Thực tế một chút đi

Hà Quang Minh |

Chỉ mới cách đây chưa lâu, khi Sở VHTT&DL Tiền Giang ra văn bản “cấm” đối với bản ghi hình ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ Nguyễn Đức Mậu, dư luận đã không khỏi bị shock vì cái lệnh cấm ấy. Thực sự, bản thân rất đông người trong công chúng cũng không hiểu bản chất vấn đề là gì.

Bản ghi hình ấy có sai phạm về hình ảnh, chưa được duyệt, nên được đề xuất cấm lưu hành. Việc ấy không sai nhưng cái cách thể hiện bằng văn bản của cán bộ quản lý thì quá có vấn đề. Lẽ ra, thay vì cụ thể hoá rằng “bản ghi hình karaoke ca khúc “Thời hoa đỏ”, mã số XYZ, do đơn vị ABC sản xuất có vi phạm vì thế đề nghị gỡ bỏ, cấm lưu hành” thì cái văn bản “mờ mờ ảo ảo” đến mức ai cũng nghĩ là bài hát “Màu hoa đỏ” ấy bị cấm. Và chính cái sự thiếu rõ ràng của văn bản kia đã chỉ ra một thực trạng rất đáng quan tâm hiện nay. Đó là nhiều cán bộ trong cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt ở những đơn vị chuyên ngành, không nắm rõ kiến thức cần có của ngành nghề mình đang làm, và do đó, họ đưa ra những văn bản chung chung dễ gây hiểu lầm, thậm chí còn là hiểu lầm tai hại.

Và nếu trường hợp của “Màu hoa đỏ”, ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ, có thể được nhìn nhận một cách dễ cảm thông hơn vì thực trạng cán bộ địa phương, ở cấp huyện, xã vốn dĩ có nhiều khó khăn, hạn chế nên dễ mắc sai lầm thì trường hợp lý giải của Cục NTBD, cán bộ ở thủ đô Hà Nội, với các “dị bản” của 5 ca khúc nhạc xưa gây ầm ĩ gần đây thật sự khó có thể bỏ qua. Không ai nghĩ, một cơ quan quản lý văn hóa cấp cục lại có thể cũng đưa ra những lệnh cấm thiếu thực tế đến như thế và nó càng khiến người theo dõi tưởng rằng, họ đang vụng chèo cho một văn bản được đưa ra trước đó một cách vội vàng.

Lý giải rằng “Cấm những ca khúc có ca từ vi phạm bản quyền” quả thực khiến những người thông hiểu ngành công nghiệp âm nhạc thắc mắc rằng, bản thân Cục NTBD sẽ cấm theo cách nào. Đồng ý, dễ dàng nhất là cấm trình diễn nhưng thực tế, các nghệ sĩ khi xin phép trình diễn ca khúc “Con đường xưa em đi” chẳng hạn, sẽ đăng ký hát đúng bản gốc của tác giả, tức là bản được Cục NTBD đương nhiên thừa nhận quyền lưu hành hợp pháp của nó. Không một ai đứng ra xin phép để hát bản sửa lời thì liệu rằng cái lệnh cấm ấy nó có tác dụng với đối tượng nào? Và bản thân nếu một người xin hát ca khúc “Con đường xưa em đi” nhưng nộp văn bản đính kèm là phần lời bị chỉnh sửa thì lẽ ra cơ quan quản lý, cấp phép phải khuyến cáo họ rằng “cần phải hát đúng bản gốc” thay vì từ chối để thực thi lệnh cấm. Rõ ràng, tính thực tế của lệnh cấm này là không có, và nó càng biến câu chuyện trở nên mơ hồ hơn.

Tiếp theo, chúng ta có thể hiểu việc Cục NTBD cũng muốn cấm lưu hành cả các bản ghi âm vốn đã tồn tại mà trong đó ca khúc bị sửa mất lời so với lời gốc. Lệnh cấm này nghe hợp lý hơn, nhưng cũng thiếu thực tế vì Cục làm cách nào để cấm lưu hành? Yêu cầu các đơn vị đang khai thác nhạc số gỡ bỏ đường dẫn cho nghe, download phải không nào? Rồi yêu cầu các băng đĩa tồn kho phải tiêu hủy phải không nào? Chẳng giải quyết được vấn đề cốt lõi, bởi nếu một người có trong tay dữ liệu số của bản ghi âm ấy, họ hoàn toàn có khả năng phát hành nó một cách không chính thức bằng bất kỳ kênh phát hành nào ở thời đại 4.0 này.

Và nhắc tới 4.0, một khái niệm mà gần đây chúng ta hay được nghe quen, chúng ta chợt nhận thấy cái phi thực tế của cung cách quản lý văn hóa thời đại kỹ thuật số ở Việt Nam. Ở Châu Âu, phần mềm để quét các dữ liệu bản ghi âm kỹ thuật số đã được sử dụng bấy lâu nay, với giá bán nghe đâu khoảng 400 nghìn euro. Với nó, các cơ quan quản lý bản quyền và tác quyền cứ căn cứ vào metadata gắn kèm với bản ghi âm mà nhận diện và tính đếm số lần sử dụng, đặng thu tiền bản quyền, tác quyền. Một công cụ như thế chưa từng được ai đề cập tới ở Việt Nam dù rằng để mua nó, ngoài khó khăn về tiền thì mọi thứ đều quá dễ. Vậy mà chúng ta vẫn ảo tưởng vào sức mạnh quyền lực của mình để ban hành các lệnh cấm thiếu tính thực tế, đủ để dư luận thấy chúng ta không khác gì Don Quixotte đang lao đầu vào cối xay gió một cách vô vọng.

Hà Quang Minh
TIN LIÊN QUAN

Thi hành kỷ luật Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Tìm thấy nạn nhân mất tích cuối cùng vụ sạt lở trên QL2

Việt Bắc |

Hà Giang - Thi thể anh N.V.T (xã Việt Vinh, Bắc Quang), nạn nhân mất tích cuối cùng được tìm thấy dưới lớp đất sạt lở hơn 3 mét.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự khởi công cầu Ba Lai 8

Thành Nhân |

Bến Tre - Ngày 2.10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công dự án cầu Ba Lai 8 nằm trên tuyến đường bộ ven biển ở Miền Tây.

Quảng Nam hoàn thành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên

Hoàng Bin |

Thực hiện Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quảng Nam đã kỷ luật các tổ chức đảng, nhiều cán bộ bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Tướng Iran dọa bồi thêm đòn tấn công nặng nề hơn với Israel

Thanh Hà |

Tướng Iran cảnh báo sẽ tấn công toàn bộ cơ sở hạ tầng của Israel nếu nước này có bất kỳ hành động đáp trả nào nhằm vào lãnh thổ Iran.