Vì sao sốt xuất huyết ngày càng ác tính, khó lường?

Bs Văn Bình |

Theo Cục Y tế dự phòng, cả năm 2019, có hơn 250.000 ca sốt xuất huyết (SXH), gấp 3 năm 2018, 50 tử vong; dịch có ở 18 tỉnh thành.

Nhiều ca diễn biến xấu và rất xấu

Ở Hà Nội, SXH tăng mạnh, tháng 7.2019 khoảng 300 ca/tuần, lên 500 ca/tuần, đến các tuần đầu tháng 10 tới 800 ca/tuần. Các bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, BV Đống Đa đều đông kín bệnh nhân SXH; nhiều BV tư từ chối nhận bệnh nhân SXH vì đã sử dụng hết 100% giường. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và TPHCM tình trạng cũng tương tự. Từ tháng 10, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, nhận trung bình 10 - 20 ca/ngày, số ca khám điều trị ngoại trú 30 - 50ca/ngày. Cuối năm bệnh có xu hướng giảm như thường lệ. Những ca diễn biến nặng năm 2019 thường là xuất huyết nội tạng do giảm mạnh số lượng tiểu cầu (TC, chức năng cầm máu) và cô đặc máu do virus gây tổn thương hệ mạch làm thoát huyết tương (các thành phần của máu trừ hồng, bạch, TC), nếu có sẵn bệnh khác hoặc người già, có thai, bệnh càng nặng. Bất thường là năm 2019 nhiều người già mắc SXH hơn; nhiều ca chảy máu nội tạng nặng, sốc; chảy máu não, viêm não - màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, suy đa tạng, xảy thai hoặc thai lưu mà kinh điển SXH không có những bệnh cảnh này. Khoa Hồi sức tích cực, chống độc trẻ em BV nhiệt đới TPHCM liên tục nhận nhiều trẻ mắc SXH nặng, phải thở máy dù chỉ mới ngày thứ 3 của bệnh, trong khi, kinh điển triệu chứng nặng (nếu có) thường sau khi dứt sốt (khoảng 5 - 7 ngày kể từ khi bắt đầu sốt).

Chị Bùi Thị Kim Thủy (42 tuổi, ở xã An Phú, TP.Pleiku) biến chứng viêm cơ tim cấp - một biến chứng hiếm gặp của SXH. Nhập BV Pleiku với diễn biến sốc nặng, suy hô hấp, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh... Tuy được hồi sức, chống sốc theo phác đồ nhưng tình trạng vẫn xấu đi, xét nghiệm thấy men tim cao, chẩn đoán sốc SXH biến chứng viêm cơ tim cấp - nguy cơ suy tim cấp. Anh L.M.P (37 tuổi, ở TPHCM) chẩn đoán SXH: Sốt cao, đau đầu dữ dội, mất tri giác, xuất huyết não do TC hạ quá thấp, tử vong sau 48 giờ nhập viện. Anh H.Đ.B (25 tuổi, ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong sau 8 ngày SXH, TC giảm mạnh, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, trụy mạch, suy đa tạng. Bé gái N.T.K.L (15 tuổi, ở P.Tân Tiến, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chẩn đoán SXH, tử vong sau 12 giờ nhập viện vì suy đa tạng. Anh Vũ Quang H (41 tuổi, ở Hà Nội) ngày đầu tiên sốt rất cao, đau đầu dữ dội, nghi ngờ SXH nên sang ngày thứ hai vào BV 108 khám. Kết quả xét nghiệm (XN) SXH âm tính, TC 244.000/mm3 máu (bình thường 150.000 - 450.000/mm3). BS chẩn đoán sốt virus, chỉ định truyền dịch và kê đơn thuốc giảm đau, oresol, vitamin C, cho về, dặn đến XN lại. Sang ngày thứ 3, hạ sốt, ăn uống bình thường. Ngày thứ 4 hết sốt, không đau đầu nên anh làm việc máy tính như thường. Ngày thứ 5, anh thấy khỏe hơn, nhưng đau họng nên XN dịch vụ tại nhà. Kết quả XN vẫn âm tính với SXH, tuy TC chỉ còn 144.000. Cho rằng ổn nên anh không XN thêm nữa và ba ngày tiếp theo, làm việc, sinh hoạt bình thường, họng hết đau. Sáng ngày thứ 9, khi đánh răng thấy miệng chảy đầy máu, tất cả các chân răng ứa máu không cầm, vợ anh phát hiện nhiều chấm chảy máu nhỏ trên da (do TC xuống mức nguy hiểm nhưng không biết). Vào viện 108, XN TC chỉ còn 9.000/mm3 máu. Phải dùng cáng khiêng nhập viện và truyền khẩn cấp 3 đơn vị máu. Nhóm máu của anh là AB, hiếm nên BV phải huy động người thân, bạn bè và  hàng chục người khác đến cho máu; phải 2 ngày sau, anh mới qua được nguy kịch.

