Có việc làm, bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp
Bạn đọc có email nguyenoanhxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi nghỉ làm và đã nhận được 2 tháng TCTN. Đến tháng thứ 3 tôi lên khai báo là đã đi bán hàng quần áo ở gần nhà. Tôi có được hưởng TCTN nữa không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 3 và 4 điều 53 Luật Việc làm quy định: Người đang hưởng TCTN bị chấm dứt hưởng TCTN trong các trường hợp sau đây: a) Hết thời hạn hưởng TCTN; b) Tìm được việc làm; c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; d) Hưởng lương hưu hằng tháng; đ) Sau 2 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng TCTN giới thiệu mà không có lý do chính đáng; e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại điều 52 của Luật này trong 3 tháng liên tục; g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; k) Chết; l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; m) Bị tòa án tuyên bố mất tích. 4. NLĐ bị chấm dứt hưởng TCTN thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 điều này được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại điều 49 của luật này. Do đó, nếu bạn đã có việc làm thì sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN. Thời gian đã đóng BHTN của bạn mà chưa hưởng TCTN sẽ được bảo lưu và hưởng TCTN cho những lần đủ điều kiện sau.
Vẫn được hưởng BHXH một lần
Bạn đọc có email hoaithuxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi đi làm và đóng BHTN được 2 tháng (tháng 1 và 2.2018). Tôi nghe nói đóng BHTN dưới 3 tháng thì không được hưởng BHXH một lần đúng không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định: 1. NLĐ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH; c) Ra nước ngoài để định cư; d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; 2. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; b) 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, sau một năm nghỉ việc, bạn đủ điều kiện hưởng BHXH một lần.
Làm đêm ngày Tết, hưởng lương thế nào?
Bạn đọc số điện thoại 0978046XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Công ty chúng tôi phải huy động một số NLĐ đi làm thêm trong dịp Tết vào ban đêm. Công ty chúng tôi phải trả lương cho NLĐ thế nào?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo hướng dẫn của Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ LĐTB&XH tại Công văn số 4163/LĐTBXH-LĐTL ngày 5.11.2014 thì theo quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 97 BLLĐ 2012: “1. NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày. 2. NLĐ làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. 3. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày”. Giả sử đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ngày bình thường của NLĐ là A thì: Đối với lao động hưởng lương tháng, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất sẽ là: 300%A + 30% A + 20% x (300%A) = 390%A. Đối với lao động hưởng lương ngày thì ngoài tiền lương ít nhất bằng 390%A, NLĐ còn được trả tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định.