Phong trào thi đua yêu nước - sức mạnh tổng hợp của dân tộc

TS. Nguyễn Hữu Mạnh |

Để tăng cường nội lực, tận dụng tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã chủ trương khởi xướng phong trào Thi đua yêu nước trên toàn quốc. Phong trào này là một chủ trương lớn, có tác động mạnh mẽ đến cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Hoàn cảnh ra đời của phong trào Thi đua yêu nước

Ngay khi bùng nổ cuộc kháng chiến chống Pháp, đã xuất hiện các phong trào thi đua tại một số địa phương, thậm chí có quy mô tương đối lớn, như phong trào “Giờ làm cứu nước”, phong trào “Gây cơ sở phá kỷ lục” và phong trào “Luyện quân lập công” do Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động...

Thực hiện chiến dịch Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Việt Bắc nhằm tiêu diệt Chính phủ kháng chiến của chúng ta, với hi vọng nhanh chóng sớm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng với tinh thần vượt khó, quyết tâm kiên cường và lòng dũng cảm, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tấn công của Pháp, bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, giữ vững căn cứ địa kháng chiến. Tuy nhiên, “chiến tranh thực sự sẽ diễn ra khắp nước”, bởi vậy phải động viên sức mạnh của toàn dân để tiếp tục phát triển cuộc kháng chiến kiến quốc. Khẩu hiệu trung tâm lúc này là “tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc”.

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân”.

(Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Hồ Chí Minh)

Sau khi chúng ta đạt được một chiến thắng lớn và trong tình hình đất nước còn đầy khó khăn, với các vấn đề như thiếu thức ăn, thiếu quần áo và thiếu vũ khí để chiến đấu, vào ngày 27.3.1948, theo ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát đi Chỉ thị "Phát động phong trào thi đua yêu nước" trên toàn quốc, nhằm khích lệ toàn dân nâng cao tinh thần cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. “Mục đích của thi đua ái quốc là làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.

Triển khai Chỉ thị này của Ban chấp hành Trung ương Đảng, vào ngày 1.5.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước”. Đến ngày 11.6.1948, một lần nữa, để thi đua yêu nước trở thành phong trào “ăn sâu, lan rộng” từ cán bộ, chiến sĩ đến các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đưa ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” gửi đến toàn quân và toàn dân. Ngày này, đã trở thành ngày kỷ niệm cho phong trào thi đua yêu nước hàng năm.

Trong đó, Người nói mục đích Thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”, cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để tạo dựng hạnh phúc cho nhân dân. “Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh: Bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ, già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.

Trong Hồ Chí Minh toàn tập, Người cho rằng: “Trong cuộc Thi đua ái quốc chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc là toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc; toàn dân sẽ biết đọc, biết viết, toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm; toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn... Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn theo dõi và chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước sau khi phát đi "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc". Từ năm 1948 đến 1969, với tư cách là Chủ tịch nước, Người đã thường xuyên đề cập đến vấn đề thi đua yêu nước trong các dịp như chúc Tết, thăm viếng, các bài viết và diễn thuyết tại các cuộc họp của Đảng, Chính phủ. Người cũng thường nhắc đến thi đua và khen thưởng trong các hội nghị và đại hội thi đua Toàn quốc. Thông qua các sắc lệnh, hơn 30 bài viết và diễn thuyết tại các cuộc họp thi đua và hội nghị khác, có thể khẳng định rằng, thi đua và khen thưởng là một phần không thể thiếu trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy tình yêu nước và tự hào dân tộc, từ đó đẩy mạnh sự phấn đấu của người dân Việt Nam cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo chủ nghĩa xã hội. Phong trào thi đua yêu nước thực sự trở thành động lực thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên và hoàn thành tốt các mục tiêu Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và mỗi đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ chỉ biến thành sức mạnh một khi nó đi vào cuộc sống và được nhân dân ủng hộ, thực hiện. Trong suốt chiều dài của sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, Người luôn kêu gọi thi đua và gắn thi đua với những mục tiêu cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người coi thi đua phải dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân”, thực hiện nhiệm vụ “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” để đạt mục tiêu “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc” và “Động viên lực lượng và tinh thần, Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi”.

Dù công việc hết sức bận rộn, Bác Hồ luôn theo sát thực tiễn phong trào thi đua yêu nước và có những chỉ đạo, uốn nắn kịp thời về nhận thức và cách làm. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc (13.8.1962). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Dù công việc hết sức bận rộn, Bác Hồ luôn theo sát thực tiễn phong trào thi đua yêu nước và có những chỉ đạo, uốn nắn kịp thời về nhận thức và cách làm. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc (13.8.1962). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1.5.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, Thi đua là tinh thần quốc tế, Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình thế giới, Thi đua cải tạo con người”. Câu nói của Người: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” trở thành bất hủ đối với chúng ta khi nói đến phong trào thi đua, khen thưởng.

