Trong đơn gửi Báo Lao Động, anh Thành trình bày quá trình vợ mình là chị Lê Thị Anh Thi (SN 1973) nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, ngày 11.6.2017, chị Anh Thi bị đau đầu dữ dội nên vào thăm khám, và điều trị tại Khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh Quảng Trị. Quá trình nằm viện, bệnh nhân liên tục kêu đau đầu, ban ngày khi uống thuốc thì đỡ đau, nhưng tối đến lại ôm đầu, kêu la.
Sau 6 ngày nằm điều trị, bệnh viện mới xác định chị Anh Thi bị đa túi phình cổ rộng, thông trước trái và M2 trái (chưa vỡ). Đến ngày 17.6, bệnh nhân có biểu hiện bất tỉnh, đau đầu dữ dội hơn, quá trình kiểm tra bệnh viện phát hiện bệnh nhân đã xuất huyết dưới nhện trên và dưới lều (vỡ phình mạch), phù nề mô não trên và dưới lều mức độ vừa. Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên bằng xe dịch vụ 115 trong tình trạng hôn mê sâu, và được chuyển thẳng đến khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế với chẩn đoán bệnh là xuất huyết não. Dù được điều trị tích cực nhưng đến ngày 27.6 thì tử vong.
Theo anh Thành, vợ của anh tử vong do thời gian phát hiện bệnh trong quá trình điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Trị quá chậm. Đến khi phát hiện có bệnh rồi, thì bệnh viện không đưa ra hướng điều trị, cũng không chuyển lên bệnh viện tuyến trên mà đợi đến lúc nguy kịch mới chuyển.
"Vợ tôi kêu đau liên tục, chỉ hết đau khi dùng thuốc và sau đó cơn đau lại tiếp diễn. Dù không tìm ra nguyên nhân, nhưng bệnh viện vẫn không chuyển vợ tôi lên tuyến trên. Sau 6 ngày mới phát hiện ra bệnh, đó là tình huống tối cấp cứu, tính mạng tính bằng giờ nhưng thêm một lần nữa, bác sĩ không chuyển lên tuyến trên mà cứ để như vậy đến lúc nguy kịch mới cho chuyển" - anh Thành, bức xúc.
Ngoài ra, anh Thành cho rằng, quá trình chuyển bệnh nhân cấp cứu lên tuyến trên, bệnh viện đã không đảm bảo điều kiện tốt nhất; tại bệnh án của bệnh nhân, bác sĩ không phải là người trực tiếp điều trị lại bút phê vào đó. Đặc biệt, lúc nhập viện, ở phần tiền sử bệnh người nhà khai là sống khỏe, nhưng ở phần tổng kết bệnh án lại ghi rằng đau đầu đã lâu, điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm.
Trước những thông tin trên, Bác sĩ Trương Xuân Nhuận - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị cho biết, chẩn đoán đối với bệnh lý phình mạch não thì biểu hiện rất nghèo nàn. Vì vậy, khi bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau đầu, thì phải xét nghiệm dần để loại trừ bệnh. "Đối với những bệnh lý khó mà đến ngày thứ 6 phát hiện được thì không phải là quá muộn. Khi phát hiện bệnh, vì mạch máu chưa vỡ nên không cấp cứu ngay, mà chúng tôi dự định đến ngày thứ 2 (phát hiện bệnh ngày thứ 6, 16.6) mới chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, khoảng 3h sáng ngày 17.6 bệnh nhân có biểu hiện nặng, sau khi xin ý kiến của bệnh viện tuyến trên thì BVĐK tỉnh Quảng Trị mới làm thủ tục để chuyển đi" - bác sĩ Nhuận, nói.
Cũng theo bác sĩ Nhuận, người tiếp cận bệnh nhân cuối cùng ở BVĐK tỉnh Quảng Trị là bác sĩ Thúy, nên vị bác sĩ này có nhiệm vụ tổng kết bệnh án. Còn việc trong bệnh án đề cập bệnh nhân đau đầu đã lâu, điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm là do người nhà khai vậy. "Khai thế nào thì ghi vào vậy thôi, chứ thông tin này không có ý nghĩa về chẩn đoán, tiên lượng" - bác sĩ Nhuận, cho biết thêm.
Được biết, trong ngày 31.7, Sở Y tế Quảng Trị đã liên lạc với người nhà nạn nhân để nắm thêm thông tin vụ việc.