Nỗi buồn cán bộ không chuyên

TRẦN LƯU |

Thông tin hàng trăm cán bộ cơ sở ở Hậu Giang đồng loạt xin nghỉ việc vì lương, phụ cấp không đủ sống đang gây xôn xao dư luận. Một lần nữa, vấn đề thu nhập của cán bộ cơ sở được đặt ra, với nhiều trăn trở, bức xúc. Phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập thực tế, ghi nhận những hoàn cảnh, những nỗi niềm tâm sự chát đắng...

Khổ như cán bộ không chuyên trách…

Nhìn sang đứa em bệnh tật, anh Lâm Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Vị Tân (TP Vị Thanh, Hậu Giang) nói như không cầm được nước mắt: “Mỗi tháng, tui chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng, thu nhập thấp, sống không nổi đã đành, chỉ tội cho đứa em nhỏ không may bạo bệnh, giờ tui chỉ mong có được công việc mới với thu nhập cao hơn để có tiền lo cho nó”…

Anh Sơn là một điển hình trong số hàng trăm trường hợp cán bộ ở Hậu Giang xin nghỉ việc vì thu nhập quá thấp. Nhà nghèo, là con trai lớn, nên từ nhỏ, anh Sơn luôn cố gắng học tập để gánh vác chuyện gia đình. Tốt nghiệp lớp 12, anh Sơn tham gia làm công tác trong xã đội, được trợ cấp 400.000đ/tháng. Làm việc ở xã đội được 5 năm, cuối năm 2015, anh được chuyển công tác sang UBMTTQ xã Vị Tân, giữ chức Phó Chủ tịch. Chức danh nghe rất oai, nhưng đằng sau đó là cả một thực tế đắng lòng của chàng trai trẻ.

“Tui chỉ là cán bộ không chuyên trách, nên chỉ nhận được mức trợ cấp với hệ số 0,95 nhân với mức lương tối thiểu. Tính ra mỗi tháng là 1.250.000đ, sau khi trừ đi phí bảo hiểm các thứ, chỉ nhận được 1.030.000đ”, anh kể. Tôi hỏi: “Với mức thu nhập này, làm sao sống nổi”. Anh Sơn thở dài: “Mình làm việc lâu ngày, riết rồi thấy có trách nhiệm, phải cống hiến cho địa phương, chứ lương kiểu này không thể nào sống nổi”.

Hoàn cảnh gia đình anh Sơn khá bi đát, nhà không ruộng đất, em trai (21 tuổi) mắc bệnh động kinh, không thể đi đứng được, ngay cả chuyện vệ sinh cũng rất khó khăn, phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Cha anh Sơn mở tiệm sửa xe, còn mẹ anh mở quán nước trước nhà. Gọi là quán cho sang, nhưng thực tế nó giống như những cái chòi dựng tạm. “Ở xứ quê nghèo này đâu như thành phố, ngày bán vài ly nước là mừng, có hôm chẳng được đồng nào”. Bà Huỳnh Thị Nguyên - mẹ của anh Sơn kể.

Mỗi tháng em trai của anh Sơn được trợ cấp 500.000đ, số tiền đó không đủ để lo thuốc men. “Trừ tiền xăng đi lại khoảng 400.000đ, tui còn dư được chút đỉnh, thường là phụ mua thuốc cho em nó”. Anh nói thêm, và cho biết: “Quá trình làm ở xã, tui được cho đi học ngành báo chí tuyên truyền hệ vừa học vừa làm, kinh phí do UBND xã hỗ trợ, còn lại thì tự túc. Tui vừa mới tốt nghiệp xong, đang chờ lãnh bằng để tìm công việc mới, chứ thu nhập kiểu này khổ chỉ càng thêm khổ”.

Ông Nguyễn Văn Ân - Trưởng phòng Nội vụ TP.Vị Thanh xác nhận: trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn TP có 44 cán bộ, công chức nghỉ việc. Trong đó có 1 công chức, còn lại 43 người là cán bộ không chuyên trách phường, xã và ở khu vực ấp. Đặc biệt, có 30 người nghỉ việc là Đảng viên. Hoàn cảnh khó khan là nguyên nhân chung khiến cán bộ nghỉ việc, mức phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống. Họ xin nghỉ để tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn.

