Nói một cách chính xác là điểm thi ở hầu hết các môn thấp hơn nhiều điểm trong học bạ. Trong đó, Lịch sử chính là môn có điểm chênh lệch lớn nhất - điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của cả nước môn Lịch sử là 4,971, trong khi đó điểm trung bình học bạ là 7,659 (chênh 2,689 điểm). Các môn Sinh học, tiếng Anh cũng có độ chênh lệch cao, theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi thực tế.
Với cơ chế tuyển sinh hiện nay thì dù điểm thi thực tế không cao, nhưng ở nhiều trường, chỉ cần có điểm học bạ cao, học sinh cũng có cơ hội vào đại học. Điều khiến nhiều người lo ngại nhất là sự không công bằng trong tuyển sinh, khi không loại trừ có những nơi, giáo viên “rộng tay” với học sinh để tăng cơ hội đỗ đại học cho học sinh của mình.
Sự chênh lệch giữa thi và học xảy ra ở hai khả năng: Hoặc là việc ra đề thi khó, không phù hợp với chương trình học. Hoặc có sự nương nhẹ trong việc cho điểm trong học bạ.
Khả năng thứ hai cao hơn.
Và dù khả năng nào đi chăng nữa thì nó vẫn vẽ ra một bức tranh không thực chất của giáo dục. Ngay cả khi các trường sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh đều lên tiếng cam kết tìm cách “siết đầu vào” thì vẫn đầy những câu hỏi giữa học-thi và việc tìm kiếm nhân tài.
Còn nhớ hồi tháng 5.2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật" trong ngành Giáo dục.
Bài toán “3 thật” đó được đặt ra và cần có lời giải sớm đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Bởi lẽ nếu vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể giữa thi và học, chúng ta đang ngầm thừa nhận về một sự bất công và sự bất công ấy sẽ tạo ra mối nguy hại lớn, bởi nó liên quan tới việc lựa chọn nhân tài, lựa chọn những người chủ của đất nước trong tương lai.