Việt kiều “hồi hộp” đến trường

Lục Tùng |

Dù trước lúc lên đường đã hình dung “tất tần tật” những khó khăn, thiếu thốn mà học sinh Việt kiều phải đối mặt trên hành trình vượt biên học tiếng mẹ đẻ, nhưng lòng tôi vẫn nghèn nghẹn khi tận mắt chứng kiến cảnh Việt kiều “hồi hộp” đến trường. Hồi hộp không chỉ vì các gia đình phải tận dụng xuồng, ghe dùng để giăng câu, bắt ốc để chở các em qua con sông cuồn cuộn sóng nước đầu nguồn mùa lũ, mà còn vì các em phải đi trong sự lén lút trước lệnh cấm của cơ quan chức năng bên kia biên giới.

Lén lút đến trường

“Phải đi thật sớm trước giờ làm việc, rồi dòm trước ngó sau, “canh” không có bóng dáng “lính, làng” mới dám nổ máy tăng hết tốc lực đưa học sinh vượt sông Bình Di đến trường...”, nghe anh Nguyễn Văn Nuôi, chủ đò duy nhất đưa - rước học sinh từ Pẹc-chạy (Cỏ-thum, Cần-đan, Vương quốc Campuchia) sang Khánh An (An Phú, An Giang, Việt Nam) học chữ, mà lòng tôi như quặn thắt trước tình cảnh học sinh Việt kiều phải lén lút đến trường như... kẻ trộm. Rồi vết thương tứa máu ấy như bị đẩy lên đỉnh điểm của sự đau đáu khi anh Nuôi cho biết sự thật: “Tội nhất là mấy em ở trong đồng sâu, như Bưng Tràm, Bồn Nước... để kịp chuyến sang sông, các em phải thức dậy từ 5 giờ sáng”. Sau đó lại gần như tranh nhau xuống đò để tránh bị trễ học và nhất là tránh bị “lính làng” giữ người theo ghe vi phạm lệnh tạm ngưng lưu thông. “Nhiều bữa, nhìn mấy cháu hớt hải đến bến đò rồi khóc vì sợ tôi ngưng đưa sẽ trễ học, nghĩ đến cảnh con, cháu mình cũng đi học, nên tôi liều mình, nổ máy đưa cháu sang sông”, anh Nuôi chia sẻ. 

 

 Chiếc ghe Cà-dôm chỉ nhỉnh hơn chiếc xuồng ba lá, càng trở nên bé nhỏ và tròng trành trước sự mênh mông của sông nước, sống gió mùa lũ đầu nguồn.

Tuy nhiên, theo anh Nuôi, gian nan nhất là lúc về. Để né sự kiểm soát của cơ quan chức năng trên đất nước Chùa Tháp, anh phải canh sau 11 giờ trưa mới dám cho đò đưa học sinh quay về. 11 giờ 5 phút, khi vừa thấy đò anh Nuôi vượt sông, hàng chục học sinh Việt kiều tại trường Tiểu học A Khánh An túa ra rồi tranh nhau xuống đò như thể đây là chuyến đò cuối cùng. Nghe ông Tư Dược, nhà ngay bến sông, thở dài: “Nếu không có thằng Nuôi, không biết mấy đứa nhỏ đi học bằng đường nào”, tôi cũng phần nào hiểu được tầm quan trọng của chuyến đò độc nhất đưa rước học sinh này. Nhưng nhìn chiếc ghe cà-dôm (phương tiện giao thông thủy đặc trưng của phía Campuchia) của anh Nuôi chỉ nhỉnh hơn chiếc xuồng ba lá mà người dân sông nước ĐBSCL dùng để thăm câu, giăng lưới... nhưng phải chở 5-7, thậm chí trên 10 học sinh băng qua con sông cuồn cuồn sóng, nước đầu nguồn mùa lũ, mà không hề có áo phao, hay vật bảo hiểm nào, tôi lại ái ngại... Và nỗi lo càng tăng lên khi nghe anh Nuôi thú nhận đây là lần đầu tiên trong đời anh làm nghề đưa đò trong tình thế “chẳng đặng đừng”. “Anh lo một, tui lo tới mười”, anh Nuôi trải lòng: “Vừa phải canh trời nổi giông gió, vừa phải canh lính làng và nhất là canh để kịp thời chấn chỉnh mấy cháu học trò hay đùa giỡn... Bởi chỉ cần một chút sơ sẩy là chủ đò lãnh đủ. Trong khi đó, thù lao chẳng là bao”. Theo lời anh Nuôi, do nhiều nhà không có sẵn xuồng ghe, thấy anh sẵn đưa con đi học, nên nhờ và anh nhận lời như chia sẻ tình làng nghĩa xóm với bà con. Bởi với mức thu 2.000đ/cháu cả đi lẫn về, chủ yếu đủ tiền đổ xăng và cơm nước trong nhà qua ngày. Nhưng nếu bị lực lượng nước bạn phát hiện, không chỉ bị tịch thu cả ghe lẫn máy, mà còn bị phạt tiền...

