Sự việc cụ thể bắt đầu từ ngày 5.12.2016, khi khoa Nhi, BV Mắt phẫu thuật 12 bệnh nhi trong đó có 8 ca đục thủy tinh thể bẩm sinh (có 2 bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật hai mắt cùng lúc).
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn Phòng Sở y tế TP.HCM, sau quá trình điều tra, xem xét vụ việc xảy ra tại BV Mắt TP.HCM, mới đây Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế TP.HCM thành lập kết luận, 8 trường hợp bệnh nhi bị đục thủy tinh thể là do biến chứng ngẫu nhiên trong phẫu thuật.
Sau khi xảy ra sự việc, BV Mắt TPHCM đã có tổ chức hội chẩn toàn viện, tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Dựa trên các tài liệu lâm sàng, trên hồ sơ về bệnh nhân, Hội đồng này khẳng định, các bệnh nhi này không bị nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật. Đồng thời căn cứ trên báo cáo mà BV Mắt rà soát cũng không có bằng chứng về việc nhiễm độc tại mắt trong khi phẫu thuật do yếu tố ngoại lai (như phòng mổ, dụng cụ, hóa chất).
Ngoài ra, về việc cùng ngày phẫu thuật có đến 4 bệnh nhi bị đục giác mạc, phía BV cho biết, sau khi có triệu chứng phù giác mạc, BV và phẫu thuật viên đã tiến hành khám và cho thấy có cao nhân áp, phù nề giác mạc. Ê kip điều trị đã tiến hành xử trí (cắt pha lê thể, thuốc) và hội chẩn bệnh viện.
Cũng theo đánh giá từ hội đồng chuyên môn do BV Mắt thành lập, đục giác mạc có thể ngẫu nhiên gặp trong quá trình điều trị cho bệnh nhân suốt một thời gian dài. Đây là lần đầu tiên gặp tại khoa Nhi của BV Mắt TPHCM.
“Kết luận cuối cùng, qua quá trình điều tra, xem xét đánh giá sự việc, Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập kết luận, không có hiện tượng nhiễm trùng hàng loạt ở các bệnh nhi. Việc các trường hợp trên đục giác mạc là do biến chứng ngẫu nhiên trong phẫu thuật. Dù vậy, Hội đồng chuyên môn cũng cho rằng phía BV cần ghi chép đầy đủ trong hồ sơ bệnh án về thông tin ngày tháng nhập viện xuất viện; y lệnh thuốc cần ghi rõ thời gian dùng thuốc; ghi rõ y lệnh theo dõi và chăm sóc người bệnh” – bà Mai nói.