Đó là một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hơn 10 năm của 500 công nhân với tổng số tiền lên tới 15 tỉ đồng.
Đó là câu chuyện bi hài tới mức người lao động muốn chốt sổ bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí thì lại phải đóng thêm cho công ty khoản tiền 40 triệu đồng dưới hình thức “cho vay nợ” để rồi suýt nữa cả tiền nợ lương 9 tháng cũng như khoản 40 triệu đồng cũng không đòi được.
Sau khi Lao Động lên tiếng, doanh nghiệp đã phải nộp đủ số tiền nợ đọng BHXH của người lao động lên tới 15 tỉ đồng. Nghĩa là, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm cho người lao động nhưng cố tình lờ đi, một hình thức chiếm dụng vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động.
Câu chuyện trốn, nợ BHXH ở Haprosimex chỉ là một ví dụ điển hình.
Con số của BHXH Việt Nam cho hay: Tính đến ngày 31.5.2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là gần 16.000 tỉ đồng. Một số BHXH tỉnh, thành phố có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất như: Hà Nội là 4.081 tỉ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 4.328 tỉ đồng, Hải Phòng là 650 tỉ đồng, Thanh Hoá là 459 tỉ đồng, Bình Dương là 412 tỉ đồng…
Từng ấy con số đã đủ chứng minh số lượng người lao động bị ảnh hưởng bởi tình trạng nợ, trốn bảo hiểm của người sử dụng lao động lớn đến mức nào.
Các quy định về việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm đã tương đối đầy đủ, thậm chí, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 2018 cũng đã quy định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.
Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm…
Phải chăng các quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe?
Cũng phải nhìn nhận rằng, việc nợ, trốn đóng BHXH có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân cố tình còn nguyên nhân đến từ những khó khăn mang tính bất khả kháng của đơn vị như phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù bất luận nguyên nhân nào thì quyền lợi của người lao động cũng phải được đặt lên ở mức cao nhất.
Cuộc hội thảo về “Hoàn thiện các quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc” được tổ chức hôm qua (21.7) đã gợi mở rất nhiều giải pháp khả thi để hạn chế tình trạng này.
Trong đó có đề nghị về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi sửa đổi, bổ sung một số khoản: Tăng lãi suất trên số tiền trốn đóng, ngừng xuất hoá đơn, cấm xuất nhập cảnh, hạn chế xuất cảnh; kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật…
Tổ chức Công đoàn đã và đang tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng cùng với đó cần có sự tổng lực từ các cơ quan chức năng như cơ quan bảo hiểm, cơ quan bảo vệ pháp luật thì vấn đề trốn, nợ bảo hiểm mới không trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người lao động.
Người lao động chỉ có thể yên tâm khi các quyền lợi, đặc biệt quyền lợi từ bảo hiểm thì mới cống hiến, phát huy khả năng, trí tuệ làm giàu cho bản thân, gia đình và cho đất nước.