Chuyện làng văn nghệ:

Trương Tửu - người bạn của cha tôi

NGUYỄN THỤY KHA |

Sinh thời, cha tôi hay kể đến những người bạn cùng dạy học ở trường Thanh Niên (gần Ô chợ Dừa - cuối phố Khâm Thiên) như Lê Văn Trương, Lê Tráng Kiều, Nguyễn Vỹ và Trương Tửu. Sau Hiệp định Genève, 3 người bạn kể trên đã vào Sài Gòn làm việc, chỉ còn lại bác Trương Tửu ở Hà Nội.

Thỉnh thoảng, cha tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm bác. Thực ra, Trương Tửu ít tuổi hơn cha tôi, bằng tuổi mẹ tôi, nhưng lúc nào nhắc đến ông, cha tôi thường gọi là “bác Tửu”. Ông khen Trương Tửu thông minh, tự học mà biết rộng. Bởi thế, năm 1957, ông đã được phong chức danh giáo sư cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường... Sau đó ít lâu, tôi nghe anh tôi về thì thầm với cha tôi chuyện gì đấy bí mật lắm. Từ dạo ấy, ít thấy cha tôi nhắc đến “bác Tửu”.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi đổi mới, tôi mới có dịp đọc ít nhiều các tác phẩm của Trương Tửu, mới vỡ lẽ cái chuyện anh tôi thì thầm với cha tôi hồi xưa lại cái chuyện “bác Tửu” bị dính líu vào vụ Nhân Văn Giai Phẩm, thôi không dạy học nữa mà chuyển sang nghiên cứu Đông y, sống bằng nghề cắt thuốc và châm cứu ở nhà riêng tại phố Hàng Gà. Đến khi tái bản “Thi nhân Việt Nam” năm 1988, tôi chép bài thơ “Gửi Trương Tửu” của Nguyễn Vỹ về đọc cho cha tôi nghe, ông cười và nói: “Các bác ấy toàn là những người chơi ngông. Không hiểu sao mà họ lại quý cha?”. Cha tôi cũng cho biết thêm họ rất thân nhau. “Dạo ông Thế Lữ viết báo công kích thơ Nguyễn Vỹ, bác Lê Tràng Kiều viết bài công kích lại ngay”. Đúng là đọc “Gửi Trương Tửu” mới thấy hai người thân nhau tới mức nào: “Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác/ Mà coi đồng tiền như cỏ rác/ Kiếm được xu nào đem tiêu hoang/ Rủ nhau chè chén nói huênh hoang/ Xáo lộn văn chương với chả cá”.

Trương Tửu.

Ảnh: Tác giả cung cấp. 

Giọng điệu ngông đi lên đến tuyệt đỉnh: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút nói văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm rồi kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi thương cho anh/ Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh”.

Đến khi cuốn “Văn nghệ sĩ tiền chiến” của Nguyễn Vỹ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1994, tôi lại mang về đọc cho cha tôi nghe đoạn ông viết về Trương Tửu. Cha tôi lắng nghe rất chăm chú. Thấy mắt ông rơm rớm. Bao kỷ niệm thuở thanh xuân như tràn ngập trở lại trong ông. Vậy mà bao nhiêu năm, ông đã không gặp lại bạn mình. Có lẽ vì đường sá cản trở thời chiến tranh. Có lẽ vì ông cũng muốn được yên thân để đỡ đi những rắc rối không cần thiết trong một thời mà điều gì cũng có thể làm mình liên lụy, và sau đó là tuổi già ông có nhắc tôi khi nào rỗi rãi, nên tìm thăm “bác Tửu” thay cha. Nhưng cũng phải vài năm sau, tôi mới có dịp đến thăm Trương Tửu ở khu tập thể Hoàng Cầu. Bữa đó cùng đến thăm ông với tôi, có nhà thơ Thanh Thảo.

Một số tác phẩm của Trương Tửu.

Tôi nhớ hôm đó, bác cháu trò chuyện rất rôm rả. Chúng tôi kể lại về “Thanh niên S.O.S”, “Khi chiếc yếm rơi xuống”, “Một chiến sĩ”, cả 3 cuốn đều được in ở Nhà xuất bản Minh Phương trên phố Hàng Đẫy. Những cuốn sách đã sống, đã chìm vào im lặng trong gần một vận hội. Trương Tửu cười tươi khi tôi nói rằng, tôi là con trai ông giáo Chín - bạn ông. Ông cũng thừa nhận là cha tôi lành, không ngông như ông và Nguyễn Vỹ nhưng ông cũng bảo Nguyễn Vỹ viết “Gửi Trương Tửu” là hơi quá, bởi vì ông đâu có phải là đệ tử của lưu ly, lúc nào cũng say bét nhè. Quá nhưng vui vì rất khẩu khí.

