Bệnh nhân là ông T.Q.T (67 tuổi, ngụ TPHCM) được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương 1 tiếng ngay sau khi xảy ra tai nạn hi hữu. Người nhà cho biết, trong lúc chống gậy “tự chế” bằng cán dù là một ống sắt rỗng đã gỉ sét để đi lại như hằng ngày thì ông cụ bị ngã và cây gậy đâm vào bụng.
BS Vũ Tiến Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Trưng Vương kể lại, vào thời điểm nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, sinh hiệu ổn dù cây gậy bằng sắt đã gỉ sét vẫn còn đâm vào bụng, vùng dưới rốn.
Các bác sĩ đã tiến hành chẩn đoán hình ảnh, xác định và đánh giá thương tổn. Hình ảnh cho thấy, cán dù có đường kính khoảng 1,5 cm đâm thủng bàng quang bệnh nhân với chiều sâu gần 20 cm nên đã tiến hành phẫu thuật lấy dị vật ngay sau đó.
Theo BS Vũ Tiến Quốc Thái, tình huống dị vật là cán dù như cụ ông trên khá hi hữu. Ca bệnh có nhiều khó khăn do bệnh nhân tuổi cao và mắc một số bệnh lý nền, rối loạn nội tiết nên có nhiều nguy cơ trong cuộc mổ. Các bác sĩ đã dự trù trước và cố gắng giảm bớt nguy cơ. Tuy nhiên, cụ ông khá may mắn vì cán dù chỉ mới đâm vào thành bụng, làm thủng bàng quang nên chưa nguy kịch. Nếu dị vật đâm sâu vào ổ bụng có thể sẽ rất nguy hiểm và khó cấp cứu vì đâm thủng những cơ quan quan trọng.
Điều mà các bác sĩ lo ngại nhất trong ca bệnh này là cây gậy sắt đã mục rỗng, gỉ sét nên khả năng để lại nhiễm trùng hoặc uốn ván là rất lớn. Do đó bệnh nhân phải dùng thêm nhiều loại kháng sinh để ngừa nhiễm trùng và uốn ván.
Từ tình huống hi hữu trên, BS Vũ Tiến Quốc Thái cũng cảnh báo tới người dân về việc người nhà nên cho những người lớn tuổi sử dụng dụng cụ hỗ trợ đúng chức năng để đảm bảo an toàn. Như trường hợp trên, bệnh nhân đã sử dụng cán cây dù không có khả năng chống đỡ dẫn đến việc gãy đâm thủng bụng gây nguy hiểm tính mạng.