Bây giờ, cho đến bao giờ?

Mấy năm qua, cứ vào dịp khai giảng năm học mới là tôi lại khăn gói ra biên giới như một cách chia sẻ khó khăn, nhọc nhằn với hàng ngàn học sinh Việt kiều từ đất nước Chùa Tháp sang Việt Nam học tiếng mẹ đẻ. Năm nay, tôi trở lại huyện An Phú (An Giang) nơi đã gieo mầm cho nhiều phóng sự về đề tài Việt kiều vượt biên học tiếng mẹ đẻ. Với tất cả sự tự tin, đến xã Khánh An - nơi có gần 500 học sinh Việt kiều từ xã Pẹc- chậy (huyện Cỏ - thum, tỉnh Cần - đan, Vương quốc Campuchia) sang học, tôi tranh thủ đi thẳng ra bến sông để “mục kích” cảnh học trò đi đò sớm làm ảnh tư liệu, minh họa, trước khi làm việc chính thức với cơ quan chức năng. Nhưng đợi hết bến đò Chợ Cũ, đến bến đò Chợ Mới rồi cả bến đò Cây Me mà chẳng thấy bóng dáng học trò, tôi đến trụ sở UBND xã Khánh An để tìm hiểu. Anh Hình Thế Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết, sau khi tạm ngưng hoạt động bến đò Chợ Cũ và Chợ Mới, mới đây cơ quan chức năng bên kia biên giới tiếp tục vận dụng lệnh tạm ngưng đi lại trên các tuyến “đường mòn-bến mở” đối với bến đò Cây Me. 

 

Nhiều gia đình sợ đò tạm mất an toàn nên theo sát con, em nhưng hành động này khó thể duy trì nếu kéo dài việc tháo dỡ lệnh tạm ngưng đi lại tuyến "đường mòn, lối mở" của cơ quan chức năng bên kia biên giới. 

Việc ngưng hoạt động đưa-rước 3/3 bến đò chính qua - lại sông Bình Di giữa hai xã Khánh An – Pẹc-chậy, không chỉ ảnh hưởng đến việc qua - lại biên giới của hơn 12.000 người Việt sinh sống tại Pẹc-chậy mà còn như “đóng cửa” đến trường của hơn 1.000 học sinh sang An Phú học chữ. Bởi ngoài 3 bến đò này, phải đi thêm 15-20km nữa mới có bến đò chính thức được phép hoạt động qua-lại trên sông Bình Di. Đây là điều “không thể” đối với học sinh mầm non, tiểu học. Vì vậy, ban đầu nhiều gia đình đã tự phát dùng xuồng, ghe để tự đưa rước con em đi học. Tuy nhiên, do phần lớn là xuồng, ghe nhỏ dùng để giăng câu, thả lưới nên rất nguy hiểm khi qua lại trên sông lớn mùa đang lũ từ thượng nguồn đổ về. Theo lời trung tá Mai Hồng Công, Trưởng Công an xã Khánh An, mấy hôm trước, đã xảy ra vụ chìm xuồng khi bà con đưa con, em từ Pẹc-chạy sang Khánh An đi học. Nhưng may mắn là sự cố xảy ra gần bờ nên được cứu vớt kịp thời, không xảy ra thiệt mạng... Sau sự cố này, nhiều gia đình một phần lo sợ sóng, gió từ trời đất, một phần sợ bị bắt phạt từ lực lượng “lính làng”... nên tâm trí càng căng thẳng, và gần như ai ai cũng thường trực nỗi lo sợ. Là số ít người có điều kiện theo sát con trên các chuyến đò, nhưng chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, nhà ở Cây Sộp, Pẹc-chạy), có 2 con là Nguyễn Tuấn Cường và Nguyễn Diễm My, theo học lớp 6 và lớp mẫu giáo tại xã Khánh An, cho biết: Xuồng nhỏ, sông sâu, nước chảy, rồi sóng, gió...ngồi bên con mà lo hết cái này đến cái khác”. Đến bao giờ mới cắt được nỗi lo này? Phó chủ tịch UBND huyện An Phú Đoàn Bình Lâm cho biết, địa phương đang rất lo. Nhưng do đây là chuyện thuộc lĩnh vực đối ngoại nên An Phú đã báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét có hướng xử lý đúng trình tự ngoại giao. “Tuy nhiên trong lúc chờ cấp thẩm quyền giải quyết tháo theo đường chính thống, chúng tôi nỗ lực vận dụng các mối quan hệ láng giềng hữu nghị để tìm hiểu và xử lý theo hướng tích cực nhất”, ông Lâm chia sẻ.

