Bác sĩ Nguyễn Thị Minh, hiện đang công tác tại Khoa Mắt trẻ em, BV Mắt Trung ương - người trong clip - đã có chia sẻ với báo chí sau sự cố trên. Bác sĩ Minh thừa nhận: “Tôi nhận lỗi, rút kinh nghiệm về tư thế ngồi không đẹp mắt. Có lẽ do tôi bị ảnh hưởng về tâm lý, căng thẳng, mỏi mệt nên chân tay có lúc không tự chủ được. Ngày thường, khi khám cho bệnh nhân, tôi cũng không ngồi như thế. Bằng này tuổi đầu, tôi đã công tác trong ngành hơn 30 năm nay, còn 2 năm nữa về hưu”.
Tuy nhiên, bác sĩ Minh cho rằng, bình thường, trong lúc tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bà đã có biểu hiện, thái độ đúng mực; quá trình thăm khám bệnh cho bệnh nhân đều thực hiện đúng chuyên môn, không sai.
Theo bác sĩ Minh, khi khám cho bệnh nhân Đ.H.V.A (8 tuổi, ở Quảng Ninh), bác sĩ kê đơn thuốc, giải thích với mẹ của V.A và dặn 5 ngày sau tái khám, người mẹ cùng em bé ra ngoài. Tuy nhiên, bố bệnh nhân đã vào yêu cầu bác sĩ khám lại cho bệnh nhân trên máy móc. Người chồng không tận mắt chứng kiến việc khám mà chỉ nghe phản ánh từ người vợ là bác sĩ chỉ “vạch mắt, soi soi” rồi kết luận là bệnh nhân không được khám bằng máy móc.
“Tôi có giải thích với người nhà bệnh nhân rằng tôi đã khám cho bệnh nhân đầy đủ. Mỗi máy móc lại dành cho một loại bệnh và việc khám cho con của họ, tôi đã khám đủ bằng các máy móc phù hợp với chẩn đoán cận thị. Nếu chưa hài lòng, chưa tin tưởng bác sĩ, tôi sẽ giới thiệu hội chẩn ở cấp cao hơn”, bác sĩ Minh nói.
Là một người công tác trong ngành 30 năm, bác sĩ Minh cho rằng, đã làm đúng chuyên môn khi thực hiện khám cho bệnh nhân. Với trường hợp bệnh nhân mới 8 tuổi đi khám lần đầu, chưa từng đeo kính cận cần theo dõi và sử dụng thuốc điều tiết trước khi cho đeo kính cận. “Tôi đã chỉ định, hướng dẫn nhỏ thuốc liệt điều tiết trong 5 ngày sau đó mới khám lại để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về thị lực của trẻ”, bác sĩ Minh kể lại.
Bộ Y tế đã vào cuộc và yêu cầu làm rõ sự việc.