Tôi bay vào TPHCM. Chuyến công tác ấy chỉ để gặp An, xin một trong những tấm hình ấy chọn làm bìa báo Xuân Lao Động năm 2015.
Chúng tôi hẹn nhau ở quán café nhỏ, nằm trong một con hẻm trên đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận, TPHCM. An gọi căn gác xép xinh xắn nhưng là đại bản doanh của 3ackpackers là… tổ quỷ. An cũng tự nhận mình là quỷ khi lấy “nick name” trên mạng xã hội là Quỷ Cốc Tử.
Lúc ấy, tình cờ, An cũng thông báo mình vừa vào Zing News được mấy ngày. Và tôi chọn một bức ảnh của An làm bìa số Xuân năm ấy với chủ đề “Nối tròn một vòng Việt Nam”.
Chàng trai sinh năm 1981 này, mảnh dẻ, nhanh nhẹn, thông minh và có một năng lượng làm việc khủng khiếp. An đi nhiều, gặp nhiều và đặt chân ở nhiều vùng đất trên thế giới. Lúc nào cũng nụ cười ấy.
Nhưng hình ảnh tôi đọng lại, không chỉ là đam mê nhiếp ảnh với cái cốc anh dùng uống nước hằng ngày cũng được làm bằng một cái… ống kính máy ảnh mà chính là tình yêu của anh với công việc. Đó là ánh mắt khắc khoải trong vụ sập hầm lò Đạ Dâng cuối năm 2014, đó là cái cách An ghi lại khoảnh khắc đời thường của mỗi người lao động.
Cuối năm 2017, An lại làm tôi ngạc nhiên về bộ ảnh của những công nhân lau kính ở TPHCM. Không hề có sắp đặt, “100% nguyên liệu” tự nhiên như An nói. Những người thợ bình thường, thô ráp lau kính của những tòa nhà chọc trời ở TPHCM và tình cờ, người thợ ấy tạo hình thành một trái tim.
“Làm việc bằng trái tim yêu nghề thì phẩm chất bên trong tự nhiên sẽ toát ra dáng hình” - An viết trên Facebook cá nhân.
Hình ảnh người thợ đẹp một cách ngỡ ngàng. Và khi làm chuyên đề về sự bền vững, tôi nghĩ ngay đến Ngô Trần Hải An với bộ ảnh về người thợ tuyệt đẹp của anh. Không thể bền vững nếu thiếu trái tim, tình yêu trong công việc, trong lao động.
Thông điệp chỉ có thế nhưng là tiền đề của sự phát triển. Và tôi tin Hải An luôn có trái tim nhiệt huyết với công việc của chính mình.