Sau khi xuất hiện bảng hiệu "ga tàu thủy" của 12 bến đón, trả khách thuộc tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) tại TP.HCM, đã có nhiều ý kiến đóng góp, cho rằng không chuẩn, không thuận tai.
Nhiều người có bài viết phân tích sắc sảo, thuyết phục, có lý có tình. Chưa kể, có ý kiến nêu dẫn chứng về địa danh gắn liền với lịch sử, văn hóa, không chỉ là tên gọi một địa điểm thuần túy "giao thông".
Ví dụ "Bến Bạch Đằng" không chỉ là tên gọi, mà là ký ức của người Sài Gòn - TPHCM suốt bao nhiêu năm qua.
Về cách dùng từ "ga" để chỉ một bến tàu cũng không sai, nhưng nếu để "bến" như cách gọi cũ vẫn đúng thì tại sao lại phải thay đổi. Trong khi, "bến sông", "bến nước" của đường thủy đã đi vào thơ ca, văn chương, âm nhạc và cả "tâm trạng" của con người. Ngồi bên "bến" để ngóng trông một người có lẽ "tâm trạng" hơn là "ga". Trừ phi là ga tàu lửa như trong "Những bóng người trên sân ga" của Nguyễn Bính.
Rất hay là ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), đã theo dõi những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, có sức thuyết phục và đưa ra quyết định thay đổi.
Ông Nguyễn Kim Toản nói: "Gần đây, ghi nhận một số ý kiến từ cộng đồng, trên tinh thần cầu thị, công ty đã xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và sẵn sàng điều chỉnh cái sai để phục vụ cộng đồng, từ đó tiếp tục giữ gìn 300 năm trên bến dưới thuyền của thành phố".
Nói là làm, ngay lập tức sáng ngày 29.2, các chữ "ga tàu thủy" ở các bến đón, trả khách gồm: Bạch Đằng, Thủ Thiêm, Bình An, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông và Thanh Đa đã được gỡ xuống để chuẩn bị thay thế bằng "bến tàu".
Từ chuyện "Bến Bạch Đằng" ồn ào trên mạng xã hội mấy hôm nay và sự lắng nghe của giám đốc một doanh nghiệp, có thể thấy rằng, lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của dân thì chỉ có tốt hơn.
Không phải ai cũng dễ để lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác. Biết lắng nghe ý kiến phản biện là một năng lực, một phẩm chất và là sự biểu hiện của người có văn hóa cao.
Thông thường, lời "trái tai", "trái chiều" luôn khó lọt tai, nhưng nếu tỉnh táo phân tích, nhận ra được giá trị, sự đúng đắn trong những ý kiến phản biện xã hội để điều chỉnh, sửa sai thì sẽ mang lại lợi ích chung.
Bởi vì, lắng nghe dân là khai thác vựa trí tuệ trong dân, kho báu đó là vô tận.