Tôi đã nghe “Cõng mẹ về trời” với âm hưởng ca trù tha thiết và đầy cảm xúc chị vừa phát hành nhân mùa Vu Lan. Để bắt đầu cuộc trò chuyện, xin hỏi, với cá nhân chị - điều muốn tri ân nhất, linh thiêng nhất trong tình mẫu tử là gì?
- Nếu với người mẹ, điều thiêng liêng nhất là giây phút con cất tiếng khóc chào đời thì với tôi khi nhìn về mẹ, tôi muốn tri ân nhất là sức khỏe dành cho mẹ bởi thời gian cứ dần lấy đi sự sắc sảo, nhanh nhẹn của bà.
Tôi không muốn nói nhiều về sự hy sinh của những người mẹ bởi đó là sứ mệnh của phụ nữ khi sinh con. Tôi muốn thể hiện trách nhiệm, tình yêu thương với đấng sinh thành từ những điều nhỏ nhất.
Đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức và là thước đo nhân cách con người, cũng là ý thức, tình cảm ứng xử của con cháu với cha mẹ.
Để sống đúng đạo làm con cho vuông tròn rất khó thế nên đừng qua loa trong việc chăm lo cho cha mẹ.
“Cõng mẹ về trời” lấy chủ đề đặc biệt, khác với những ca khúc khác về mẹ, khi nhắc đến giây phút “sinh ly tử biệt” của mẫu tử. Với hành trình cuộc đời một con người, giây phút sinh ly tử biệt với cha mẹ - luôn là ký ức đau buồn nhất, khó vượt qua nhất, gây tổn thương tâm lý kéo dài, có thể đến hết cuộc đời. Vì sao chị muốn “tái hiện” bằng âm nhạc giây phút này?
- Đạo hiếu là bài học chúng ta phải đi hết cuộc đời. Vu Lan chỉ là dịp để mọi người cùng lan toả nhiều hơn tinh thần này nhằm động viên đấng sinh thành và kết nối tình cảm gia đình. Cái duyên với nhà thơ Khánh Dương đã làm nên một "Cõng mẹ về trời" trọn vẹn về ca từ và giai điệu khiến tôi tự tin muốn giới thiệu tác phẩm đến công chúng và tất nhiên không có dịp nào phù hợp hơn Lễ Vu Lan.
Với những người đã đi qua sinh ly tử biệt, họ kể, giây phút ấy nỗi đau lớn đến mức không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Với âm nhạc có đủ sức an ủi không, theo chị?
- Tôi may mắn được giác ngộ sớm về quy luật luân hồi trong tư tưởng nhà Phật nên nhiều năm nay luôn dành thời gian hiếu kính cha mẹ để không có gì phải nuối tiếc nếu đến thời khắc từ biệt họ, và xác định ngày ấy đến cũng là để gặp lại nhau ở một cảnh giới khác hoặc một kiếp khác tốt đẹp hơn.
Điều này không dễ dàng xác định mà phải dành nhiều tâm tư, tình cảm và cả sự hy sinh thậm chí tu luyện. Cuộc sống đã cuốn chúng ta cứ bước đi mà lười ngoảnh lại. Ai cũng trưởng thành, lập gia đình và sống cuộc đời của mình nên hầu hết là chúng ta sống cho bản thân. Có người mỗi năm chỉ về thăm cha mẹ một đôi lần do hoàn cảnh, điều kiện sống. Một ngày giật mình thức tỉnh muộn màng thì sự nuối tiếc đau buồn sẽ nhân lên, nỗi đau cũng vì thế mà cùng cực.
Tôi tránh cho mình phải ân hận bất cứ điều gì trong cuộc sống đặc biệt với cha mẹ, nên đã làm những điều cần thiết cho họ và cũng là cho mình. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về cả sự sống và cái chết. Tôi cũng bàn với cha mẹ về nguyện vọng của họ khi thác đi muốn được "mồ yên mả đẹp" theo hình thức nào và ông bà rất hào hứng với việc đó, không hề lo sợ.
Âm nhạc có một sức mạnh vô hình và tôi có thể chắc chắn rằng, "Cõng mẹ về trời" sẽ là khúc tiễn đưa tuyệt vời nhất tôi sẽ hát cho mẹ vào thời khắc chia ly, và tôi tin mẹ sẽ ngậm cười lúc ấy.
Mùa Vu Lan, ai còn cha mẹ thì cài lên ngực hoa đỏ, ai mất cha mẹ cài hoa trắng, chỉ riêng là màu hoa đã khiến nhiều người rưng rưng, thương nhớ. Quan niệm của chị về Vu Lan?
- Tôi không quá chú trọng về hình thức nhân mùa Vu Lan vì cha mẹ thích những điều giản dị và tôi cũng chăm lo cho ông bà những điều thiết thực nhất như những món ăn tốt cho sức khoẻ hàng ngày, nơi ăn chốn ở tiện nghi dù ở nhà hay đi bất cứ đâu, khi di chuyển đi lại thì phương tiện thế nào... và anh chị em tôi đều chung tay mỗi người một việc lo cho cha mẹ những điều đó.
Nhưng tôi thích tinh thần của Vu Lan bởi nó nhắc nhở chúng ta biết quý trọng từng thời khắc bên cha mẹ và giá trị nhân văn trong đạo Phật được lan tỏa tới mọi người mạnh mẽ hơn.
Chị có thể chia sẻ câu chuyện, hoặc những ký ức, kỷ niệm mà chị nhớ nhất, luôn khiến chị cảm động nhất khi nghĩ về cha mẹ?
