Đủ kiểu ăn xin
11h30 ngày 17.9, giữa lối ra vào chợ Vĩnh Hải (phường Vĩnh Hải), một đứa trẻ nằm quằn quại. Các bà mẹ, bà ngoại (hoặc nội) bồng, dắt lũ trẻ đến chợ đây xin tiền, như họ giải thích, vì hoàn cảnh khó khăn, nhà thiếu ăn, không có việc làm. Một tiểu thương nói: “Mấy tháng nay, ngày nào ở đây cũng có một “đội quân” xin ăn ở chợ. Họ đi hết hàng cá, đến hàng thịt, hàng rau, hàng ăn… Đi mệt thì họ ngồi một chỗ, ngay lối ra vào chợ, chẳng thấy ai nhắc nhở, xử lý”.
Khoảng 9h30 ngày 13.9, cụ ông tóc bạc được một người chạy xe ôm chở đến chợ Vĩnh Hải, lê từng bước nặng nhọc, rảo một vòng quanh chợ ngửa tay xin tiền. Cuối cùng, cụ ông ngồi phệt xuống một góc chợ đoạn giao đường 2 tháng 4. Vị trí này nhiều người ra vào chợ ban trưa nên ông cụ liên tục nhận được ít thì vài nghìn, nhiều thì vài chục nghìn. Cách chừng 1 tiếng đồng hồ, một người chạy xe ôm đang đợi khách giúp cụ gom tiền cho túi xách cũ nát. Lúc 10h45, sau nhiều lần gom tiền, cụ ông lên xe ôm vòng quanh chợ Vĩnh Hải. PV Lao Động đã bám theo, về tận nơi cụ ông ở - con hẻm ở khu dân cư số 4 Tây Nam (phường Vĩnh Hải), cách chợ Vĩnh Hải vài kilômét.
Chừng 17h chiều, chợ Vĩnh Hải xuất hiện cháu trai tên A (15 tuổi). Đang đi lang thang, A bỗng ngồi quỵ xuống đất, đưa mũ vải xin ăn. A bảo, quê tận tỉnh Ninh Bình. “Con vào đây được một năm rồi. Ban ngày con ngồi mấy chỗ có nhiều khách nước ngoài. Tối con lại ngồi ở đây, khi nào hết người ở chợ thì con nghỉ”. “Ngày con xin được bao nhiêu?” “Tùy ngày. Có ngày mấy trăm nghìn, có ngày chừng một triệu đồng”.
Lúc 12h30 trưa 17.9, sau khi vòng qua chợ Vĩnh Hải, cụ bà tên H (59 tuổi) dắt theo bé gái hơn 4 tuổi tiếp tục gõ cửa từng nhà dân dọc đường Nguyễn Khuyến xin… nước uống. Bà bảo quê ở vùng cao của một huyện miền núi tỉnh Phú Yên. Cuộc sống khó khăn nên bà dắt cháu bắt xe khách vào Nha Trang xin ăn được hai ngày. “Ban ngày tôi đi mấy chỗ đông người, trong đó có chân cầu gần Tháp Bà. Ban đêm ngoại cháu tôi ngủ ở khu chợ cũ” - bà H nói.
Tại chợ Đầm, chúng tôi cũng “giáp mặt” với đủ kiểu ăn xin. Sáng 19.9, một người phụ nữ ngồi “xòe tay” trên đường Đồng Nai (đoạn khu vực chợ Phước Hải) bảo, nhà bà ở Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang). “Mắt tôi mờ, nói năng khó nhọc, sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân giúp đỡ. Buổi sáng em gái chở tôi xuống chợ để xin rồi 2h chiều em gái lại xuống chở về, ngồi xin ở đây cũng lâu rồi. Mỗi ngày nhiều nhất thì được 200.000 đồng, còn ít thì vài chục. Ngồi đây xin không thấy ai bắt bớ gì cả” - người phụ nữ này nói.
Gần đó, một cụ ông năm nay đã 83 tuổi cũng đang ngồi chờ người đi đường “bố thí”. “Nhà tôi ở Lư Cấm (xã Ngọc Hiệp, Nha Trang). “Tôi không có vợ con, sống một mình. Hàng ngày, tôi đi xe thồ xuống chợ để xin tiền. Bình thường tôi xin ở chợ đây, thỉnh thoảng đi các chợ khác nữa. Ngày nhiều được khoảng 200 nghìn đồng, ngày ít thì 100 nghìn đồng hoặc hơn một chút” .
Suốt nhiều ngày đeo bám “đội quân” ăn xin, chúng tôi nhận ra rằng, phố biển du lịch Nha Trang trở thành “mảnh đất màu mở” để “cái bang” hành nghề. Và chúng tôi đã thử phân loại người ăn xin theo tỉnh, không hiểu sao, người dân ở tỉnh Phú Yên vào Nha Trang xin ăn nhiều đến vậy. Họ đa phần không đi một mình, mà luôn kèm theo một đứa trẻ...
Cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương
Bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐTBXH TP.Nha Trang nhớ... mang máng, hình như từ đầu năm đến nay, Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn (Đội 524) tập trung được khoảng hơn 100 người. Riêng tháng 9 này, báo cáo viết là 12 người. Tất cả được chuyển vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Dưới đây là trao đổi của PV và bà Lê Thị Mai Loan.
