* Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các cơ sở kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm “que thử ung thư”.
Chủ cửa hàng thiết bị y tế quảng cáo về sản phẩm “que thử ung thư dạ dày” . |
Người bán cũng không biết cách sử dụng!
Tại một cửa hàng cung cấp thiết bị y tế trên phố Phương Mai (Hà Nội) khi PV hỏi “có que thử ung thư dạ dày không?”, ông chủ cửa hàng này khoảng hơn 40 tuổi này bảo “có”, nhưng chỉ bán buôn theo từng hộp với số lượng. Sau đó, bán cho chúng tôi một hộp sản phẩm đề tên “Fast & Accurate SERO-CHECK”, nói là “que thử ung thư dạ dày” kèm theo lời dặn “về tự lấy máu cho vào que thử, một lần thôi là biết bệnh hay không ngay!”.
Khi PV hỏi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, ông chủ cửa hàng này ngập ngừng rồi nói: “chắc là của Mỹ thôi” và nhấn mạnh: “Em lấy nhiều hơn có hẳn giấy tờ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cho em luôn. Lấy ít thì không cần”.
Chúng tôi hỏi tiếp “kết quả có chắc chắn chính xác không?”, chủ cửa hàng khẳng định: “Chắc chắn luôn. Như thử thai, có cái gì đâu”. Tuy nhiên, khi được hỏi về cách sử dụng, ông chủ cửa hàng tỏ ra lúng túng “Không có hướng dẫn bởi nhập khẩu trực tiếp”. Sau khi mua “que thử ung thư” như lời ông chủ bán hàng đã khẳng định, nhóm PV đã tiến hành thử nghiệm loại que thử đã mua được, sau 3 lần làm theo hướng dẫn bằng tiếng Anh ghi trên bao bì đều không thấy hiện kết quả như người bán hàng quảng cáo nói.
Trên mạng xã hội, không khó để tìm ra các địa chỉ bán que thử phát hiện sớm ung thư. Một địa chỉ facebook quảng cáo và cung cấp thông tin cho khách hàng khá đầy đủ: “Với Que thử ung thư sớm Quick Cat bạn sẽ có ngay kết quả về sức khỏe của mình mà không mất thời gian và chi phí nhiều để đến bệnh viện kiểm tra. Bạn có thể thực hiện tại nhà mà không mất thời gian, kết quả sẽ có ngay trong vòng 5 phút. Đồng thời, phương pháp này còn được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển hay thoái lui của khối u ác tính, qua đó đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị đang được áp dụng cho bệnh nhân”.
Địa chỉ này còn lưu ý: “Khi kiểm tra, nếu thấy kết quả dương tính, đừng vội lo lắng, hãy lặp lại thử nghiệm nhiều lần. Nếu vẫn xuất hiện kết quả dương tính thì cần phải đến bệnh viện để khám lâm sàng. Một số trường hợp bệnh nhân đang trong quá trình trị liệu, phải sử dụng một lượng lớn thuốc hoặc những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng có thể cho kết quả âm tính giả”. Một số trang web khác, loại que thử này được quảng cáo khá “nổ” với những chức năng như có thể phát hiện sớm hầu hết các loại bệnh ung thư nguy hiểm.
Trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội) - nơi có chợ thuốc tấp nập vào hàng nhất nhì Hà Nội, PV đã nhập vai người có nhu cầu mua sản phẩm que thử phát hiện ung thư sớm đang làm dư luận xôn xao gần đây. Khi được hỏi, một nhân viên nữ của cửa hàng thuốc tại số 10X lúc đầu nói không có. Nhưng sau khi PV nói muốn mua bộ “que thử ung thư” khoảng gần 1 triệu đồng thì chị ta “lệnh” cho một nhân viên khác kiểm tra để lấy ra kho hàng. Tuy nhiên, sau khi gọi điện cho ai đó để hỏi ý kiến và liếc xéo về phía chúng tôi, chị ta lại trả lời: “Bọn chị hết hàng rồi”!
