Nhiều người dân ở xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc) ngắm nhìn con tàu rực sáng ánh điện như một khách sạn lớn, hiện thực đây rồi nhưng cứ ngỡ như chuyện trong mơ.
Một vùng đất cằn cỗi, phèn chua không có lợi thế trồng trọt, chăn nuôi, hôm nay có khu công nghiệp cảng biển, tạo việc làm trong cụm cảng và người nghèo trong vùng có thêm kế sinh nhai. Cảng biển ra đời kéo theo một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại thay thế cho những con đường thôn xóm chật hẹp, lầy lội. Khu công nghiệp cảng biển ra đời cùng với nguồn điện và nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thêm một con đường, một cây cầu đã đổi thay diện mạo một vùng đất nghèo nàn, thêm một khu công nghiệp cùng với cảng biển, sự khác biệt thật khó có thể tưởng tượng. Nhưng nó đã hiển hiện, đã được sinh thành từ sức lực, mồ hôi của bao người lao động, trong đó có cả nước mắt của doanh nghiệp.
Trong chuyến thăm Cảng Quốc tế Long An ngày 16.10.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Long An và nhà đầu tư đã vượt qua những giai đoạn khó khăn kinh tế, góp phần phát triển cho địa phương, biến một vùng đất vốn hoang vắng bên bờ sông Soài Rạp có cơ sở hạ tầng khá tốt như hôm nay. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án để tháng 11.2016 hoàn tất giai đoạn một để đưa vào khai thác.
Các công trình được đẩy nhanh tối đa để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT, với công suất 4,8 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Chiếc tàu đầu tiên cập Cảng Quốc tế Long An là tin vui đầu năm, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho vùng đất “hoang vắng bên bờ sông Soài Rạp”.
Cảng Quốc tế Long An được đưa vào khai thác, thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng hóa không phụ thuộc hoàn toàn vào các cảng ở khu vực TPHCM, ngoài việc giảm chi phí vận chuyển, còn có lợi ích thiết thực khác là giảm áp lực giao thông cho TPHCM. Tuy nhiên, để hấp dẫn doanh nghiệp, Cảng Quốc tế Long An cần phải có nhiều lực hút cạnh tranh khác, nếu không thì hàng hóa của các doanh nghiệp trong vùng vẫn chạy thẳng vào TPHCM.
Lực hút cạnh tranh không chỉ tạo ra bằng sự năng động của doanh nghiệp, mà còn ở sự nỗ lực của các cơ quan, chính quyền địa phương. Hải quan và những lực lượng tham gia hoạt động tại Cảng Quốc tế Long An chắc chắn hiểu rõ điều này.