Số ca sốt xuất huyết tăng gần 90%
Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, 6 tháng đầu năm, tại 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ghi nhận hơn 10.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực, tập trung ở độ tuổi dưới 15.
Đầu tháng 8, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế do Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành y tế Đà Nẵng về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn.
Báo cáo với Đoàn, ông Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng - cho biết, 7 tháng đầu năm 2017, TP. Đà Nẵng tăng 87%,38 ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn có số mắc cao là Thanh Khê (790 ca), Hải Châu (620 ca), Liên Chiểu (624 ca)…
Tính theo tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 367,60 ca/100.000 dân.
Cũng theo ông Thạnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn TP. Đà Nẵng ghi nhận 267 ổ dịch nhỏ, tập trung một số phường như Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa khánh Nam, Hòa Minh, An Hải Bắc… Ngành y tế địa phương đã tiến hành diệt bọ gậy, phun hóa chất trên diện rộng. Đà Nẵng là một trong 4 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước.
Người dân còn chủ quan
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, TP.Đà Nẵng đã cấp 4 tỷ đồng cho ngành Y tế thành phố tập trung chống dịch.
Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, xử lý bệnh cho cán bộ y tế các quận, huyện và gần 300 cộng tác viên Dân số - sức khỏe cộng đồng; Tăng cường điều tra, giám sát xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định; đồng thời tiến hành phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các ngành chức năng rốt ráo diệt muỗi, phòng chống dịch nhưng người dân lại khá chủ quan.
GIữa tháng 8 vừa qua, Sở Y tế đã tiến hành công tác khảo sát thực địa và kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại một số hộ dân cho thấy, tính tự giác của người dân trong việc tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết chưa cao, nhiều hộ dân còn thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt, không súc rửa thường xuyên làm nơi sinh sản của bọ gậy...
Đội tuyên truyền phòng chống dịch của quận Liên Chiểu cho biết, vẫn còn nhiều gia đình có con nhỏ chỉ cho phun thuốc bên ngoài, nhiều người dân còn thờ ơ, chủ quan trước thông tin về dịch bệnh.
“Có gia đình nhập viện 2, 3 người nhưng những nhà xung quanh vẫn xem như bệnh thường. Gia đình chúng tôi có quét dọn thường xuyên nhưng nếu các nhà khác không làm cùng thì muỗi truyền bệnh vẫn sinh sản”, chị Hồng, người dân Đà Nẵng cho hay.
Bs Nguyễn Hoá- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng - chia sẻ, dịch sốt xuất huyết tại Đà Nẵng tăng cao là do nhiều nguyên nhân từ môi trường, ý thức người dân, mùa sinh sản của muỗi…. “Mặc dù không thể nói dập hẳn dịch bệnh ngay lập tức nhưng nếu ý thức người dân tăng cao, dọn dẹp vệ sinh môi trường mỗi ngày, mỗi tuần thì mức độ lây truyền bệnh sẽ giảm, bảo vệ được cho chính người thân trong gia đình. Bên cạnh việc phòng chống thì trong điều trị bệnh, nếu có người nhà bị sốt cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà tránh trường hợp xấu xảy ra”, ông Hoá cho hay.