Người thân mang áo Blouse
Ngày 8.8, Bệnh viện C Đà Nẵng được dỡ bỏ cách ly, hàng trăm nhân viên y tế và bệnh nhân được đoàn tụ với gia đình.
Thế nhưng trái với những gì nhiều người tưởng tượng, một vài y bác sĩ như “đại diện” ra chào người dân thành phố khi cánh cửa bệnh viện được mở. Còn lại, mỗi bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện C Đà Nẵng đều thận trọng trong từng công việc của mình.
Ngay trong sáng đầu tiên, thay vì về nhà, họ đưa hàng trăm bệnh nhân xuống tận cổng để làm thủ tục xuất viện, đợi người nhà đến đón. Có bệnh nhân không di chuyển được vì tuổi cao, họ luôn sẵn sàng đôi bàn tay dìu đỡ, bế hẳn lên xe. Dường như, 14 ngày qua đã biến họ trở thành những người nhà, người thân của chính bệnh nhân của mình.
Bà Kim Thư, 80 tuổi, trú đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng mỉm cười khi nhắc về những “người con cháu đặc biệt” mang màu áo trắng. “Tôi nhập viện đúng thời điểm bệnh viện bị cách ly, các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, cơm nước mỗi ngày còn ngon hơn cơm nhà. Cho đến ngày ra viện, họ cũng dìu xuống tận cổng chẳng khác gì con cháu mình” – bà Thư kể.
Ngồi cạnh bà Thư, ông Đoàn Văn Nhung vừa được các điều dưỡng dìu xuống cổng đã xua tay dặn “Bác tự ngồi đợi được, mấy đứa lên chuẩn bị về nhà đi”. Ông Nhung cho hay, 14 ngày cách ly, biết bệnh nhân lớn tuổi hay nhớ nhà, ngày nào y bác sĩ cũng trò chuyện, hỏi han.
“Nhưng tôi biết, họ đè nén nỗi nhớ của mình trong lòng. Chẳng có gì bằng tổ ấm. Bây giờ chúng tôi được về nhưng y bác sĩ còn làm nhiệm vụ. Họ chỉ bằng tuổi con cháu của tôi, nghĩ vậy mà lo cho những người trẻ, có trình độ, có chuyên môn và tấm lòng cống hiến cho đời” – lời ông Nhung khiến nhiều người giật mình, hoá ra, sự đoàn viên hôm nay thật sự chưa trọn vẹn.
“Đồng nghiệp đang đợi chúng tôi”
Hơn ai hết, những y bác sĩ lại càng hiểu điều đó. Tập trung cho công việc di chuyển bệnh nhân, nhưng nhắc đến gia đình, giọng nói của nữ điều dưỡng Việt Ánh run run. Chồng đi công tác xa từ trước khi dịch bùng phát, chị đi cách ly để lại 2 đứa con cho ông bà nội. “Các cháu gọi cứ hỏi, bao giờ mẹ đi cách ly về chứ cũng chưa hiểu rõ cách ly là gì. Giờ được về rồi sẽ ôm hai đứa thật chặt”.
Thế nhưng, nói đến đây, chị Ánh đưa mắt về phía con đường vẫn đang bị phong toả, nơi Bệnh viện Đà Nẵng vẫn im lìm vì cách ly, chị nói: “Nghỉ một chút rồi mai tôi sẽ lại vào ca. Chúng tôi xác định không có ngày nghỉ. Nhiều đồng nghiệp đang đợi chúng tôi”.
Chẳng ai biết rằng chỉ mới hôm qua, chị Ánh và nhiều y bác sĩ đã bật khóc khi nghe tin được dở cách ly, khi nghe tiếng cổng viện được mở. Trong 14 ngày qua, họ vừa làm nhân viên y tế vừa làm người nhà của các bệnh nhân. Có bác sĩ vào tận phòng để hát tặng bài ca, chúc ngủ ngon. Có những lúc họ đã mệt nhoài.
“14 ngày qua là những ngày buồn có, vui có, giận cũng có nhưng rồi chúng tôi cũng nhanh chóng quên đi mọi thứ vì đồng nghiệp của mình vẫn đang căng sức ở nhiều nơi chống dịch. Mình có cơ hội đoàn tụ sớm với gia đình thì phải trân trọng và phải trở lại, để ngày mai, nhiều gia đình khác sẽ được đoàn viên” – nữ điều dưỡng Phạm Thị Trang nói.
Làm việc trong môi trường từng có bệnh nhân mắc COVID và giờ đây là tiếp tục nhận bệnh, mọi hiểm nguy luôn bủa vây nhưng chị Ánh nói chắc nịch: “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận tất cả, không chỉ tôi mà tất cả đồng nghiệp tại Đà Nẵng cũng như cả nước đang hướng về Đà Nẵng đều như vậy”.
Tiếng còi từ chiếc xe cứu thương làm mọi người dạt ra hai bên, các y bác sĩ đỡ bệnh nhân, người chạy vội vào trong để chuẩn bị nhận bệnh mới. Tất cả những niềm vui, nước mắt được họ giấu kĩ trong lòng, chỉ có bước chân vẫn thoăn thoắt, đôi tay vẫn vững chắc là chỗ dựa cho bất kì ai cần. Tất cả hạnh phúc như đang để dành cho một ngày cả Đà Nẵng được đoàn viên!