Tôi đã từng nghe rất nhiều đàn anh học sư phạm thời ông còn đang giảng dạy và nổi tiếng với cái tên Nguyễn Bách Khoa, nói về cách giảng rất lôi cuốn của ông trước sinh viên. Vậy mà sau bao nhiêu năm im lặng, không còn tìm thấy sự lôi cuốn ấy ở ông. Nó đã chìm sâu vào quá vãng. Chỉ còn lại một Trương Tửu ăn nói chừng mực tuy có phần rôm rả hơn ngày thường. Cũng không còn nhận ra ở ông cái giọng điệu ngang tàng khi ông viết “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” in trên “Giai phẩm mùa thu” (tập II). Chỉ thấy một Trương Tửu nhỏ nhẹ như thoát khỏi những vướng bận đời thường. Trong câu chuyện, tôi có nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Tường mà tôi và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán có phỏng vấn và ghi hình dài 3 tiếng. Trương Tửu chú ý lắng nghe và hỏi thăm sức khỏe của ông Tường. Bữa ấy, cùng tôi, Thanh Thảo cũng hỏi khá nhiều chuyện, nhất là thời kỳ ông thành lập ra Nhà xuất bản Hàn Thuyên, rồi quan điểm của ông nhìn nhận về L. Trôtxki - một nhân vật cách mạng Nga mà làm liên lụy tới rất nhiều người Việt Nam khi bị quy chụp theo tư tưởng của nhà cách mạng này trong đó có ông, bởi ông bị Stalin đả phá kịch liệt.

Một số tác phẩm của Trương Tửu.

Trương Tửu thở dài. Dường như ông không muốn nhắc đến cái thời ấu trĩ về sự nhìn nhận ấy nữa. Nhưng cái công của ông khi đưa ra một giọng điệu phê bình kiểu mới của thế kỷ XX thì dù thế nào cũng không thể lãng quên. Từ sau những năm Đổi Mới, Trương Tửu đã được đánh giá lại và hàng loạt tuyển tập của ông được xuất bản. Giữa tháng 11.1999, khi đang công tác ở Sài Gòn, tôi nghe tin ông qua đời. Tết năm 2000, tôi về báo tin cho cha tôi. Ông ngồi lặng im. Ngày bánh trôi, bánh chay mùng 3.3, Canh Thìn 2000, cha tôi cũng lặng lẽ ra đi khỏi cõi đời ở tuổi 92. Chắc ở nơi xa xăm ấy, hai người bạn đã gặp nhau.

TRƯƠNG TỬU

Sinh ngày 18.10.1913, trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Gia Lâm (Hà Nội). Mẹ mất sớm, cha là một nhà nho thủ cựu, nghiêm khắc.

Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng (nghề thợ tiện) nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học (1927), vì tham gia bãi khóa ở Hà Nội. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp - Việt.

Từ năm 1941 - 1946, làm Giám đốc Văn chương (tương tự Tổng biên tập) Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là Ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, tham gia Bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…

Sau hiệp định Genève 1954, ông về Hà Nội, dạy Trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư…

Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.

Trương Tửu mất vào ngày 16.11.1999, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

MỘT SỐ TÁC PHẨM:

Truyện ngắn, tiểu thuyết: “Thanh niên S.O.S” (1937), “Một chiến sĩ” (1938), “Khi chiếc yếm rơi xuống” (1939), “Khi người ta đói” (1940), “Một cổ đôi ba tròng” (1940), “Trái tim nổi loạn” (1940), “Đục nước béo cò” (1940), “Một kiếp đọa đày” (1941), “Tráng sĩ Bồ Đề” (1943), “Năm chàng hiệp sĩ” (1944)…

Nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn, sử học: “Những thí nghiệm của ngòi bút tôi” (1939), “Uống rượu với Tản Đà” (1938), “Kinh thi Việt Nam” (1940), “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1943), “Nhân loại tiến hóa sử” (1943), “Nguồn gốc văn minh” (1943), “Văn minh sử” (1943), “Nguyễn Công Trứ” (1944), “Văn chương Truyện Kiều” (1944), “Tương lai văn nghệ Việt Nam” (1945). “Đại quan về 40 năm văn học Việt Nam hiện đại 1905 - 1945” (1948), “Phương pháp phê bình văn học” (1948), “Văn nghệ bình dân Việt Nam” (1952), “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” (1956), “Chỉnh huấn là gì?” (1956), “Chống văn hóa nô dịch” (1956), “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” (1958)...

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Thi hành kỷ luật Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Tìm thấy nạn nhân mất tích cuối cùng vụ sạt lở trên QL2

Việt Bắc |

Hà Giang - Thi thể anh N.V.T (xã Việt Vinh, Bắc Quang), nạn nhân mất tích cuối cùng được tìm thấy dưới lớp đất sạt lở hơn 3 mét.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dự khởi công cầu Ba Lai 8

Thành Nhân |

Bến Tre - Ngày 2.10, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công dự án cầu Ba Lai 8 nằm trên tuyến đường bộ ven biển ở Miền Tây.

Quảng Nam hoàn thành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên

Hoàng Bin |

Thực hiện Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quảng Nam đã kỷ luật các tổ chức đảng, nhiều cán bộ bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng.

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Tướng Iran dọa bồi thêm đòn tấn công nặng nề hơn với Israel

Thanh Hà |

Tướng Iran cảnh báo sẽ tấn công toàn bộ cơ sở hạ tầng của Israel nếu nước này có bất kỳ hành động đáp trả nào nhằm vào lãnh thổ Iran.