Đi dọc phố Hàng Mã (TP.Hà Nội), phố chuyên bày bán đồ chơi cho con trẻ, chỉ thấy la liệt những trò chơi hiện đại hoặc những đồ chơi bạo lực. Nằm khiêm tốn ở một góc khuất trên một cửa hàng bán đồ chơi là những chiếc mặt nạ giấy bồi rực rỡ sắc màu. Hỏi chị bán hàng, chị chỉ trả lời bâng quơ: “Hàng này do vợ chồng ông Hòa ở Hàng Than làm ra, ít người mua, kén khách lắm!”.
Ngoằn nghèo trên con ngõ 73 chật hẹp ở phố Hàng Than rồi chúng tôi cũng tìm đến nhà chủ nhân của những chiếc mặt nạ giấy bồi. Trên căn gác nhỏ chỉ chừng 15m2, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa đang cặm cụi vẽ mặt nạ. Biết khách đến tìm hiểu, ông Hòa nâng chén chè mạn, nét mặt như giãn ra, cười nói: “Các chú có biết không, đã có thời kỳ, vợ chồng tôi nghĩ sẽ thôi không còn làm nghề nữa vì không có khách mua. Thế nhưng đã “phải lòng” với nghề rồi thì khó mà “chia tay” nó được”. Rồi ông chỉ sang phía bà Lan - vợ mình - khẳng định: “Nghề này tôi được học từ ông bố vợ, tôi thấy phù hợp với mình, nên theo nghề đến giờ...”. Ông Hòa bỏ lửng câu nói, rồi đưa những nét vẽ phóng khoáng lên chiếc mặt nạ hình chú Cuội miệng đang toe toét cười ngộ nghĩnh.
Mấy chục năm nay, vợ chồng ông chỉ làm những chiếc mặt nạ hình Lạc Long Quân, chú Tễu, chú Cuội, Hổ, Thị Nở... mà không làm mặt nạ hình dạng khác. Đã có nhiều người đặt hàng ông làm những mặt nạ có hình thù kỳ quái, bạo lực với giá gấp đôi, gấp ba nhưng ông từ chối. Ông bảo rằng: “Nếu vì tiền, tôi không làm nghề này. Tôi chỉ muốn thấy lại những mùa trung thu cổ xưa, như chính bố vợ tôi, người đã truyền nghề cho tôi bảo rằng: Những chiếc mặt nạ dân gian này, không chỉ cho con trẻ chơi mà còn chứa nhiều bài học có giá trị, giáo dục con trẻ từ những nhân vật trong cổ tích, truyền thuyết, hướng trẻ con đến cái thiện”. Bà Đặng Hương Lan - vợ ông - tiếp lời: “Tôi cam đoan với anh rằng, trẻ em hôm nay không phải cháu nào cũng biết đến những nhân vật dân gian, trong truyện cổ tích hoặc truyền thuyết của Việt Nam mình”.
Không tổ chức nào phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho vợ chồng ông, nhưng những người già ở phố Hàng Than vẫn gọi vợ ông là “nghệ nhân vẽ mặt nạ”. Từ khâu tự làm khuôn, lấy bìa giấy carton bồi lên khuôn, pha sơn, vẽ mặt nạ, vợ chồng ông chỉ từng ấy công việc lặp đi, lặp lại cặm cụi làm đã 30 năm có lẻ. Mùa đông thì vợ chồng ông tỉ mẩn bồi giấy vào khuôn, mùa xuân đem phơi cho khô, mùa Hè thì vẽ và đến rằm trung thu thì bán. “Nếu hai vợ chồng trong năm mà không ốm đau bệnh tật gì thì một năm chúng tôi cũng chỉ làm tối đa được khoảng 2.000 chiếc mặt nạ. Như năm ngoái, chúng tôi bán buôn từ 15-25.000 đồng/ chiếc mặt nạ tùy lớn bé. Tính tiền chi phí ra, cũng chỉ lấy công làm lãi. Nhưng kỳ lạ, càng làm mặt nạ, vợ chồng chúng tôi càng trẻ khỏe ra, càng vẽ thì thấy sắc màu trên từng chiếc ngày càng tươi vui hơn, như có hồn cốt hơn. Tôi vẽ ra như thấy chiếc mặt nạ nào cùng đang cười” - ông Hòa say chuyện về nghề.