Sinh viên "méo mặt" vì kiến ba khoang tấn công
Bạn Đặng Thị Hằng (sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia TPHCM) vừa bị kiến ba khoang "tấn công" gây ngứa và khó chịu.
Hằng cho biết, 3 tuần trước, vừa ngủ dậy thì Hằng thấy xuất hiện vết đỏ trên da. Theo kinh nghiệm ở ký túc xá nhiều năm nay Hằng đoán đã bị kiến ba khoang cắn. Vài ngày sau, vết đỏ bắt đầu bị thâm, có bọng nước gây ngứa.
"Sinh viên ở đây đến mùa mưa rất hay bị kiến ba khoang cắn. Phòng của tôi mọi người đã chuẩn bị sẵn thuốc để bôi vào. Mặc dù tình trạng đã đỡ nhưng mỗi khi đi ra ngoài cũng cảm thấy vô cùng khó chịu, nhưng lại không dám đụng vào vì sợ vết cắn sẽ lan rộng ra" - Hằng nói.
Tương tự, Bùi Thị Thuỳ Dung (sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Phát Thanh-Truyền Hình II) đang sống tại nhà trọ trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) cũng bị kiến ba khoang tấn công 3 ngày trước, đến nay vẫn chưa khỏi.
Thuỳ Dung kể lại, kiến ba khoang cắn nhưng không có cảm giác đau rát ban đầu. Ngày hôm sau thì da xuất hiện vệt đỏ, sau đó gây rát và xuất hiện bọng nước. Nếu người bệnh lỡ làm vỡ bọng nước thì vết thương sẽ lan ra các vùng khác.
"Kiến cắn khiến tôi đau, khó chịu nên không tập trung học tập. Một phần khác tôi rất tự ti vì sợ lộ chỗ bị cắn cho mọi người thấy" - Thuỳ Dung chia sẻ.
Xử trí thế nào khi bị kiến ba khoang cắn?
Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da Liễu TPHCM), trong khoảng thời gian mùa mưa đến, bệnh nhân đến khám viêm da do kiến ba khoang cắn tại bệnh viện ngày một gia tăng.
Mùa mưa là thời điểm thời tiết ẩm ướt, tạo môi trường cho côn trùng phát triển. Côn trùng, trong đó có kiến ba khoang cắn gây viêm da tiếp xúc dị ứng cho người bệnh.
Cơ chế của căn bệnh này là vết thương lan trên cơ thể người bệnh chứ không lây sang cho người khác. Quá trình điều trị sẽ mất tầm 1 tuần - 10 ngày. Khi vết thương lành thì chỉ để lại vết thâm, ít khi để lại sẹo trên da.
Triệu chứng thường gặp sau khi kiến cắn là da nổi các nốt sần, sau đó có các mảng hồng ban trên da. Tiếp đến, sẽ có chùm mụn nước ngay tại vết thương và dễ lan trên người.
"Ngoài trường hợp bị kiến cắn, cũng có một số người đập con kiến rồi vô tình quẹt lên da làm dịch tiết côn trùng dính trên da và gây bệnh" - Vũ Thị Phương Thảo nói.
Để sơ cứu sau khi bị kiến cắn, bác sĩ Phương Thảo khuyến cáo rằng, người bệnh không nên rờ, đụng vào vết thương. Tiếp đến, hãy sử dụng thuốc bôi để làm dịu vết sần trên da. Trường hợp nặng hơn có thể đến các phòng khám chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.