- Hình ảnh cha mẹ lam lũ khi vào mùa thu hoạch hay mỗi vụ cấy cày luôn khiến tôi xúc động mỗi lần nhớ đến. Vất vả là thế nhưng mẹ không bao giờ quên con cái ăn uống hay đến trường. Nhà đông con, lo cho cái ăn đã khó, lại còn đủ thứ trang trải cho 5 anh em tôi đi học nhưng trong gia đình vẫn luôn có đầy đủ sự nghiêm khắc và tình yêu thương. Cha mẹ cũng đặt cho chúng tôi một nền móng của sự hiếu kính đó là đưa kinh phật về nhà và hình ảnh họ cùng nhau đọc những bài kinh sáng sớm đã hun đúc trái tim tôi biết thấu hiểu lẽ phải sớm hơn.
Đi qua sóng gió, đổ vỡ, suy nghĩ của chị có thay đổi về góc nhìn gia đình, hôn nhân?
- Tôi luôn tin đời người có số phận. Có những việc đã được an bài và hãy bằng lòng để luôn nhẹ nhõm. Hãy sống tốt, tự điền vào lá số của mình những điều hay lẽ phải thì trang sách cuộc đời sẽ rộng mở mà sống an nhiên hơn.
Tôi có đã có mái ấm tuổi thơ trọn vẹn nên khi trưởng thành có khuyết ở đâu cũng là công bằng. Tôi nghĩ số phận của mình mãi được bé nhỏ trong vòng tay cha mẹ cùng các anh chị em và phải đủ từng ấy đôi tay mới làm tôi ấm áp được thế nên dù có trôi dạt đến bến nào thì vẫn lại về với đại gia đình để được chở che và yêu thương. Vậy nên hôn nhân giờ đây là một hạt cát trong tâm tư của tôi. Tôi không ngưỡng vọng điều gì cả vì mọi thứ mình có đều như những món quà mà cuộc sống đã quá ưu ái cho tôi rồi.
Âm nhạc của Phạm Phương Thảo mang âm hưởng dân gian rõ nét. Bàn xa hơn về câu chuyện âm nhạc, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang có chiến lược công nghiệp hóa với tham vọng đưa âm nhạc Việt Nam (trong nhóm ngành Nghệ thuật Biểu diễn) bước ra thế giới. Góc nhìn của chị về vai trò của âm nhạc dân gian mang đậm bản sắc văn hóa trước chiến lược công nghiệp hóa?
- Âm nhạc là cầu nối tuyệt vời để gắn kết tình hữu nghị và lan toả văn hoá. Nghệ sĩ các nước có những thành tựu lớn từ nghệ thuật thì cũng đều mang bản sắc văn hoá của quê hương họ đến với thế giới. Văn hoá dân gian trong âm nhạc Việt rất đa sắc và ấn tượng. Nếu có một cú hích và chiến lược cụ thể thì tôi tin lựa chọn âm nhạc dân gian là hướng đi đúng đắn nhất cho cánh cửa mở ra thế giới của nghệ thuật nước nhà.
KPop và xu hướng âm nhạc hiện đại, "bắt trend" đang khuynh đảo thế giới. Chị có nghĩ đến sự “tấn công” của nó đến âm nhạc dân gian?
- Mọi thứ đều có thể thử nghiệm và bung ra mạnh mẽ trong xã hội hiện đại và âm nhạc luôn là lĩnh vực đầu tiên bởi nó dễ lan toả và tạo hiệu ứng. Nhiều ngôi sao đã tạo được "trend" và chúng thực sự xứng đáng dẫn đầu. Âm nhạc dân gian rất nhiều điều hay để khai thác nhưng hạn chế về việc phải giữ gìn thuần phong mỹ tục cũng như bó buộc giới hạn sáng tạo. Tuy nhiên thị trường âm nhạc hiện tại cũng có nhiều ca sĩ đã thành công với những sản phẩm đáng ghi nhận. Tôi tin ở trí tuệ và sự dấn thân của các bạn trẻ, một thời gian nữa chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều hơn những "hot trend" dành cho âm nhạc dân gian.
Phạm Phương Thảo ở cuộc sống hiện tại với hình ảnh ung dung trong khu vườn 8.000m2 ở ngoại thành Hà Nội, sẽ có người đặt câu hỏi về sự giàu có của chị, chị có ngại?
- Cứ quan tâm đến nhau thì giàu nghèo gì cũng được đặt câu hỏi hết thôi. Ai thắc mắc gì cứ hỏi thẳng tôi không ngại đâu. Những gì tôi có hôm nay có thể nói "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ" là không ngoa. Lắm lúc tôi cũng ngửa mặt lên hỏi ông Trời: "Sao con được nhiều đến thế?". Tôi không biết về việc kiếm tiền nhưng lại quá may mắn khi có cuộc sống tự tại như bây giờ là may mắn nên tôi biết ơn số phận và quý trọng cuộc sống nhiều hơn.
Nếu được hỏi thẳng thắn, là ca sĩ hát dòng nhạc dân gian có giàu không, chị sẽ trả lời thế nào?
- Khái niệm giàu của chị ở định mức nào? Ví như tôi có mảnh đất ngoại ô và ra đây sống ung dung thì mọi người thấy là giàu có và tôi cũng thấy thế là đủ đầy lắm rồi. Tuy nhiên đồng nghiệp tôi nhiều người còn có nhiều hơn thế nhưng họ chọn sống nội thành để chủ động công việc và cuộc sống riêng bởi vẫn muốn lao động nhiều hơn nữa. Với tôi, cứ vừa đủ đã là giàu có về tất thảy.