Ở chốn lao xao

Quy hoạch cái mặc đẹp

NGUYỄN BỈNH QUÂN |

Có nhà thiết kế nổi tiếng hướng dẫn đàn ông mặc áo dài ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM). Có nhà ngoại giao đẹp trai cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật thâm hậu mặc áo dài ở đình to kêu gọi nam nhi nên mặc áo dài.

Chưa là quốc phục cũng nên mạnh dạn mặc. Chỉ mất ba lớp: Một lớp áo cánh + quần ta hoặc quần tây, một lớp áo dài lót và một lớp áo dài ngoài. Chú ý là áo cánh có hai túi nhỏ ẩn phía trong để đựng điện thoại, ví tiền cùng giấy tờ tùy thân. Có rất nhiều nhà thiết kế cách tân áo dài nam và tuyên bố chúng (các mẫu do các anh siêu mẫu trình diễn ở Văn Miếu hoặc Lăng Ông) là thuần Việt, trông rõ ràng không ra Hàn, chẳng Nhật mà cũng không Ấn, không Hoa. Vì họ may áo sáu thân còn áo thuần Việt là năm thân - đố biết là thế nào và ra làm sao!

Nhà trường kêu con gái tôi nộp đồ làm từ thiện giúp các bạn nghèo ở đâu đó. Chú thích rằng, trường không nhận quần áo. Tốt nhất là nộp 20.000 đồng. Cô giáo giải thích rằng: Người nghèo bây giờ cũng không thiếu quần áo. Đưa tiền các bạn nghèo sẽ tiện chi dùng, có mua áo cũng mua được đồ đẹp theo sở thích. Rõ ràng nhu cầu mặc đẹp đã là của toàn dân. Ngành thời trang thuộc nhóm ngành sôi nổi đột phá nhất cùng các Nhà thiết kế (NTK) tầm quốc tế, khu vực. Đội ngũ người mẫu và siêu mẫu rất hùng hậu, khuấy đảo mạng xã hội, truyền thông đã thành một trụ cột của showbiz cũng như các vấn đề về giới, chuyển giới, đồng tính v.v và v.v… May mặc là ngành đột phá đi đầu trong xuất khẩu dù chủ yếu là gia công theo mẫu mã được yêu cầu. Các nghề dệt truyền thống được trưng ra làm đồ du lịch và hầu như việc xem người thiểu số dệt vải, chụp ảnh với họ mặc váy áo, khố, khăn… truyền thống là bắt buộc với 10 triệu du khách tới Việt Nam.

Nếu ăn ngon là đỉnh cao văn hóa Việt thì mặc đẹp không phải thế mạnh của dân mình. Đại chúng thì kiểu dáng, vật liệu rất nghèo nàn, bất biến cả trăm năm, lại còn bị các quy chế Khổng học, triều đình hủ lậu kìm kẹp mất tự do. Cho tới những năm 1970 còn có những chế tài về mặc như cấm quần loe, quần bò, tóc dài… Quan phục, lễ phục thì rất lai căng rườm rà, sặc sỡ, bất tiện. Người Việt mặc xấu đã là một mặc định. Thế nên bài toán của cái mặc khác bài toán cái ăn. Không lo chuyện an toàn mà thực sự chỉ chú trọng về cái đẹp. Trừ mấy vụ chế tài vì phản cảm do để hở quá nhiều da/ thịt, trình diễn quá gợi dục (cảm) còn thì tất cả mọi nỗ lực cải cách, sáng tạo về mặc cho nam và nữ đều được hoan nghênh.

May thay có hai điểm sáng mang tính biểu tượng và thương hiệu là cái nón lá và cái áo dài nữ. Dù thực ra chẳng mấy ai còn dùng hai thứ này hàng ngày nữa chúng vẫn mang nghĩa văn hóa cao. Có cả một Hội áo dài quốc gia, một bảo tàng áo dài, lại có Ngày hội áo dài, phong trào Thành phố áo dài và mấy tòa nhà chọc trời được duyệt phương án thiết kế và xây dựng nhờ kiến trúc sư yêu nước đã khôn khéo “mô phỏng tà áo dài bay trong gió” trên mặt tiền của công trình!

