Theo đó, sẽ thực hiện khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh giá cho phù hợp, mức viện phí sẽ được điều chỉnh tăng so với trước đó.
Theo đó, từ ngày 1.7 tới, sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế. Trong năm 2018, xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, sẽ bao gồm cả chi phí trực tiếp, tiền lương của cán bộ y tế theo mức lương cơ sở mới là 1.390.000 đồng và chi phí quản lý.
Cụ thể, kế hoạch sẽ tăng giá giường điều trị đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; giảm ở bệnh viện hạng II, III, IV. Ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày. Ở các bệnh viện hạng I, giá giường bệnh tương tự cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 lên 317.000 đồng/ngày. Bình quân giá các dịch vụ sẽ tăng từ 5-8%.
Như vậy, trước lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, người dân không có BHYT sẽ phải chịu mức chi phí khá lớn, trong khi đó, người có BHYT sẽ là người ít chịu ảnh hưởng nhất; thậm chí là đối tượng có lợi nhất vì được quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người dân cũng được tăng lên.
Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP thì BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở. Như vậy, theo quy định hiện hành, nếu một lần KCB dưới 195.000 đồng thì người tham gia BHYT sẽ được BHYT chi trả 100% và mức này sẽ được nâng lên thành 208.500 đồng khi mức lương cơ sở mới tăng lên 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 1.7.2018. Theo thống kê, cả nước có hơn 80 triệu người tham gia BHYT, như vậy, hơn 80 triệu người tham gia BHYT sẽ được hưởng lợi từ quy định mới này.