Tiền mất, tật mang
Sau khi sử dụng que thử Quick Cat được rao bán trên mạng, bà Nguyễn Thị D (Đống Đa, Hà Nội) vừa khóc vừa kể lại: “Đầu năm, chồng tôi đang khoẻ mạnh bỗng thấy mệt mỏi, chán ăn lại vàng da. Con tôi mất gần triệu bạc mua que thử ung thư về cho chồng tôi sử dụng, que thử báo là âm tính. Cứ yên tâm không đi khám. Thế rồi mấy tháng sau chồng tôi thấy đau thắt vùng gan, vào viện khám thì phát hiện ung thư gan. Xin mọi người đừng có tin vào cái loại que thử đểu ấy, nếu đi viện khám thì chồng tôi đã không bị muộn đến mức này”.
Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ Trần Văn Bản - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cho biết: “Thưc tế hiện nay chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào được công bố để khẳng định về tính đặc hiệu của loại que thử nhanh ung thư. Hiện nay, y học có phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư sớm, là cơ sở để theo dõi tạng phủ của bệnh nhân từ đó phát hiện ung thư. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương pháp mang lại hiệu quả chắc chắn 100%.
Việc tin dùng que thử ung thư chưa có sự kiểm định của cơ quan chuyên môn nguy hiểm ở chỗ, trường hợp người dùng chỉ bị bệnh nhẹ, nhưng sau khi thử mà que báo ung thư thì sẽ gây tâm lý hoang mang, tốn kém kinh tế, suy sụp tinh thần. Ngược lại, nếu bệnh nhân tin vào kết quả của que thử ung thư báo không bị bệnh thì có thể bỏ lỡ thời điểm “vàng” để chữa bệnh, dẫn đến tiền mất tật mang”. Bác sĩ Bản cũng khuyên bệnh nhân không nên tin loại que thử này, nếu có biểu hiện nghi ngờ thì nên đến bệnh viện kiểm tra, thực hiện các phương pháp xét nghiệm của y học hiện đại để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
PGS-TS Bùi Văn Lệnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bức xúc: “Sản phẩm y tế sao lại có thể buôn bán kiểu đường phố như thế? Nếu có căn cứ khoa học nào về việc que thử này có tác dụng phát hiện ung thư sớm hoặc được phép nhập khẩu thì Bộ Y tế đã gửi thông báo đến người dân rồi”.
Trao đổi với báo Lao Động về loại que thử trên chiều 17.12, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư (Bệnh viện K), cho biết: “Tôi không nghe đến loại que thử nào mà có thể phát hiện ra ung thư, loại que thử này chỉ có thể giúp phát hiện trực khuẩn trong dạ dày, mà điều này cũng không thể kết luận người thử có bị ung thư hay không. Theo tôi được biết Bệnh viện K và các cơ sở khám, điều trị ung bướu cũng không sử dụng bất cứ một loại que thử nào để phát hiện ung thư”.
Sự quảng cáo quá đà của những người bán hàng khiến cho một bộ phận người dân cả tin “mắc lừa” rồi tràn trề thất vọng. Mặc dù rất kỳ vọng, nhưng những tác dụng “siêu việt” của sản phẩm có tên gọi “que thử ung thư sớm” thực tế chỉ là trò lừa bịp. Sự cả tin của người tiêu dùng chỉ góp phần làm giàu cho những kẻ trục lợi mà thôi.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình Y tế cho biết:
“Chúng tôi đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm que thử ung thư. Hiện nay, Bộ Y tế chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm thanh thử để phát hiện định tính các chất chỉ điểm (marker) đối với một số loại ung thư là Bioline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và SD Bioline CEA (phát hiện định tính CEA trong huyết tương hoặc huyết thanh người) do Hàn Quốc sản xuất. Các sản phẩm này chỉ dùng để phát hiện định tính các chất chỉ điểm đối với một số loại ung thư. Để chẩn đoán ung thư, người bệnh phải đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán tế bào học và chẩn đoán mô bệnh học”.