Tất cả đều giả, chỉ có bệnh là thật
9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Caplet được đưa vào Việt Nam chữa bệnh ung thư đã được làm hồ sơ kỹ thuật giả. Nghi ngờ nguồn gốc thuốc, Cục Quản lý dược thanh tra Cty Cổ phần VN Pharma, kiểm tra lô hàng. Kết quả mẫu giám định của Bộ Y tế cho thấy, lô thuốc nhập khẩu này chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
“Hồ sơ giả, thuốc giả, chỉ có người mắc bệnh ung thư thật. Và sau đó là cái chết về ung thư là thật. Bệnh giả hoặc sai bệnh, uống thuốc thật còn nguy hiểm, đằng này thuốc giả” - GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc BV K Trung ương, phải thốt lên.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, việc thuốc điều trị ung thư giả được phát hiện thật sự bất ngờ. Nhiều năm gắn bó tại BV K Trung ương, chưa bao giờ ông ghi nhận hay nghi ngờ về thuốc điều trị giả, kém chất lượng. Mỗi thuốc nhập về đều phải có kiểm định, giấy phép, cấp phép đầy đủ. Thuốc nhập khẩu bao giờ cũng phải có cả giấy kiểm định, cấp phép của nước đó.
GS.TS Đức đưa ra khuyến cáo, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.
Người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong.
Thuốc giả Việt Nam giảm nhưng không thể hết
Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tiếp tục thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các Cty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam; đồng thời tăng cường kiểm tra các Cty sản xuất thuốc trong nước.
Trong năm 2016, kết quả kiểm tra chất lượng thuốc cho thấy, do tập trung triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ thuốc giả giảm từ 7% (năm 1990) xuống còn dưới 0,1%; tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3%.
Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2016 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước…
TS Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, đặc biệt, từ 1.1.2017, Luật Dược năm 2016 có hiệu lực, các quy định chi tiết về thu hồi thuốc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa, khắc phục những “kẽ hở” trước đó. Trước đây, thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi là khá dài. Trong khoảng thời gian chờ quyết định thu hồi, đình chỉ lưu hành thì một lượng thuốc đáng kể đã đến tay người bệnh.
Bên cạnh đó, không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi các thuốc kém chất lượng. Theo Luật Dược 2016, thời gian thu hồi thuốc được rút ngắn từ 3- 15 ngày tùy theo mức độ vi phạm của thuốc. Ngoài ra, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hồi thuốc đã được quy định đầy đủ, chi tiết trong các văn bản quy phạm về dược.