Đến thời kỳ cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của thi đua, Người khẳng định: “Trên mọi lĩnh vực hoạt động ở miền Bắc, phong trào thi đua yêu nước đang động viên nhân dân ta phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo, xây dựng hàng nghìn tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa...”, đồng thời Người kêu gọi đồng bào miền Bắc “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Thi đua yêu nước: động lực của sự nghiệp cách mạng

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” - đây là quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua. Người thấu hiểu rằng, chỉ khi kết hợp phong trào thi đua với tình yêu đất nước, chúng ta mới có thể khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia và biến thành nội lực, động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sự nghiệp cách mạng. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành một cuộc vận động được triển khai, đẩy mạnh trên toàn quốc, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân từ khắp mọi miền đất nước, góp phần quan trọng trong tổng hợp sức mạnh toàn diện cho cuộc kháng chiến. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, mọi lực lượng xã hội, mọi tiềm năng cách mạng của nhân dân ta đã được huy động, tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn cho cuộc chiến tranh nhân dân, đưa cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từng bước đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong bối cảnh đất nước đầy khó khăn và gian khổ, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành một “sáng kiến vĩ đại” và “một phép màu nhiệm”, biến ưu thế chính trị và tinh thần thành một lực lượng vật chất to lớn; biến đường lối và quyết tâm kháng chiến của Đảng trở thành hành động chiến đấu và lao động của hàng chục triệu người dân trên các mặt trận kháng chiến. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao mới, trở thành một phẩm chất đạo đức mới, thành phẩm chất tốt đẹp trong hàng triệu con người từ tiền tuyến đến hậu phương, trên tất cả các mặt trận từ chiến đấu đến sản xuất và học tập, tạo dựng lên “dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân”, “mẹ Suốt bên bờ sông xanh”...

Trong suốt 75 năm qua, phong trào thi đua đã luôn đi đôi với nhiệm vụ cách mạng ở từng thời kỳ, trở thành công cụ thiết thực để phát triển xã hội và đóng góp tích cực vào xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới trong xã hội chủ nghĩa. Các phong trào thi đua đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử cách mạng của dân tộc, như: “Hũ gạo kháng chiến”, “áo ấm chiến sĩ”... trong cuộc kháng chiến chống Pháp; “Sống Duyên Hải, Gió Đại Phong”, “Trống Bắc Lý”... trong phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... ở miền Bắc; phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong các phong trào thi đua đó, hàng chục triệu lượt người đã được khen thưởng, trong đó có những danh hiệu cao quý như: “Chiến sĩ thi đua”, “Anh hùng Lao động”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”... Đồng thời, phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hậu phương vững mạnh ở miền Bắc và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (tháng 6.1998), về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đánh giá văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu, cũng như động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết này đặt ra 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp quan trọng cần được tiến hành ngay để xây dựng và phát triển văn hóa. Trong số đó, nhóm giải pháp quan trọng nhất là “Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đây là tiền đề quan trọng để vào năm 2000, Chính phủ phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên phạm vi toàn quốc. Hơn 20 năm qua, phong trào thi đua yêu nước kết hợp với Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thuận ý Đảng, hợp lòng dân đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn lan tỏa trên phạm vi cả nước, đạt được nhiều thành tựu đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Gần đây, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển và xây dựng đất nước, đặc biệt là việc thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Trong Nghị quyết của Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội... Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, phong trào thi đua yêu nước vẫn luôn được xem là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đất nước, đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

TS. Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Lâm Điền |

Hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do LĐLĐ TP Rạch Giá (Kiên Giang) phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Phát động thi đua kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

PHẠM ĐÔNG |

Chiều 27.4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022, phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự hội nghị.

Tổ chức kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

THEO CHINHPHU.VN |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 11.4.2023 phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948-11.6.2023).

Cập nhật giá vàng sáng 23.9: Vàng nhẫn tăng cao kỷ lục

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 23.9: Kim loại quý đang neo ở ngưỡng kỷ lục nhiều tuần. Trong nước giá vàng nhẫn tròn trơn lên tới 80,5 triệu đồng/lượng.

Ngập lụt cục bộ, hơn 10.000 học sinh Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 23.9, tại Hà Tĩnh có mưa to gây ngập cục bộ một số tuyến đường nên đã có hơn 10.000 học sinh được cho nghỉ học.

Vụ phụ huynh “sợ” các khoản thu đầu năm: Kiểm điểm cô giáo

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Sau khi phụ huynh tại một trường tiểu học (ở thị xã Nghi Sơn) bức xúc, "thấy sợ" về các khoản thu đầu năm học, nhà trường đã kiểm điểm một cô giáo.

Hòa Bình di dời khẩn cấp người dân trong đêm, tránh sạt lở

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Tối 22.9, người dân ở tổ 1, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở.

BRICS có khả năng trở thành khối lớn nhất hành tinh

Khánh Minh |

23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trước hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024.

Hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Lâm Điền |

Hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do LĐLĐ TP Rạch Giá (Kiên Giang) phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Phát động thi đua kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

PHẠM ĐÔNG |

Chiều 27.4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương kết quả phong trào thi đua năm 2022, phát động đợt thi đua cao điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự hội nghị.

Tổ chức kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

THEO CHINHPHU.VN |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 11.4.2023 phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948-11.6.2023).