Trao đổi với Lao Động, ông Đàm Quốc Chính- Giám đốc Dự án - cho biết: “Quyết định triển khai vào năm 2011, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thí điểm trong 5 năm, biến thành các chương trình, các đề án tập trung vào nghiên cứu các yếu tố, điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, tầm vóc con người, sau đó mới triển khai đại trà.
Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế khó khăn nên giai đoạn 1 bị chậm lại vì một số lý do: Thứ nhất, ngân sách nhà nước cấp cho 18 tác nghiệp khoa học vào khoảng hơn 40 tỉ đi tìm hiểu, nghiên cứu ở các vùng miền, để xây dựng một tháp dinh dưỡng hợp lý, nhưng mãi không bố trí được nguồn lực do bối cảnh kinh tế đi xuống, thiên tai… nên phải chia sẻ.
Do vậy nên chương trình 1 bị chậm trễ, kéo dài, chỉ dừng ở mức đề cương, bây giờ chỉ chờ kinh phí. Sự chậm trễ của chương trình đó kéo theo các chương trình khác bị chậm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải làm, Viện Dinh dưỡng của Bộ Y tế, Viện Khoa học TDTT của Tổng cục TDTT vẫn nghiên cứu và biến thành các tác nghiệp khoa học. Tuy nhiên, nó không mang quy mô toàn quốc nên không mang tính đại diện. Thế nên chúng tôi chọn xu hướng tác động theo vùng miền, không đồng bộ được.
Việc tuyên truyền về đề án này không được như mong muốn để cho toàn thể xã hội nhận biết được vì không nghiên cứu được các yếu tố cơ bản, tuyên truyền mới dừng ở mức chung chung, trực quan. Vì không có định hướng đúng nên không thể tuyên truyền.
Chính phủ cũng đã họp nhiều lần và có ý định sơ kết. Tuy nhiên, chúng tôi xin điều chỉnh, chờ đợi sự nghiên cứu. Chúng tôi và Bộ Y tế rất quyết liệt vấn đề này nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện tại rất khó để triển khai. Đề án có thể điều chỉnh đến năm 2035.
Vấn đề chăm sóc sức khoẻ toàn dân và vấn đề tầm vóc thể lực đã được Đảng định hướng thế nên không thể bỏ được. Những ý kiến cho rằng đề án khai tử đề án, theo tôi là không đúng. Không có chuyện đề án này dừng lại như một bộ phận dư luận đang nghĩ.