Chuyện ngược đời
Khánh Hòa từng là một trong những tỉnh đứng đầu về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở khu vực miền Trung. Từ khi thực hiện dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam trên đảo Trí Nguyên đến nay chưa xảy ra ổ dịch SXH tập trung nào.
Dự án nghiên cứu “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia ở một phường của tỉnh Khánh Hoà” đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện, với mong muốn thay thế muỗi vằn tự nhiên có thể truyền bệnh SXH bằng loại muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia không truyền virus gây SXH.
Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi với con người như ruồi giấm, châu chấu,… và một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này).
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi, chúng có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh SXH) và một số loại virus khác truyền qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền virus gây bệnh sang người.
TS.BS. Nguyễn Bình Nguyên - điều phối viên thực địa, dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam - chia sẻ: Muỗi từ đảo Trí Nguyên mang về Hà Nội để nghiên cứu, nhân nuôi để có giống muỗi địa phương mang vi khuẩn Wolbachia. Các nhà nghiên cứu cũng đã thực hiện nhiều lần các thí nghiệm để khẳng định tính an toàn cũng như khả năng ngăn ngừa sự lan truyền virus xuất huyết của loại muỗi này trong phòng thí nghiệm.
Triệt sạch được muỗi gây bệnh
Nhớ lại thời gian đầu thực hiện chương trình, TS Nguyên chia sẻ: Trong thời gian thả muỗi, hàng tuần, 800 hũ nhỏ, mỗi hũ đựng khoảng từ 10 – 15 con muỗi non mang vi khuẩn Wolbachia được đưa từ Viện Pasteur Nha Trang sang đảo Trí Nguyên. Các hũ muỗi này được các cộng tác viên của dự án (là người dân trên đảo) chia về cho khoảng 800 hộ gia đình trên đảo để thả xung quanh nhà.
Theo quy luật tự nhiên, chúng sẽ cặp đôi với muỗi tự nhiên và sản sinh ra những thế hệ muỗi mới mang Wolbachia ít có khả năng truyền SXH; đồng thời thay thế dần quần thể muỗi tự nhiên bằng quần thể muỗi mang Wolbachia địa phương ít có khả năng truyền bệnh SXH. Thực tế giám sát tình hình bệnh SXH cho thấy từ tháng 7.2013 đến nay không xảy ra ổ dịch SXH trên đảo Trí Nguyên.
Cuối tháng 8.2017, Bộ Y tế đã làm việc với đoàn nghiên cứu của Australia về khả năng triển khai thí điểm thả muỗi phòng SXH ở khu vực phía Nam. Khi dự án này thành công trên diện rộng, sẽ rất có ý nghĩa trong việc ngăn chặn dịch SXH ở Việt Nam.