Sống không bằng chết
Một năm trước, vụ nữ sinh bị tạt axit do mâu thuẫn với các bạn gái khác chung phòng trọ tại TP.HCM xôn xao dư luận. TAND TP.HCM vừa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Suốt một năm qua, Hoàng Tăng Thị Thu Hương – nạn nhân của vụ tạt axit đã trải qua những ngày tháng đau đớn, khó khăn và vẫn đang tiếp tục tìm lại cuộc sống cho chính mình.
“Thật sự ai trong hoàn cảnh bị tạt axit thì đều cảm thấy sống không bằng chết. Đó là sự thật!”, Thu Hương chua chát thốt lên.
Vụ việc xảy ra vào trưa 30.3.2016. Khi Hoàng Tăng Thị Thu Hương (sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật miền Nam) đi xe máy chở theo bạn thì bị 2 thanh niên bám theo, tạt axit vào mặt Hương rồi tăng ga tẩu thoát.
Khi nhập viện, bệnh nhân bị bỏng 3/4 diện tích vùng mặt, bỏng sâu độ 2,3. Giác mạc mắt trái bị tổn thương nặng, không thể phục hồi. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng Hương chịu di chứng nặng nề về mặt tâm lý và thẩm mỹ.
Trong hàng nghìn nạn nhân của axit, có người vươn lên nhưng cũng có người không vượt qua được nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần đã lựa chọn chết đi như một sự giải thoát.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Viện Bỏng quốc gia nhận định: Tạt axit là hành động tàn ác và vô nhân đạo nhất vì hủy hoại cuộc đời người khác, đẩy họ xuống vực thẳm của nỗi đau.
Sự huỷ hoại tàn bạo
PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích, axit có thể gây tổn thương trên da nhanh chóng. Axit ăn vào phần cơ và gân, gây ra tình trạng bỏng nặng co rút. Nếu sâu hơn, axit sẽ hủy hoại cả xương, khớp dẫn đến tàn phế suốt đời.
“Sở dĩ axit có khả năng gây bỏng cơ thể con người bởi nó phản ứng với các protein có trong tóc, da… Khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào.
Nồng độ axit càng đặc, thời gian tiếp xúc càng dài thì bỏng và hoại tử càng nặng và sâu, khả năng hồi phục gần như bằng không.
Một đặc điểm của bỏng axit là các nạn nhân thường bị bỏng ở các vùng hở trên khuôn mặt dẫn đến biến dạng. Ngoài nỗi đau về thể xác, axit còn để lại nỗi đau về tinh thần rất lớn. Nạn nhân bỏng axit thường có tâm lý bi quan về hình hài bản thân mình”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay.
Hiện nay, có nhiều biện pháp tái tạo làn da bị bỏng do axit nhưng vết bỏng sâu rất khó phục hồi được như ban đầu.
Sự tàn phá của axit là thế nhưng đã có số phận vươn lên.
(Còn tiếp)