Một cuộc họp lắng nghe ý kiến trình bày về tâm tư nguyện vọng của những cán bộ xin nghỉ việc.

Nghỉ việc để tự cứu mình

Tại thị xã Ngã Bảy, nơi có 35 trường hợp cán bộ cơ sở từ xã đến ấp, khóm, khu vực đã có đơn xin nghỉ việc, trong đó, có 19 cán bộ cấp xã, phường và 16 cán bộ ở các ấp, khu vực. Hiện đã có 18 người xin được việc ở các công ty, xí nghiệp hoặc tự mở cơ sở kinh doanh, mua bán.

Đến xã Tân Thành, nơi đây có 2 phó chủ tịch không chuyên trách xin nghỉ việc là chị Bùi Thị Tuyết Ngà và anh Nguyễn Văn Lịnh. Cả hai người này đều là đảng viên, đều tốt nghiệp đại học, có nhiều năm công tác mặt trận, tận tụy với công việc, sâu sát với phong trào. Riêng anh Nguyễn Văn Lịnh (SN 1983, ở ấp Sơn Phú 2A), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tự bỏ tiền tiếp tục học đại học ngành môi trường chi phí hơn 100 triệu đồng nay thu nhập hàng tháng hơn 1 triệu đồng nên cũng không thể đeo bám nhiệm vụ được. Anh Lịnh cho biết hiện là đại biểu HĐND xã, đã học trung cấp chính trị, rất tâm huyết với công tác mặt trận nhưng lương thấp quá, đành phải xin nghỉ việc, kiếm việc khác với hy vọng đủ trang trải cuộc sống và lo cho kinh tế gia đình. Ngoài ra, lý di oanh xin nghỉ việc là vì việc xét vào biên chế mù mịt, xa vời.

Ông Huỳnh Hoàng Anh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Tân Thành cho biết: Xã hiện có 8 cán bộ không chuyên trách cấp xã và ấp, khu vực xin nghỉ việc trong đó có 2 em phó chủ tịch xin nghỉ việc khiến cho công tác mặt trận xã gặp không ít khó khăn. Đảng ủy xã giao cho tôi gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế, động viên tư tưởng và bàn biện pháp giúp đỡ cho anh Lịnh một căn nhà đại đoàn kết nhưng anh vẫn kiên quyết xin nghỉ vì nếu có nhà rồi nhưng kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn thì cũng không yên tâm công tác.

Cũng tại xã Tân Thành, chúng tôi cũng được biết có trường hợp của anh Trang Thanh Long, sinh năm 1970, hiện là đảng ủy viên, cán bộ tổ chức Đảng và Nhà nước xã cũng không thuộc diện biến chế 22 người mà chỉ là cán bộ không chuyên trách. Anh Long đang học đại học quản lý nhà nước hệ vừa học vừa làm với hy vọng sau này được xét vào biên chế. Tuy nhiên, theo anh Long, chị Ngà, anh Lịnh thì trước tình hình hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước đang giảm biên chế nện việc hy vọng được xét biên chế hết sức mong manh. Chính vì vậy mà anh Lịnh, chị Ngà chọn con đường xin nghỉ việc và tự lo cứu lấy mình.

Theo báo cáo mới nhất của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh Hậu Giang có 539 trưởng ban công tác mặt trận (TBCTMT)/539 khu dân cư, trong đó, 99,25% là đảng viên. Hiện nay có 16 trường hợp cán bộ mặt trận cơ sở xin nghỉ việc trong đó có 7 phó chủ tịch, 9 TBCTMT, gồm: TP. Vị Thanh 3 TBCTMT xin nghỉ việc đi làm kinh tế; thị xã Ngã Bảy có 3 trường hợp nghỉ việc làm công ty; huyện Long Mỹ có 2 cán bộ nghỉ việc; huyện Phụng Hiệp có 4 cán bộ xin nghỉ việc; huyện Châu Thành có 4 cán bộ TBCTMT nghỉ việc…

Cần hỗ trợ “đặc thù”

Những cán bộ, công chức ở tỉnh Hậu Giang xin nghỉ việc hàng loạt trong thời gian có rất nhiều người là công an viên xã. Đây là lực lượng cơ sở nắm tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tuy nhiên hiện nay chính sách phụ cấp cho họ (trừ Trưởng công an xã) còn nhiều bất cập. Có một thực tế rằng, dù là cán bộ không chuyên trách, nhưng công việc của những người này chẳng khác gì cán bộ “chính quy”, chỉ khác nhau ở chỗ là lương thì “một trời một vực”!

Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện Phụng Hiệp cho biết: Trung ương cần hỗ trợ kinh phí đặc thù cho Mặt trận bởi hiện nay, MTTQ tham gia rất nhiều lĩnh vực, tổ chức nhiều phong trào, xây dựng nhiều mô hình nhưng không có kinh phí đặc thù. Nếu ở cơ sở tuyển dụng cán bộ thì nên căn cứ vào bằng cấp của cán bộ được tuyển dụng để trả lương chứ chỉ trả phụ cấp 0,95 hoặc 0,90 thì sẽ không thu hút được cán bộ làm việc.

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2012, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định “Quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn và ở ấp, khu vực”. Theo đó, những người không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được trợ cấp hệ số thấp nhất là 0,70 và cao nhất là 1,00 nhân với mức lương tối thiểu; còn những người ở ấp, khu vực, mức trợ cấp thấp nhất là 0,50, cao nhất là 1,00 nhân với mức lương tối thiểu, mỗi ấp, khu vực bố trí không quá 3 người, còn xã, phường, thị trấn, mỗi nơi dao động từ 19 - 22 người.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho rằng: Hậu Giang là tỉnh nghèo, trong khi mặt bằng sống ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh, thành khác. Nhiều anh em cơ sở rất tâm huyết với công tác mặt trận, nhưng do điều kiện sống không đảm bảo, nên họ không thể toàn tâm toàn ý cống hiến được. Việc đầu tiên là phải làm sao ổn định được cuộc sống anh em ở địa phương một cách căn cơ, đó là vấn đề mấu chốt của việc giải quyết tình trạng nghỉ việc nhiều. Về phía mặt trận sẽ cập nhật sát tình hình, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, ngoài kinh tế ra còn vấn đề gì khó khăn nữa không?. Từ đó có những giải pháp cũng như đề xuất phù hợp để giải quyết thực trạng trên.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 6.4, một cán bộ có chức trách của Tỉnh ủy Hậu Giang xác nhận: Toàn tỉnh hiện có 216 cán bộ không chuyên trách của ấp, khu vực và 65 cán bộ không chuyên trách của xã nghỉ việc. Trong số này, chỉ vài trường hợp nghỉ việc do nguyên nhân khách quan, còn lại đều do mức trợ cấp quá thấp, các anh chị em không trang trải đủ cho cuộc sống nên nghỉ việc, tìm việc làm khác ổn định, có thu nhập khá hơn. “Hiện Tỉnh ủy đã nắm được tình hình này cũng như số liệu thống kê đầy đủ, trên cơ sở đó sẽ đưa ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, cán bộ này nói.

TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Chủ tàu du lịch Hạ Long lao đao sau bão Yagi

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Mặc dù hoạt động du lịch đã phục hồi sau bão Yagi, nhưng những chủ tàu du lịch TP Hạ Long bị chìm đắm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giao công an xác minh việc "hôi của" trên cao tốc ở Phú Thọ

Tô Công |

Phú Thọ - UBND huyện Cẩm Khê giao Công an và chính quyền xã Minh Tân xác minh, làm rõ thông tin "hôi của" trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nam Định có tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Lương Hà |

Nam Định - Chiều ngày 30.9, Sở GDĐT tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Giám đốc Sở GDĐT.

Xe cứu thương cháy rụi trên đường đưa bệnh nhân chuyển viện

Hoài Phương |

Bình Định - Trung chuyển bệnh nhân từ Phú Yên ra Bình Định, chiếc xe cứu thương bất ngờ cháy rụi trên đường.

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Thân thế điệp viên khiến thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát

Thanh Hà |

Cuộc không kích của Israel vào Beirut, Lebanon khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng dựa trên thông tin tình báo từ một điệp viên Iran.

Hiện trạng xuống cấp của sân Thống Nhất trước khi cải tạo

Thanh Vũ |

TPHCM - Sân vận động Thống Nhất đang xuống cấp và sắp được thi công cải tạo với kinh phí 149 tỉ đồng.