Những mộng ước trước giờ lên đường
Hơn 1 năm kể từ ngày giành vé dự World Cup, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có kế hoạch chuẩn bị cho đội tuyển nữ Việt Nam. Từ việc tập trung, tập luyện cho đến tập huấn, từ châu Á tới châu Âu, thầy trò huấn luyện viên đã có những bước chuyển mình. Sự thay đổi về thể lực, một số trận đấu giao hữu thành công - tất nhiên là nghị lực, tinh thần và ý chí vẫn thế - đã phần nào đó đưa thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng như giới truyền thông, người hâm mộ lên một sự mong chờ, một sự kì vọng nhất định.
Mục tiêu đề ra là học hỏi. Sự kì vọng, nhỏ thôi, chỉ là 1 bàn thắng. Nhưng cuối cùng, thực tế chứng minh rằng, từ 0 đến 1 cũng là một khoảng cách rất xa với bóng đá nữ Việt Nam khi vươn ra đấu trường thế giới ở thời điểm hiện tại. Nghe có vẻ bi quan, bởi nhìn sang một số đội cũng lần đầu tham dự World Cup, họ đã có bàn thắng, có cả trận thắng.
Nhưng vấn đề là, họ có những con đường khác, có nền tảng thể lực và đông đảo cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài. Với bóng đá nữ Việt Nam, chỉ duy nhất Huỳnh Như đang chơi bóng ở Bồ Đào Nha là chưa thể đủ. Nhưng trên tất cả, chính bản thân chúng ta chưa có đánh giá thực sự đúng về trình độ của mình, của người, của World Cup.
Cho đến trước năm 2023, bóng đá nữ Việt Nam chưa từng dự World Cup. Mà giải đấu dành cho phái đẹp được bắt đầu từ năm 1991, gần như cùng giai đoạn với ngày đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thành lập. Và trong khi tuyển nữ Việt Nam phải mất đến 7 năm kể từ ngày thành lập mới có giải đấu quốc tế đầu tiên (1997), thì World Cup đã có những bước tiến, những thay đổi mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Bóng đá nữ Việt Nam cũng tiến nhanh, nhưng đó là trong khu vực Đông Nam Á. Cũng có sự tiến bộ để lọt vào Top 5 châu Á, nhưng đó cũng bởi nhiều quốc gia không đầu tư mạnh vào bóng đá nữ. Chính vì thế, khi hướng đến World Cup, chính chúng ta đã có những đánh giá không thực chất.
Thực tế khắc nghiệt
Vẫn biết rằng, vào sân là thể hiện ý chí và tinh thần, chơi quyết tâm ở mức cao nhất - điều này các cầu thủ đã làm được, nhưng giữa trạng thái học hỏi với một chút kì vọng - chỉ một chút thôi, cũng đã là rất khác.
Cho đến cuối hành trình, huấn luyện viên Mai Đức Chung thừa nhận về sự khác biệt, để “tinh thần không thể khỏa lấp chuyên môn”. Nhưng trước đó, ông cũng đã có lúc trách các cầu thủ “không gọi nhau trên sân”, hay “xử lí bóng chậm”, hoặc “chuyền chưa chính xác”.
Chưa hết, khi Huỳnh Như nói rằng, cô “đã có giải pháp cho mình ở trận đấu với Bồ Đào Nha” vì “đã nắm được điểm mạnh, điểm yếu của nhiều cầu thủ đối phương”, có một chút chủ quan trong đó.
Mặc dù người hâm mộ, giới chuyên môn vẫn dành những lời động viên, cổ vũ cho những nỗ lực của toàn bộ thành viên của đội, nhưng không thể không nói rằng, World Cup là một thực tế khắc nghiệt với bóng đá nữ Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nó không chỉ thể hiện của các thông số mà là những cảm quan, về nhiều điều rất nhiều người ngại nói ra, vì sợ các cầu thủ buồn.
Nhưng nếu họ sợ, họ buồn, thì tuyển nữ Việt Nam đã không thể đi đến cấp độ này. Do đó, chạm đến World Cup là hiện thực hóa giấc mơ ban đầu, nhưng khi nó trở thành thực tế, phải nhận ra mình ở đâu để phải thay đổi.
Hãy nhớ lại hành trình vòng loại là vòng chung kết Asian Cup 2022, đúng là có những khó khăn khách quan (thời tiết, dịch bệnh), nhưng những trận quan trọng nhất của tuyển nữ Việt Nam là hòa Myanmar 2-2 ở vòng bảng, thắng Thái Lan 2-0 và thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 ở vòng play-off. 2 đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á, đội còn lại kém 5 bậc trên bảng xếp hạng FIFA. Cũng phải nhắc đến chuyện tuyển nữ Việt Nam “chỉ” thua Nhật Bản 0-3 và Hàn Quốc 0-3 nên mới có thể xếp trên Myanmar nhờ việc thủng lưới ít hơn 1 bàn.
Nhắc lại không phải để đánh giá thấp những gì các tuyển thủ đã làm. Nhắc lại để thấy, trình độ của chúng ta chưa đi đến đâu cả để có thể mơ giấc mơ đẹp ở lần đầu dự World Cup.
Viết tiếp những giấc mơ
World Cup lúc này là sự nghiệt ngã, nhưng không vì thế mà giấc mơ bị hủy hoại. Bóng đá nữ Việt Nam sẽ trở lại với các giải đấu trong khu vực, ở cấp độ châu Á hay sắp tới cũng là cấp thế giới ở vòng loại Olympic với nhiều kinh nghiệm hơn. Ngọn lửa World Cup đã thắp sáng và cần được duy trì. Để đến sân chơi thế giới không còn là giấc mơ nữa, mà trở thành “vị khách thường xuyên”, nhưng với tâm thế, vị thế đĩnh đạc hơn.
Muốn vậy, sẽ phải là một sự nâng cấp toàn diện, sẽ cần sự chung tay, sẽ có sự đồng lòng. World Cup 2023 được mong đợi trở thành cú hích thực sự lớn cho bóng đá nữ Việt Nam, tạo ra sự thay đổi cả về cách nhìn nhận lẫn hành động. Không chỉ nhìn vào chính bản thân mà còn hướng ra thế giới, học tập cách làm hay, lựa chọn hướng đi đúng, tiếp cận với phương pháp đảm bảo hiệu quả...
Bóng đá nữ Việt Nam trở về từ World Cup không chỉ với những giấc mơ cần viết tiếp mà còn phải hướng nhìn ra xung quanh, khi những thách thức ở sát sườn. Đó là nỗ lực trở lại của Thái Lan, là sự vươn mình của Philippines, hay Myanmar hẳn cũng có động lực để chen chân vào nhóm những đội hàng đầu Đông Nam Á để ganh đua.
Chia tay World Cup có thể ví như một vòng quay khép lại, bóng đá nữ Việt Nam bước vào vòng quay mới, với nhiều tham vọng hơn trong giấc mơ đã được hiện thực hóa. Và cũng nhiều hy vọng, kì vọng thực tế hơn thay vì chỉ là hão huyền...