Jessica (sinh năm 1983) tên thật là Nguyễn Hữu Toàn là một trường hợp điển hình. Năm 18 tuổi, mong muốn trở thành con gái trỗi dậy mãnh liệt nhưng khi bày tỏ nguyện vọng với gia đình, Toàn không nhận được sự chia sẻ, cảm thông, thậm chí mọi người nghĩ Toàn mắc bệnh và tìm cách điều trị về tâm lý.
Toàn bắt đầu gặp phải những rào cản từ chính những người thân. Sống trong gia đình mình nhưng Toàn không thoải mái, không tìm được tiếng nói chung. Và Toàn quyết định ra đi. Qua bạn bè, người quen, Toàn tìm được việc tại các đám cưới, các quán cà phê, vũ trường. Nhờ việc đi hát, Toàn tích lũy được ít tiền rồi đi học trang điểm, hóa trang. Trong lòng Toàn vẫn chưa nguôi mong muốn trở về đúng giới tính của mình. Họ hàng thuyết phục Toàn trở về nhà, nhưng lần quay về này, những người thân vẫn không thể chấp nhận giới tính thật của Toàn.
Năm 24 tuổi, khi đã có một số vốn, Toàn quyết định sang Thái Lan chuyển giới từ nam sang nữ. Ca phẫu thuật thành công, Toàn hạnh phúc vì được trở về đúng giới tính của mình. Hiện, sức khỏe của Jessica ổn định và đều đặn hàng tuần, cô đều phải tiêm bổ sung hóc môn và tiêm silicon.
Cũng như bao người chuyển đổi giới tính, Jessica gặp khó khăn trong các giấy tờ tùy thân. Trên tất cả giấy tờ từ chứng minh thư nhân dân, thẻ ngân hàng, hồ sơ… của Jessica đều mang tên Nguyễn Hữu Toàn, giới tính nam. Trong khi đó, người mang tên Nguyễn Hữu Toàn giờ đây lại là một cô gái xinh đẹp.
Chờ luật
Theo ước tính của Bộ Y tế, cả nước ta hiện có gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là giới tính nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại. Khoảng 500-1.000 người đã ra nước ngoài để chuyển giới. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp muốn chuyển đổi giới tính đều phải ra nước ngoài thực hiện trong khi Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện phẫu thuật. Nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe như: đau đớn, giảm tuổi thọ, mất khả năng sinh sản…để được chuyển giới, được sống với chính mình.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Việc chuyển từ nữ sang nam khó hơn, nhưng các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng làm được, cũng như sử dụng liệu pháp hoócmon sau phẫu thuật.
Dự án Luật Chuyển đổi giới tính được Bộ Y tế xây dựng từ năm 2016 và hiện đang xin Quốc hội cho vào chương trình Luật. Nếu sớm được đưa vào chương trình của Quốc hội, lộ trình đến năm 2019, Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.
Khi chờ luật, đã có những trường hợp phẫu thuật giới tính thế nào?
(còn nữa)