Thực tế, SXH có khi XN virus âm tính, dù lâm sàng biểu hiện triệu chứng bệnh. Nếu XN ở 1, 2 ngày đầu, lượng virus trong máu chưa nhiều hoặc ở ngày thứ 5, 6, lượng virus máu đã giảm, nồng độ kháng thể trong máu hạ thấp, có thể cho kết quả âm tính. Nghi ngờ SXH, phải XN TC liên tiếp ba ngày thứ 4, 5, 6 (tính từ ngày bắt đầu sốt) vì phải theo dõi TC tăng hay giảm, nên XN một thời điểm không đánh giá được. Ngày thứ 6, TC vẫn có chiều hướng giảm thì ngày thứ 7 phải làm XN lại; ngày thứ 4, 5 thấp, thứ 6 tăng lên thì không cần làm nữa. Đang mùa SXH, bị sốt phải nghĩ trước hết đến bệnh này, đi khám ngay và theo dõi chặt chẽ, để không xảy ra tình trạng nặng là: Chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường, chảy máu âm đạo; đau bụng dữ dội; nôn liên tục; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở; cả khi sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt (do BS kê đơn), nhất là TC dưới 50.000/mm3 phải vào viện ngay.

Vì sao sốt xuất huyết ngày càng ác tính?

Bách khoa toàn thư đời nhà Tần (năm 265 - 420), ở Trung Quốc gọi SXH, bệnh xưa như trái đất này là “chất độc nước” do côn trùng bay và vụ dịch SXH đầu tiên, năm 1780, xảy ra ở Philadelphia, Mỹ; năm 1920 có nhiều dịch lớn nhưng không tử vong ở Hy Lạp, Nam Phi, Australia, Nhật Bản và Mỹ; từ thập kỷ 50 đến 80, dịch hoành hành ở Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia, Calcutta (Ấn Độ), các đảo ở Thái Bình Dương; đến vùng Ấn Độ Dương; Trung, Nam Mỹ, các đảo Caribe, nhất là Cuba và xuất hiện tử vong 8,2 - 10% mà nhiều nhất là trẻ em; hiện hơn 100 nước có SXH lưu hành. Virus SXH (hay Dengue) có 4 nhóm kháng nguyên (KN) khác nhau (hay type huyết thanh, do khác cấu trúc ARN) là DEN-1, DEN-2 (Albert Bruce Sabin (1906 - 1993) - BS Mỹ gốc Nga - sáng chế vaccine Sabin chống bại liệt, phân lập năm 1944, 1945); DEN-3, DEN-4 (Hammon và Sather phân lập 1956). Xin giải thích: Một vi sinh vật (VSV) khi xâm nhập cơ thể là KN, kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể (KT) chống lại VSV đó. Khi nghi ngờ nhiễm VSV A, dùng huyết thanh (gồm đủ thành phần của huyết tương trừ yếu tố đông máu) chuẩn chứa KT chống VSV A trộn với huyết thanh hoặc huyết tương người nghi nhiễm, nếu xảy ra phản ứng kết hợp KN - KT tức là VSV A có trong cơ thể. Với virus SXH, một người đã nhiễm type nào chỉ có KT chống hiệu quả type đó (miễn dịch suốt đời), không chống được type khác. Tuy nhiên, thống kê lâm sàng và dịch tễ học bệnh SXH, WHO nhận thấy bệnh cảnh SXH nặng (gọi là sốc XH Dengue) thường gặp ở những người đã mắc ít nhất một lần, nghĩa là đã có miễn dịch bền vững với một hay hai type virus, nay lại nhiễm một type virus SXH khác. Sự kết hợp KT - KN ở lần này không diệt được virus type mới nhưng sinh ra những sản phẩm của phản ứng dị ứng là chất Histamin và các chất trung gian gây viêm khác, kích hoạt một số men có tác dụng làm tăng tính thấm của thành mạch máu (huyết tương hoặc máu thoát ra ngoài mạch) làm máu bị cô đặc hoặc thiếu máu. Thực tế, dân cư trong vùng SXH lưu hành bị sốc SXH Dengue tỉ lệ cao hơn nhiều so với những người ở vùng không có SXH đến đây. Vì thế, lo ngại sự di chuyển các type virus khác nhau giữa các vùng trên thế giới sẽ gây nên tình trạng bệnh nặng nề hơn trong tương lai. Ở nước ta, có đủ 4 type virus SXH, gây dịch tản phát ở các vùng, trước đây gây chảy máu não và tiêu hóa chỉ có DEN-2, nay cả 4 type đều gây biến chứng này. Vì thế tin rằng đã mắc SXH không mắc lại là sai lầm chết người.

