Theo Ban Bí thư, với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số Cty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Nghĩ thật sự vừa ngậm ngùi vừa bức xúc.
Tôi không biết ông Dũng nghĩ gì khi mà khoản nợ kia, thật xót xa, như là cả một đại dương mồ hôi nước mắt của dân.
38.000 tỉ. Có nghĩa là bằng đúng số thu của tỉnh Quảng Ninh, địa phương hạng 6 cả nước về thu ngân sách.
38.000 tỉ, có nghĩa là 2,5 triệu công nhân dệt may phải làm không công cả 365 ngày mới gần đủ trả nợ (37,7 ngàn tỉ năm 2016).
38.000 tỉ, tương đương với 5 cây cầu mà Hà Nội định xây. Gấp hơn 2 lần rưỡi gói hỗ trợ ngư dân đóng tàu (16.000 tỉ). Tương đương 380.000 ngôi nhà ở xã hội cho công nhân (100 triệu đồng/căn)...
38.000 tỉ... Không thể đong đếm được bằng cả nước mắt lẫn nỗi bức xúc.
Trong số nợ nần kia, có những điều mà người dân không hiểu nổi trong việc quản lý đầu tư, quản lý vốn, tài sản, đất đai và cả con người của Nhà nước.
Những cái sai ấy không thể chỉ giải thích với dân là chủ quan, là thiếu trách nhiệm, là do khách quan mà được.
Những cái sai ấy, cũng không thể bù bằng những chức vụ giờ đã chỉ còn ý nghĩa trên lý lịch mà xong.
Và muốn không để những quả đấm thép khỏi lỗ, nợ và phải trả nợ bằng tiền thuế của dân, có lẽ trường hợp ông Chủ tịch Vinachem phải được nhìn nhận trong mối liên hệ với cung cách quản lý và đầu tư của các DNNN. Bởi Vinachem cũng mới chỉ là một, bởi khoản nợ 38.000 tỉ kia cũng chỉ muối bỏ bể so với thực tế thua lỗ nợ nần của các DNNN.