Phẫu thuật tim nội soi trở thành xu hướng trong tương lai khi mà phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm: Bệnh nhân không phải chịu cuộc mổ xẻ dọc xương ức, thời gian phục hồi nhanh, ít biến chứng… Dù vậy, không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp này.
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định – Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, tại bệnh viện, 80-90% trường hợp bệnh nhân tim có chỉ định phẫu thuật nội soi. Bệnh viện đã ứng dụng mổ nội soi và ít xâm lấn tim mạch từ năm 2014. Cho đến nay, 200 trường hợp đã được phẫu thuật thành công. Trong đó, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp (<5%).
Trước đây, dù bệnh nhân tim mắc phải khuyết tật nhỏ hay lớn, mọi cuộc phẫu thuật tim được xem là một cuộc phẫu thuật lớn. Bệnh nhân chấp nhận cuộc mổ dọc xương ức. Bác sĩ tiếp cận đến các cấu trúc bên trong như van tim, các thành tim để sửa chữa những khiếm khuyết, bệnh lý mà người bệnh mắc phải. Đây là tiêu chuẩn vàng trong phẫu thuật tim, từ lúc bắt đầu phát triển cho đến những năm gần đây.
Tuy vậy, đường mở ngực giữa xương ức vẫn có một số nhược điểm nhất định như đau nhiều, mất máu nhiều hơn, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy, từ đó làm tăng thời gian nằm viện, để lại một vết sẹo dài dọc xương ức. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng: Nhiễm trùng xương ức, làm tăng nguy cơ tử vong từ 30 -50%, kéo rất dài thời gian nằm viện.
PGS-TS-BS Trương Quang Bình – Phó Giám Đốc Bệnh viện Đại học Y dược, Giám đốc Trung tâm tim mạch - cho biết, trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, nhờ vào sự phát triển của chuyên ngành gây mê hồi sức, hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật tim đã tiếp cận xu hướng dần đến tối thiểu mức độ xâm lấn trên người bệnh, phẫu thuật tim nội soi ra đời. Phương pháp này có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim (van 2 lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành…
Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp này là bác sĩ chỉ tiếp cận được với tim bệnh nhân qua đường rạch rất nhỏ nên khó khăn hơn phương pháp mổ kinh điển. Do vậy, phương pháp đòi hỏi phẫu thuật viên và ê-kip gây mê hồi sức, ê-kip phụ trách máy tuần hoàn ngoài cơ thể cần được đào tạo chuyên sâu do đặc thù thời gian sử dụng máy tim phổi nhân tạo và ngưng tim kéo dài hơn, đồng thời cần có máy nội soi và những dụng cụ chuyên biệt… Bác sĩ không nên mổ tim nội soi cho các trường hợp cấp cứu, bị nhiều bệnh lý tim mạch đi kèm hoặc các bệnh quá phức tạp.
Cho đến hiện nay, độ tuổi an toàn cho phẫu thuật tim nội soi là tương tự như những trường hợp phẫu thuật hở. Tuy vậy, do đặc trưng chuyên môn, người bệnh lớn hơn 50 tuổi và có yếu tố nguy cơ tim mạch cần phải chụp CT scan ngực bụng để giúp ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não do hệ thống tim phổi nhân tạo gây ra.
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định – Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khuyến cáo.