Cuộc vui tìm cái đẹp “thường phục” là trăm hoa đua nở và hội nhập hoàn toàn với việc nhái nhại mẫu mã ngoại, chạy theo, cập nhật các xu hướng thời sự được ban ra từ hai ba trung tâm thời trang và năm bảy nhà may thương hiệu quốc tế. Việc các nhãn hàng hiệu thành công ở ta đã là một chỉ số phát triển kinh tế. Các “sao” đã có thể mặc cái váy triệu đô nếu có một bạn trai là đại gia cao tuổi. Người ta sẽ bàn tán về cái váy ấy sôi nổi hơn về cô gái và bạn trai cô ấy. Mặc theo chức năng (công sở, đồng phục học sinh, bảo vệ, nhân viên bán hàng…), theo công năng (đi dạ hội, đi họp, đi phòng trà, đi dã ngoại, đi ăn cưới, đi đám ma…), địa phương hóa dù chưa có kinh đô thời trang (phong cách mặc Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế đều hiện đại mà khác nhau…), theo đẳng cấp thu nhập… và ngày càng cá nhân hóa theo trào lưu. Độc đáo mà giống nhau, phong phú trong đám đông đơn điệu là xu hướng mặc của người Việt hiện nay chăng. Mặc ở ta tuy vẫn còn xấu nhưng đã là một phương thức biểu hiện đẳng cấp văn hóa của quốc gia. Với mỗi gia đình, mỗi cá nhân từ lớp trung lưu trở lên mặc “đẹp” là cách hữu hiệu nhất để thể hiện đẳng cấp và bản sắc mỗi con người. Đó là điều người dân thường trước đây 40 năm chưa có được, chưa ý thức được. Thế nên phải nói rằng, văn hóa mặc của dân ta đã được nâng cao vượt bậc chỉ trong vài thập niên.

Một cuộc truy lùng gắt gao là quần áo cho phái nam, thường/ lễ/ quốc phục đều gay cấn. Trong khi cái áo dài phái nữ đã giải quyết xong thì cuộc “tay bo” giữa com-lê, cà-vạt với áo dài, khăn đóng cho nam giới vẫn chưa xong. Ưu thế thiên về “anh Tây lai” vì tiện dụng và hội nhập tốt. Áo dài nam quả là quá âm tính, quá đàn bà, phiền phức, bất tiện. Có lẽ cũng chỉ phổ biến được trong sô thời trang, diễn xướng, phim cổ trang hay lễ hội ở đình, chùa, đền, và thưa thớt ở đám ma, đám cưới. Song cũng không nên bức xúc quá chuyện lễ phục, quốc phục nam này. Không nên dừng cuộc chơi và hãy để mọi người cùng tìm kiếm giải pháp như một hoạt động sáng tạo thời trang thông thường. Biết đâu sẽ có lúc các quan chức sẽ đội mũ lông công, đóng khố đại bản và đeo vòng chân tới công sở như phác thảo tượng vua Hùng mới được duyệt thì sao! Mặc đẹp đang là cuộc vui của mọi người cần khích lệ chớ cực đoan!

NGUYỄN BỈNH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh phố núi Yên Bái thoát nguy cơ ngập lụt lần 2

Trần Bùi |

Yên Bái - Sau cả đêm di chuyển đồ đạc, người dân phố núi thở phào khi không phải chứng kiến "lũ chồng lũ".

HLV Kim Sang-sik tìm nhân tố trẻ cho tuyển Việt Nam

MINH PHONG |

Khi các trụ cột đang sa sút, huấn luyện viên Kim Sang-sik buộc phải tìm những nhân tố trẻ mới cho đội tuyển Việt Nam.

Người dân Hà Nội khoác áo dài, hào hứng đón không khí lạnh

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang mát mẻ, se lạnh vào buổi sáng.

Huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ninh lên thành phố

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Ngày 1.11.2024, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực.

Cận cảnh côn trùng chưa có thuốc trị tấn công lúa diện rộng

Lục Tùng - Phong Linh |

Kiên Giang - Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị, bọ xít hôi có khả năng tiếp tục gây hại trên nhiều cánh đồng lúaĐồng bằng sông Cửu Long.

Huy động 30 đặc công nước tìm kiếm nạn nhân ở cầu Phong Châu

Tô Công (Nguồn: Hải quân cung cấp) |

30 thợ lặn thuộc Lữ đoàn Đặc công 126 là những chiến sĩ tinh nhuệ được huy động cho việc tìm kiếm 4 nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.

Trung tâm thương mại trăm tỉ đồng trên đất vàng vẫn đìu hiu

An Khánh |

Sau gần 10 năm tổ hợp Trung tâm thương mại (TTTM) - chợ trăm tỉ đồng xây trên đất vàng vùng biên xứ Lạng, người dân và tiểu thương đã vỡ mộng vì việc kinh doanh không sầm uất được như chủ đầu tư và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định trước đó.

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.