Không để học sinh thiếu sách giáo khoa
Tuy Đức là huyện nghèo, thuộc diện 30A của Chính phủ. Bước vào năm học 2022-2023, toàn huyện có 35 trường tiểu học và trung học cơ sở với hơn 15.000 học sinh. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 300 em học sinh thiếu sách giáo khoa.
"Nắm bắt được việc này, Phòng Giáo dục Đào tạo, các nhà trường, địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực vận động từ các nguồn để hỗ trợ học sinh có sách giáo khoa trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, vấn đề thiếu sách giáo khoa ở địa phương đã giải quyết kịp thời cho các em học sinh ngay từ đầu năm học" - ông Phạm Quốc Trọng - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuy Đức khẳng định.
Trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Nông, Sở Giáo dục - Đào tạo đã huy động các nguồn đóng góp, trao trên 1.200 sách giáo khoa, 937 sách giáo viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hỗ trợ cho các nhà trường.
Ngoài ra, Sở Giáo dục - Đào tạo đã kêu gọi và được Công ty Cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền Nam, Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 150 bộ sách giáo khoa các khối lớp 6, 7, 10.
Sau khi tiếp nhận, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức trao tặng trực tiếp cho thư viện các nhà trường. Trong đó, ưu tiên cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều học sinh thiếu sách.
Các bộ sách được giao cho thư viện trường bảo quản, học sinh có thể đăng ký mượn để học. Các trường sẽ yêu cầu học sinh bảo quản tốt để cuối năm học trả lại thư viện và tiếp tục cho các lớp sau có nhu cầu mượn học.
Các giải pháp khắc phục
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông, năm học 2022-2023 Nghị quyết 31 của Hội đồng Nhân dân tỉnh hỗ trợ sách giáo khoa dụng cụ học tập cho học sinh đồng bào thiểu số nghèo, cận nghèo hết hiệu lực.
Mặc khác, đây là năm học cuối, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với các khối lớp 4, 8 và lớp 11 nên các nhà xuất bản không tái bản sách giáo khoa đối với các khối lớp này.
Riêng sách giáo khoa lớp 10 do Bộ Giáo dục - Đào tạo điều chỉnh nội dung chương trình vào cuối tháng 8.2022 nên việc in ấn, xuất bản, phân phối sách giáo khoa chậm hơn những năm trước. Hiện nay, một số sách chuyên đề của lớp 10 còn thiếu, trước mắt các trường sử dụng sách điện tử giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục khuyến khích các trường học bằng nhiều hình thức phù hợp xây dựng tủ sách giáo khoa cho các khối lớp ở thư viện. Việc này nhằm kịp thời hỗ trợ cho học sinh khó khăn mượn nếu không chuẩn bị được sách khi bước vào năm học.
Hiện nay, ngoài việc huy động xã hội hóa giáo dục, một số trường trích kinh phí chi thường xuyên hỗ trợ các em mua sách vở, đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa phục vụ học tập.
Do đó, phong trào kêu gọi quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa được lan tỏa ở tất cả các huyện, thành phố. Hàng trăm bộ sách đã được thu gom, vệ sinh, đóng gói cẩn thận trao tận tay cho học sinh khó khăn.