Bánh trung thu được sản xuất từ 3 nguồn: Bánh trung thu của các công ty (hãng), của các nhà sản xuất tư nhân (thủ công), của các gia đình tự sản xuất (gọi là bánh home-made). Bánh trung thu cổ truyền thường ít hương vị, bao bì không hấp dẫn, độ ngọt cao và chất béo nhiều, giữ được nét truyền thống, lại là bánh gia truyền nên được người lớn tuổi và trẻ nhỏ hâm mộ.
Trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm bánh trung thu, đặc biệt các chủng loại bánh sử dụng cho đối tượng riêng biệt (như người tiểu đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp).
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết, về thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu: Bánh trung thu rất ngọt và béo ngậy. Do vậy, nó cung cấp nhiều năng lượng. Vì bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo, với những trẻ gầy thì còn đỡ, song với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.
“Thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170gam sẽ cung cấp 566 kcal; 16,3g đạm; 6,6g lipid; 110,2g glucid. 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò).
Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal; 18g đạm; 31,5g lipid và 87,5g glucid… Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh”, bác sĩ Tiến phân tích.
Với thành phần bánh trung thu như trên, nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò hoặc phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt, chúng dễ bị ôi, mốc, gây ra ngộ độc.
Ăn bánh khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.