Tác phẩm và dư luận

“Hà Nội dấu yêu”: Tập truyện ngắn bằng ảnh của người bát phố

HẢI AN |

Sau nhiều năm lỡ hẹn, cuối cùng cuốn sách ảnh về “Hà Nội yêu dấu” của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo cũng ra mắt bạn đọc.

Ảnh của Nguyễn Hữu Bảo không đơn giản, không phải vì kỹ thuật phức tạp, mà giống với những bức ảnh trong các triển lãm trước (“Ký ức làng” hay “Ký ức phố”) của anh, nó mang đến cho người xem những câu chuyện nhiều suy ngẫm mà không phải ai cũng dễ đọc ra.

Trong lời bạt của cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: Có thể nói cuốn sách là “tập truyện ngắn về Hà Nội”. “Tập truyện” gần 200 trang với 198 bức ảnh chân thực nhất kể 10 câu chuyện biết nói về Hà Nội: Câu chuyện quanh Hồ Gươm, cầu Long Biên, “xứ hoa đào”, Hà “Lội”, ma nơ canh, nhà cổ, giấc mơ trưa, người thành phố, giá trị tinh thần và muôn màu cuộc sống. Nhưng câu chuyện hình ảnh ở đây không phải là truyện văn học, không chờ qua mào đầu và hết đoạn kết để biết kết thúc, mỗi bức ảnh đã đủ sức kể chuyện của chính mình. Vì vậy, cũng có thể nói, cuốn sách ảnh là tập truyện mà mỗi truyện trong đó lại là câu chuyện đa câu chuyện.

 

 Phố Lương Ngọc Quyến.

Có những câu chuyện xảy ra đã lâu (37 năm trước) mà tưởng như mới ngày hôm qua. Có câu chuyện mới ngày hôm qua mà tưởng như đã từ lâu lắm. Nguyễn Hữu Bảo kể chuyện có duyên vì anh biết cách làm “nhòe” khoảng thời gian mà sự vật và con người hiện hữu thông qua chất liệu ảnh đen trắng. Anh quan niệm “sự chân thực là điều kiện hàng đầu trong nhiếp ảnh” và ảnh đen trắng với sắc độ đậm - nhạt có sức mạnh diễn tả hiện thực một cách siêu thực nhất tâm tưởng con người, diễn tả đúng nhất về chân dung tinh thần anh. Một người sinh ra ở Hà Nội, “tập đi ở Hồ Gươm” - nói như nhà thơ dân gian Bảo Sinh, anh là: “Con người Hà Nội của Hà Nội”.

 

Cô bán muối - sáng mùng Một Tết. 

Người Hà Nội xưa thích bát phố (đi chơi lang thang trong phố theo lối “vô sở cầu”). Gần nhất với phố Hàng Đào nơi anh sống là Hồ Gươm, là 36 phố phường, đi về phía Tây là xứ đào Nhật Tân nức tiếng, sang phía Đông thì qua cầu Long Biên bắc trên sông Hồng. Chụp về những địa điểm ấy cũng là trên hành trình bát phố của nhà nhiếp ảnh. Anh không lên ý tưởng, không đặt ra những tình huống, kịch bản để thực hiện. Chính Hà Nội - một cái làng va đập cả hai nền văn hóa Đông - Tây đã là một hiện thực sinh động, gặp một “siêu thực” trong tâm hồn một người Hà Nội tạo thành những tư liệu hình ảnh đáng quý.

Hữu Bảo kỹ và nhạy cảm trong nhiếp ảnh. Anh thấy rất nhanh câu chuyện khi chúng xảy ra trước mắt mình để không bỏ lỡ thời cơ bấm máy, nhưng anh cũng rất kiên nhẫn chờ khoảnh khắc để ghi chúng lại một cách đắt giá nhất. Lấy ví dụ bức ảnh “Đường đua” anh chụp năm 2010: Ghi lại cảnh một đoàn đua xe đạp ở Bờ Hồ. Đoàn đua chuyển động rất nhanh (người và xe nhòe mờ) nhưng nền bức ảnh là cây đa cổ thụ phía sau được lấy nét rõ. Đáng nói hơn, bên cạnh gốc đa đó là một bến chờ xe buýt có in hình cô gái đang ngủ. Nguyễn Hữu Bảo đã chờ đến vòng đua thứ tư để chụp được bức ảnh tốt nhất (sau vài lần bấm máy ở vòng đua đầu không ghi được đầy đủ các chi tiết đó) để tăng tương quan tĩnh và động trong ảnh. Hoặc trong câu chuyện về manơcanh - “một sản phẩm mà hình hài giống con người nhất”, anh đã dẫn: “Sẽ là khôi hài nếu so sánh cách ứng xử của người đời - những manơcanh dương (người mẫu thời trang) với người mẫu thời trang âm (ma nơ canh). Nhưng không ít những hình ảnh manơcanh trên đường phố khiến ta rất dễ liên tưởng tới một kiếp người…”. Với anh, cái cách con người đối xử với manơcanh (như đã ghi trong ảnh), dù vô tình hay hữu ý, trưng dụng hay vứt bỏ, đó không còn nằm ở vật có tên gọi manơcanh nữa, đó là văn hóa của con người…

