Khó kiểm soát nguồn thực phẩm
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - bức xúc: An toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên, đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp vì thế hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn.
“Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...)”, TS Phong cho hay.
Siết chặt quy định bếp ăn trường học
An toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã được cảnh báo nhiều nhưng tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra. Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Thông tư đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở trong các cơ sở giáo dục: Nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục.
“Quy định về an toàn cho bữa ăn của trẻ đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ tại Thông tư liên tịch trên. Để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó phải chịu trách nhiệm”, TS Nguyễn Thanh Phong cho hay.
TS Nguyễn Thanh Phong đã đưa ra một số giải pháp giải quyết tình trạng ngộ độc bếp ăn tập thể tại các trường học như ban hành đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; chứng nhận các điều kiện cơ sở cho bếp ăn tại các trường; yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh; làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo đối với các trường học, đề nghị các trường thành lập ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường.
Các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thanh, kiểm tra thực tế quá trình chế biến, hồ sơ ghi chép, nguyên liệu thực tế, chế độ lưu mẫu thực phẩm trong từng bữa ăn, qua đó đảm bảo khi có vấn đề xảy ra có thể tìm ra nguyên nhân từ kiểm định mẫu lưu.