Nhiều nguy cơ khó lường

“Nếu lệnh tạm ngưng đưa đò qua-lại giữa Pẹc-chạy và Khánh An còn kéo dài, sẽ phát sinh nhiều nguy cơ khó lường”, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh An, Bùi Văn Hiền, lo lắng. Trươc hết là độ an toàn tính mạng của các học sinh Việt kiều. Theo ông Hiền, trước đây, ngoài 3 bến đò ngang, còn có 2 chuyến đò dọc, nhận nhiệm vụ đưa - rước học sinh sinh sống trong đồng sâu. Các phương tiện này tương đối lớn và nhà trường cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo phao cho các em... Năm nay, các chuyến đò cố định này không hoạt động, người dân tự phát đưa rước nên khó trang bị áo phao... lại thêm phương tiện nhỏ, nên rất lo. Trong khi đó, điều này cũng để lại khoảng trống đáng lo cho hoạt động dạy học. Trước mắt, là sự thiếu hụt học sinh. Hiện sĩ số học sinh lớp 1 đang giảm hàng chục em so với bình quân nhiều năm mà lý do chủ yếu được xác định là do nhiều gia đình bên kia biên giới đang trông chờ tháo dỡ lệnh tạm ngưng hoạt động “đường mòn, bến tạm” để con em đến trường an toàn hơn. “Không phải phụ huynh không lo, mà do quá khó’, ThS Diệp Hoàng Ân, giảng viên Khoa Sư phạm (ĐH An Giang), nhân vật điển hình cho thành công trong các phóng sự về học sinh Việt kiều du học, đã bật mí bí mật ít ai biết về tình cảnh người Việt ở Pẹc-chạy, với tư cách “người trong cuộc”: “Nhiều gia đình cách trường 4-5 cây số, khi lũ về, bốn bề như biển nước. Vì vậy nếu không có đò dọc, thì rất khó đến trường. Vì thường mỗi nhà chỉ có 1 chiếc xuồng, nếu đưa rước con em thì không còn phương tiện kiếm sống”. Vì vậy, nếu lệnh cấm kéo dài, học sinh nhập học trễ, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giúp các em rút ngắn khoảng cách với bạn bè.

 

rưởng Tiểu học A Khánh An (xã Khánh An- An Phú- An Giang) mỗi năm đón nhận khoảng 350 Việt kiều sang hoc. 

 Tuy nhiên điều khiến những người làm công tác giáo dục lo lắng đó chính là nguy cơ bỏ học giữa chừng sẽ tăng cao đột ngột sau thời gian khai giảng. Vài năm gần đây, do chính quyền sở tại thắt chặt việc quản lý thuê đất sản xuất, khiến việc mưu sinh của nhiều Việt kiều ở Pẹc-chạy gặp khó khăn và hệ lụy là sau mùa lũ rút, họ kéo nhau sang Bình Dương, Đồng Nai....lao động kiếm sống, kéo theo con em bỏ học. “Năm nay, nước lũ về thấp, việc kiếm sống từ khai thác tài nguyên lũ càng thấp, cộng với việc qua lại biên giới gặp khó, nhiều khả năng nạn bỏ học theo gia đình đi làm ăn xa, hay ở nhà phụ giúp cha mẹ của học sinh Việt kiều sẽ đến sớm hơn”, ông Hiền dự báo đầy lo lắng: Khi đó rất khó để vận động các em trở lại lớp...vì giáo viên chúng tôi không thể... vượt biên”.
“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, xin mượn lời vàng ngọc của cha ông để kết thúc bài viết này như lời thỉnh cầu: Những người có trách nhiệm, hãy làm cái gì đó để học sinh Việt kiều không còn “hồi hộp” với đường đến trường!

Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Lý do Bộ Giáo dục đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất

Vân Trang |

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cập nhật giá vàng sáng 27.9: Vàng nhẫn hừng hực tăng

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 27.9: Đà tăng giá của vàng chưa dừng lại. Vàng nhẫn tròn trơn 9999 phá đỉnh mới 83 triệu đồng/lượng.

Tại sao Man United từng từ chối Ivan Toney?

An An |

Ivan Toney từng được coi là bản hợp đồng lý tưởng với Man United nhưng cuối cùng, thương vụ này vẫn không thể xảy ra.

Chuyện về cô gái khiếm thính ở Việt Nam giành học bổng Mỹ

ĐÔNG DU |

Chương trình "Đời rất đẹp" mới đây kể lại câu chuyện về chị Nguyễn Trần Thủy Tiên - người nhận học bổng toàn phần ở Mỹ và trở về cống hiến cho cộng đồng người khiếm thính tại Việt Nam.

Cục Thuế Bình Định cưỡng chế nợ thuế đối với Bamboo Airways

Hoài Phương |

Theo Cục Thuế tỉnh Bình Định, trường hợp Bamboo Airways không nộp đủ số tiền thuế nợ, Cục sẽ cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với công ty này.

Thêm một thi thể mất tích tại Làng Nủ được tìm thấy

Đinh Đại |

Lào Cai - Sau hơn 2 tuần tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy một thi thể mất tích do lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Cho thôi Đại biểu Quốc hội đối với Phó Bí thư Lâm Đồng

Lan Nhi |

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn.

Hiện trường cướp ô tô gây tai nạn liên hoàn ở Cần Thơ

QUANG PHƯƠNG |

Cần Thơ - Một đối tượng nghi sử dụng ma túy đã cướp ô tô tải gây tai nạn liên hoàn tại khu vực trước cổng Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.