“Ở các chợ nhiều người thang lang, xin ăn, Đội 524 có biết không?” “Chợ là chợ nào em, các bạn (Đội 524 - PV) đi nhiều lắm mà không thấy?” Nghe chúng tôi liệt kê xong, bà Loan nói: “Chị biết chớ. Hình như chợ Đầm có vài đối tượng ở đó. Các chợ khác để chị cho các bạn của đội kiểm tra”.
Bà Loan phân trần, ở các chợ Đầm, Phương Sài, Vĩnh Hải… là có phần trách nhiệm của Ban Quản lý chợ và chính quyền sở tại chứ “chúng tôi chỉ làm các tuyến đường lớn, các điểm đông khách du lịch như Tháp Bà, chùa Long Sơn, bến cảng Cầu Đá, đường Trần Phú…”.
“Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn (Đội 524) của TP.Nha Trang lập ra lâu nay hoạt động thế nào?” “Nói chung tiền không thiếu mà thiếu nhân sự”. “Vì sao?” “Các bạn tuyển vào làm được thời gian ngắn rồi lại… đi mất. Các bạn đầu tiên vào đội bây giờ cũng không còn. Chúng tôi phải liên tục đăng tuyển người trên báo nữa cơ. Chỉ tiêu của đội lẽ ra là 7 người mà hiện chỉ có 4 người. Các bạn ấy còn trẻ mà đi làm nghề này chắc không “sang” lắm hay sao mà bỏ đi làm việc khác không biết”.
“Vậy giờ, tình trạng ăn xin khắp các chợ, sẽ được xử lý ra sao?” “Tôi hứa sẽ cho lực lượng xuống kiểm tra ngay. Trước đây có trường hợp chăn dắt ở chợ Phước Đồng. Đó là một thanh niên chở ông già cụt chân đi xin ăn. Chúng tôi đã cho vào ra Trung tâm Bảo trợ xã hội ba lần. Bữa nay không thấy nữa, không biết còn không? Rồi có lần chúng tôi tập trung cả một gia đình nào cha mẹ, con cháu dắt nhau đi ăn xin”.
Bà Loan đưa ra ví dụ về thực trạng lang thang, xin ăn “biến tướng”: “Chị có một người bạn. Bạn ấy đi ăn sáng. Gặp một đứa trẻ đi bán kẹo chừng 7-8 tuổi gì đấy. Nó vừa bán kẹo vừa xin tiền. Cô bạn hỏi con có biết, làm như thế là sai không, thì nó bảo “chị báo công an, em cũng không sợ”. Em có xin tiền đâu. Khó vậy đó”.
Bà Loan mong được chia sẻ với trở ngại, khó khăn mà Đội 524 đối mặt trong quá trình tập trung các đối tượng. Bởi, theo bà, không phải đối tượng ăn xin nào trạng thái tinh thần cũng bình thường. “Công việc tập trung là hết sức vất vả. Các đối tượng có khi là người nghiện, áo quần bẩn thỉu…” - bà Loan nói.
“Không lẽ một thành phố du lịch lại để cảnh xốn mắt như thế tồn tại?” “Sắp tới đây, hội nghị sơ kết, tôi sẽ đề xuất tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, chứ hiện nay họ không quan tâm, trong khi mình Đội 524 không thể nào quán xuyến hết được. Thêm nữa, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang quá tải khi tập trung các đối tượng xin ăn về đó”.
Chúng tôi hỏi ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa rằng, cơ sở vật chất ở Trung tâm có đáp ứng được nhu cầu tập trung người lang thang, xin ăn theo đề án hay không? Ông Công bảo: “Không vấn đề gì, mọi thứ đều đảm bảo vì UBND tỉnh đã cho Sở LĐTBXH sửa chữa lại các phòng ở đây. Trước đây, quy mô phòng ốc có thể đáp ứng được 30 đối tượng, nay có thể tập trung được 40 đối tượng”.
Theo ông Công, đề án hướng tới năm 2020 trên địa bàn TP.Nha Trang không còn người lang thang, xin ăn, nhưng trên thực tế, Trung tâm tiếp nhận không chỉ đối tượng trên địa bàn mà của nhiều tỉnh, thành khác đến Nha Trang “hành nghề”. Cái khó nữa là phân loại đối tượng trước khi vào Trung tâm. “Có đối tượng ngủ trên vỉa hè, trẻ em vi phạm pháp luật, bệnh tật nặng… không có hành vi lang thang, xin ăn cũng tập trung cả vào đây. Có trường hợp vừa đưa vào Trung tâm, chúng tôi phải bỏ kinh phí đưa gấp đi bệnh viện cấp cứu. Hiện nay, ở bệnh viện có rất nhiều trường hợp nằm trong đó. Có người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh...”.
Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn TP.Nha Trang giai đoạn 2015-2020” có giao trách nhiệm cho các xã, phường. Thế nhưng, người lang thang xin ăn vẫn đông đúc ở các chợ, khu du lịch... Trách nhiệm của chính quyền địa phương là ở đâu?
Sau nhiều ngày “lần theo những người lang thang, xin ăn, PV Lao Động đã chuyển hình ảnh, video ghi lại được cho Phòng LĐTBXH TP.Nha Trang. Trong sáng 19.9, bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng LĐTBXH TP.Nha Trang đã chỉ đạo Đội 524 “đổ quân” đến các chợ. Tại chợ Phương Sài, Đội 524 “tập trung” được 3 người. Ngày 20.9, bà Loan liên lạc lại với PV cho biết, Đội 524 “tập trung” thêm được 3 người tại chợ Vĩnh Hải.