BS Nguyễn Quang Tú, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, bệnh nhân là anh L.T.Đ (39 tuổi, ở quận 8, TPHCM), được đưa đến Bệnh viện khám trong tình trạng khó thở. Trước đó, bệnh nhân bị khàn tiếng, khó thở kéo dài.
Bệnh nhân cho biết khoảng 2 năm trước, anh bị tai nạn giao thông và chấn thương ở đầu. Sau đó, anh bị khàn tiếng và khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hay làm việc nặng. Nhiều lúc nằm, anh không thở được, phải ngồi dậy để thở.
Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện anh Đ có dị vật khá lớn ngay tại thanh môn. Đây là khe giữa 2 dây thanh để không khí đi từ hầu vào khí quản. Khai thác lại bệnh sử, anh Đ cho biết, vào thời điểm bị tai nạn giao thông, anh bị gãy 3 cái răng giả. Căn cứ vào đó, các bác sĩ cho rằng, dị vật chính là răng giả của bệnh nhân và chỉ định chụp CT scan để xác định vị trí dị vật. Sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ gắp nội soi lấy dị vật. Dị vật được lấy ra là một phần của hàm răng giả hình tam giác có kích thước 2x4cm.
Sau khi nội soi, bệnh nhân khỏe, không thấy khó thở nữa. BS Quang Tú cho biết, với dị vật này, nếu bệnh nhân để lâu hơn, dị vật có thể bám kín các chất lại và gây nghẹt thở. Bệnh nhân có thể tử vong.
Theo BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng, răng giả hoặc hàm răng giả thường bị hóc vào đường ăn nhưng do bệnh nhân này bị chấn thương trong tai nạn, phản xạ không còn bình thường nên dị vật đã đi lạc đường vào đường thở. Tuy nhiên, khi vào đường thở, dị vật găm vào thanh môn và chừa chỗ cho 2 khe thở nhỏ nên không gây nghẹt thở ngay lúc đó mà kéo dài ròng rã 2 năm trời.
BS Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng cũng cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp dị vật là răng giả rơi vào đường ăn của bệnh nhân. Anh L.T.Đ là một trường hợp hiếm vì răng giả “đi lạc” vào đường thở.