Ông Phan Minh Hải, phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết: “Khi vụ việc xảy ra, Ban quản lý đã cắt cử nhân viên nhanh chóng kiểm tra thực tế hiện trường, giăng dây giới hạn, đặt bảng cảnh báo, bố trí nhân viên trực hướng dẫn khách di chuyển qua khu vực.
Đồng thời thông báo cho Công ty cổ phần quản lý cầu đường TP.Đà Nẵng xử lý, khắc phục và có văn bản báo cáo lãnh đạo thành phố về hiện tượng trên”.
Được biết, sáng 9.5, nhiều người có mặt tại đầu tuyến đường Hoàng Sa chứng kiến nhiều tảng đá từ vách núi rơi xuống ta luy và lòng đường. Cũng tại đoạn đường này, từng xảy ra tình trạng đá rơi tương tự vào ngày 14.4.
Theo ông Hải với đặc thù địa hình, sau khi có mưa lớn, tại bán đảo Sơn Trà thường xuyên xảy ra tình trạng đá trượt, sạt lở, đặc biệt ở khu vực sườn núi tuyến Tiên Sa, khu vực cảnh quan trước khách sạn Intercontinental.
Sau đó, ngày 12.5, Công ty quản lý cầu đường TP.Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý hạn chế việc sạt lở đất đá nói trên.
Công ty quản lý cầu đường TP.Đà Nẵng là đơn vị chịu trách nhiệm tuần tra, duy tu, bảo dưỡng tình trạng các điểm có đá rơi.
Ông Trần Từ Hải, phó giám đốc Công ty quản lý cầu đường TP.Đà Nẵng cho biết: “Không chỉ có tuyến đường Hoàng Sa đoạn chạy lên bán đảo Sơn Trà bị rơi đá mà các tuyến đường khác như đường lên Bà Nà- Suối Mơ cũng xảy ra tình trạng trên.
Tuy nhiên, đây là tuyến đường có nhiều cảnh đẹp, là tuyến du lịch trọng tâm của TP.Đà Nẵng nên không thể cấm tuyệt đối lưu thông trên tuyến đường mà chỉ có thể cắm biển cảnh báo, cấm dừng đỗ tại các điểm hay xảy ra đá rơi”.
Theo ông Hải, trước tiên để giữ nguyên cảnh quan thiên nhiên, các bên liên quan đã phối hợp và đề xuất phương án tốt nhất là sử dụng lưới để bao trùm lại khu vực hay xảy ra đá rơi.
Theo đó, đây là loại lưới mắt lớn Nhật Bản, chất liệu an toàn với thiên nhiên. Toàn bộ khu vực bao phủ lưới nằm trong khoảng 200-400m chiều dài và trên 30m chiều rộng, sau khi đơn vị thi công khoan địa chất lưới sẽ được neo giữ lại.
Khi sử dụng phương án này, đá sẽ được neo giữ lại còn cây cối, thảm thực vật vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Đây là biện pháp đầu tiên được sử dụng tại Đà Nẵng.