Bệnh rất cũ nhưng hiện vẫn có vô số hiểu biết sai tai hại như: Giảm sốt là hết bệnh - nguy hiểm vì đó là lúc xuất huyết hoặc biến chứng nặng khác; lây bệnh do tiếp xúc với người SXH và ăn cơm sẽ thủng ruột - hoang đường; nguy hiểm nhất là dùng thuốc hạ sốt loại Aspirin và Ibuprofen: Gây chảy máu ồ ạt vì thuốc ngăn cản tập trung TC; truyền dịch bị loãng máu; đánh răng làm bệnh nặng thêm; muỗi truyền virus SXH chỉ ở nơi nước tù, đọng và phun thuốc một lần muỗi không dám vào nhà; kiêng tắm, kiêng ăn; tự ý truyền dịch; dùng oresol sai cách; cạo gió.

Kinh điển, SXH là bệnh mùa đông - xuân, nhưng nay do toàn cầu nóng lên (mùa đông 2019 chẳng hạn) và sự thích nghi làm muỗi Aedes aegypti tăng truyền bệnh quanh năm, cộng thêm đô thị hóa, thương mại, du lịch tăng mạnh, nên 30 năm qua, SXH thế giới tăng 30 lần (50 - 100 triệu ca/năm). Ngay từ đầu 2019, nhiều nước Châu Á bệnh tăng cao bất thường. Nghe rất lạ nhưng là sự thật khi mới đây Tây Ban Nha và Italia công bố hai ca SXH lây qua đường tình dục!

Bs Văn Bình
TIN LIÊN QUAN

Hình ảnh giản dị của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VƯƠNG TRẦN - Ảnh: Đại tá Trần Hồng |

Những hình ảnh giản dị đời thường của Phó Giáo sư Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi lại qua ống kính của Đại tá Trần Hồng.

Khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội chưa hoạt động đã xuống cấp

KHÁNH AN |

Đã 14 năm kể từ thời điểm Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, đến nay Khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (quận Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa đi vào hoạt động trong khi nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Người dân gặp khó vì tuyến tỉnh lộ xuống cấp

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN |

HUẾ - Khoảng 3km của tỉnh lộ 10A đoạn qua xã Phú Lương (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) xuống cấp nhiều năm nay khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng.

Đại học doanh thu nghìn tỉ, có trường 98% đến từ học phí

Vân Trang |

Cả nước có 6 trường đại học công lập và 3 trường tư thục có doanh thu từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Trong đó, có 2 trường đạt trên 2.000 tỉ đồng.

Nước lũ thấm qua thân đê ở Thanh Hóa

Trần Lâm |

Thanh Hóa - Ảnh hưởng nước sông Mã dâng cao, áp lực lớn, một điểm đê ở huyện Vĩnh Lộc có hiện tượng thấm, rò nước qua thân đê.

Diễn viên trẻ và áp lực danh hiệu “ngôi sao phòng vé”

NGỌC DỦ |

Từ việc khẳng định tên tuổi với khán giả, nhiều diễn viên trẻ giờ đây còn phải chịu áp lực không nhỏ về kỳ vọng doanh thu phim thông qua danh tiếng của mình.

Tử hình cựu Kế toán trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Hoàng - cựu Kế toán trưởng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương viết khống 409 giấy rút tiền, séc và ủy nhiệm chi để rút số tiền hơn 246 tỉ đồng.

3 cháu bé trong một gia đình ở Ninh Bình bị mất tích

NGUYỄN TRƯỜNG |

Lực lượng chức năng xã Kim Tân và huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang phối hợp cùng với gia đình để tìm kiếm 3 cháu bé bị mất tích hơn 2 ngày nay.