Nhưng chuyện Hồ Gươm, chuyện cầu Long Biên, chuyện hoa đào Nhật Tân hay chuyện nhà cổ, chuyện Hà “Lội”, chuyện manơcanh… với Nguyễn Hữu Bảo không phải để “nói ca ngợi hay phê phán” mà chỉ là “cái Hà Nội của tôi nó thế. Nó như hơi thở, có lúc khỏe mạnh, có lúc ốm đau”. Anh “kể” bằng nhiều cung bậc: Thâm trầm, hóm hỉnh, suy tư… với đủ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khôi hài… song “người đọc” không thấy “rát mặt” hay cáu gắt. Dù chính anh cũng có lúc “không dám nhận mình là Hà Nội”, vì xấu hổ với kiểu “phở quát, cháo chửi”, với những mặt trái của nó.

 

 Phố Hàng Đào.

Đời sống luôn vận hành với những tương phản, đối nghịch tự thân. Nguyễn Hữu Bảo là người kể chuyện rất tinh khi luôn đặt những tương phản, đối nghịch đó trong ảnh của mình, ở trong Hà Nội. Giữa già và trẻ, tĩnh và động, trên và dưới, mới và cũ, xưa và nay… người xem cũng đủ cảm nhận Hà Nội đổi thay. Hữu Bảo hiểu quy luật tất yếu này, nhưng với anh, dù thế nào thì “tôi yêu nó, vì nó là hơi thở của tôi”.

Có lẽ cũng hiểu được điều ấy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tặng chữ “Hà Nội yêu dấu” cho nhà nhiếp ảnh thay vì cái tên ban đầu “Thành Đô yêu dấu” anh đề xuất. Trong lời mở đầu cuốn sách, hai lần nhà văn nhắc lại chữ “yêu dấu” một cách thiết tha và đầy độ lượng: “Chúng ta phải trở về với mặt đất của chúng ta với các hệ lụy của nó, an nhiên và không ảo tưởng. Chúng ta hãy bằng lòng với những thứ chúng ta đang có ở trong tầm tay. Chúng ta hãy yêu dấu nó, yêu dấu Thủ đô Hà Nội như yêu dấu chính những người thân ruột thịt của chúng ta”. Người đọc có lẽ cũng chia sẻ với nhà văn và nhà nhiếp ảnh mà càng trân quý “Hà Nội yêu dấu”, cho dù khi xuất hiện trên tay, cuốn sách được mang cái tên là “Hà Nội dấu yêu. Chúng ta cùng chờ “Hà Nội yêu dấu” quyển 2 tiếp nối, với tình yêu thủy chung “hơi thở - Hà Nội” này.

HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Lý do Bộ Giáo dục đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất

Vân Trang |

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cập nhật giá vàng sáng 27.9: Vàng nhẫn hừng hực tăng

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 27.9: Đà tăng giá của vàng chưa dừng lại. Vàng nhẫn tròn trơn 9999 phá đỉnh mới 83 triệu đồng/lượng.

Tại sao Man United từng từ chối Ivan Toney?

An An |

Ivan Toney từng được coi là bản hợp đồng lý tưởng với Man United nhưng cuối cùng, thương vụ này vẫn không thể xảy ra.

Chuyện về cô gái khiếm thính ở Việt Nam giành học bổng Mỹ

ĐÔNG DU |

Chương trình "Đời rất đẹp" mới đây kể lại câu chuyện về chị Nguyễn Trần Thủy Tiên - người nhận học bổng toàn phần ở Mỹ và trở về cống hiến cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam.

Cục Thuế Bình Định cưỡng chế nợ thuế đối với Bamboo Airways

Hoài Phương |

Theo Cục Thuế tỉnh Bình Định, trường hợp Bamboo Airways không nộp đủ số tiền thuế nợ, Cục sẽ cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty này.

Thêm một thi thể mất tích tại Làng Nủ được tìm thấy

Đinh Đại |

Lào Cai - Sau hơn 2 tuần tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy một thi thể mất tích do lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Cho thôi Đại biểu Quốc hội đối với Phó Bí thư Lâm Đồng

Lan Nhi |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn.

Hiện trường cướp ô tô gây tai nạn liên hoàn ở Cần Thơ

QUANG PHƯƠNG |

Cần Thơ - Một đối tượng nghi sử dụng ma túy đã cướp ô tô tải gây tai nạn liên hoàn tại khu vực trước cổng Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.