thủng hộp sọ. Dấu vết để lại chỉ là các tia máu rất nhỏ phun lên vỏ não.

Về lý thuyết, người ta hoàn toàn có thể mất mạng do xuất huyết nội, sau khi bị một đợt sóng xung kích chạy qua người, với lực tác động còn không đủ lớn để lay động cơ thể họ. Không phải lúc nào sóng xung kích cũng có khả năng giết người. Nhưng trong các môi trường kín và vụ nổ xảy ra ở cự ly gần như ở vụ Dresden, khả năng này đã thành hiện thực.

Điều tương tự rất có thể cũng đã xảy ra trong vụ Hunley. Để tìm chứng cứ cho giả thuyết của mình, Lance đã nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia về chất nổ của quân đội.

Bà cho nổ nhiều khối nổ nặng 283 gram cạnh một mô hình tàu ngầm Hunley và đo đạc sóng chấn động hình thành sau những lần đó. Theo dữ liệu thu được, những đợt sóng chấn động hình thành rất giống nhau sau mỗi vụ nổ.

Kết quả phân tích cho thấy rằng, quả ngư lôi đã tạo ra sóng xung kích có tốc độ cực cao xuyên vào và phản xạ lung tung trong lòng tàu ngầm Hunley. Tác động từ sóng xung kích khiến tất cả thủy thủ đoàn Hunley đối mặt với nguy cơ (lên tới 95% theo nghiên cứu) bị chấn thương phổi cực nặng. Điều này đồng nghĩa với việc họ lập tức ngạt thở hoặc ho ra máu và tử vong cực nhanh sau dùng ngư lôi đánh thủng tàu Housatonic.

Nghiên cứu của Lance nhận được sự ủng hộ từ một nghiên cứu trước. Tại đó, người ta thấy rằng dù hộp sọ các thủy thủ tàu Hunley còn nguyên, dấu tích mô não của họ lại có các dấu vết giống như bị xuất huyết. Và như thế, bí ẩn về số phận của con tàu ngầm chết chóc cuối cùng cũng đã có một lời giải hợp lý, nghiêm túc, đầy cơ sở khoa học.

Tường Linh (theo Smithsonian Magazine)
TIN LIÊN QUAN

Sergei Kovalev - Thiên tài thiết kế những tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử

Khánh Minh (Theo Sputnik) |

Dưới sự lãnh đạo của của nhà thiết kế tàu ngầm nổi tiếng Sergei Kovalev, hơn 90 tàu mang tên lửa hạt nhân cho Hải quân Nga đã được chế tạo.

Nga hạ thủy tàu ngầm hạt nhân mang "vũ khí ngày tận thế" siêu mạnh

Thanh Hà |

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi lễ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân mới có khả năng mang các siêu ngư lôi - những "vũ khí ngày tận thế" có khả năng gây ra trận sóng thần thảm khốc.

2 tàu ngầm hạt nhân uy lực gia nhập hạm đội Hải quân Nga

Khánh Minh |

2 tàu ngầm hạt nhân Nga uy lực trang bị tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa hạt nhân Bulava sẽ gia nhập hạm đội Hải quân Nga vào cuối năm nay.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.